Thứ Năm, 15/04/2010 12:06

“Sự cố” BCTC VCG: Không quá lo, nhưng cần hành động

Sự kiện Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG) điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2009 đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Và có những vấn đề đặt ra không chỉ bó hẹp ở giới hạn của một sự kiