Thứ Sáu, 16/04/2010 11:27

Sai lệch số liệu hậu kiểm toán: Cơ hội cho sự “nhập nhèm”?

Sự kiện chênh lệch số liệu chưa từng có của TCty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã CK: VCG) trước và sau kiểm toán đã tạo kỷ lục về chỉ số tài chính cơ bản trên TTCKVN: VCG hiện có P/E vào khoảng 1.636,6 lần với EPS chỉ là 31 đồng/CP.

VCG: Sẽ "loạn" chỉ số tài chính

Báo cáo kiểm toán 2009 của VCG mấy hôm nay đang gây sốc khi điều chỉnh giảm hàng loạt số liệu cơ bản: Lợi nhuận trước thuế từ 620,86 tỉ đồng còn 191,4 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 460,46 tỉ đồng còn 203,84 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Cty mẹ từ 269,11 tỉ đồng còn 5,82 tỉ đồng.

Từ những số liệu cơ bản này, các chỉ tiêu tài chính liên quan của VCG có thể làm “hoa mắt” NĐT: Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) từ mức 36 lần tăng lên tới 1.636,6 lần. Chỉ số lợi nhuận trên CP (EPS) từ khoảng 1.455đ/CP chỉ còn 31đ/CP. Các chỉ số khác như ROA, ROE, giá trị sổ sách... cũng thay đổi chóng mặt.

Nguyên nhân chính của sự sai lệch số liệu là báo cáo kiểm toán đã yêu cầu ghi nhận lỗ chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản vay bằng ngoại tệ cho thực hiện dự án Nhà máy ximăng Cẩm Phả và Nhà máy nước sạch Vinaconex. Kiểm toán áp dụng chuẩn mực số 10 trong khi VCG thực hiện theo thông tư 201/2009/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15.10.2009. Hai phương pháp này không thống nhất trong việc ghi nhận chênh lệch 467,57 tỉ đồng khoản vay tính theo VND.

Thực ra vấn đề này đã nảy sinh từ năm 2008 và cũng đã được nêu trong báo cáo kiểm toán cũ. Khoản chênh lệch tỉ giá này đến cuối năm 2008 được “treo” ở tài khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái thuộc vốn chủ sở hữu. Báo cáo kiểm toán 2009 đã ghi nhận khoản lỗ tỉ giá này vào chi phí. Như vậy, “cục” lỗ này không mới mà chỉ khi nào được ghi nhận mà thôi.

Cơ hội cho sự "nhập nhèm"?

Đánh giá của cổ đông VCG hiện khá trái ngược. Theo ý kiến của một số NĐT đang sở hữu CP VCG, bản chất vấn đề không mới. Nhưng theo ý kiến ngược lại, câu chuyện về tính minh bạch lại được đặt ra, nhất là khi VCG đã “nổi tiếng” với khá nhiều thông tin sốc, chẳng hạn như vụ thu hồi thặng dư sau CPH năm 2009.

Với trường hợp chênh lệch số liệu, có ý kiến cho rằng tại sao VCG không thực hiện điều chỉnh vào báo cáo tài chính kiểm toán 2008? Khi đó lợi nhuận của VCG sẽ rất thấp (năm 2008 VCG báo cáo lãi 545,6 tỉ đồng). Đầu năm 2009 cũng là thời điểm VCG phát hành thêm tăng vốn. “Rất có thể nếu công bố một con số lãi thấp thì đợt phát hành khó thành công” - một cổ đông hiện tại có mức sở hữu khá lớn CP VCG nhận xét.

“Với cổ đông mới, từ con số lợi nhuận sau thuế 269,1 tỉ đồng của cổ đông Cty mẹ xuống còn 5,82 tỉ đồng là sự điều chỉnh rất sốc. Không phải NĐT nào cũng hiểu về sự khác biệt giữa hai cách ghi nhận chênh lệch tỉ giá. Nếu nhìn thoáng qua, không ít người sẽ mất niềm tin vào sự minh bạch thông tin như thế” - cổ đông này nhận xét.

Mặt khác, năm 2009 các Cty niêm yết đã phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên, nhưng tại sao bất đồng ý kiến kiểm toán không được thể hiện? “Nếu thực hiện nghiêm túc, NĐT sẽ tiếp cận được thông tin liên tục và đầy đủ hơn, khỏi phải ngã ngửa vào phút cuối như vậy”.

Theo ý kiến của một kiểm toán viên, giải quyết vấn đề này thực ra không mấy phức tạp, thậm chí có thể hóa giải nghi ngờ của NĐT dễ dàng. Sự vênh nhau giữa hai quy định trên trong nghề ai cũng hiểu, nhưng nếu để “lòi”ra thông tin sau khi có báo cáo kiểm toán thì dễ khiến NĐT cho rằng DN đã cố tình giấu nhẹm và chỉ bị “khui” ra khi kiểm toán phát hiện.

Một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng nếu việc điều chỉnh lỗi sai từ năm 2008 được thực hiện sớm hơn, công bố ngay trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán thì có thể tránh sốc và hiểu lầm cho NĐT. Do đó, có thể suy luận việc điều chỉnh muộn màng này là do có yêu cầu của kiểm toán viên đối với DN trong quá trình kiểm toán.

“Nếu có hai cách tính tạo ra hai số liệu khác nhau một trời một vực như vậy, tại sao DN không giải thích luôn cho NĐT dễ hiểu? Lâu nay, NĐT không mấy tin tưởng vào những chỉ số tài chính cơ bản trong phân tích một phần vì những hiện tượng như vậy. Chẳng hạn hiện P/E của VCG tới trên 1.600 lần thì theo lý thuyết nếu mua và nắm giữ, có lẽ đến khi Hà Nội kỷ niệm 2.000 năm tôi cũng chưa thu hồi được vốn!” - một NĐT bông đùa.

Diễn biến giá VCG trên thị trường hai hôm nay lại cho thấy một bức tranh khác: Sau 3 phiên giảm mạnh, CP này đã bắt đầu được mua mạnh trở lại và giữ được mức giá khá cao so với mức sàn. “Đã là dân “đánh” VCG, tin càng xấu càng phải mua mạnh. VCG mất lãi nhiều người đã biết từ trước khi công bố báo cáo” - một NĐT phát biểu chắc nịch trên diễn đàn.

Quan điểm có vẻ “ngược đời” này lại đúng nếu nhìn vào quá khứ 2009: Cũng trong bối cảnh những thông tin tưởng như xấu của VCG, giá CP chỉ giảm được vài phiên và sau đó đã tăng trở lại. Tuy nhiên, từ quan điểm đầu tư, một ý kiến khác lại đánh giá thấp sự minh bạch thông tin như vậy: “Đầu cơ, lướt lát thì được, nhưng đầu tư thì không bao giờ”!

Hoàng Nguyên

Lao động

Các tin tức khác

>   VNI đưa vào hoạt động sàn giao dịch BĐS Winlands (16/04/2010)

>   Chợ trời chứng khoán online… (16/04/2010)

>   Savico sẽ huy động 500 tỷ đồng trái phiếu nợ (16/04/2010)

>   HLA: Hủy Đại hội do cổ đông đến không đủ  (16/04/2010)

>   Sắp đến thời của cổ phiếu “Vua”? (16/04/2010)

>   Vitranschart tăng vốn để mua thêm 2 tàu hàng khô (16/04/2010)

>   Masan được thí điểm lập sàn giao dịch nông sản tập trung (16/04/2010)

>   PVC khởi công xây tổng kho hóa chất và hạ tầng (15/04/2010)

>   VFM thành lập Quỹ Đầu tư Năng động Việt Nam (15/04/2010)

>   Vietstock ra mắt phần mềm tra cứu thông tin tài chính (15/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật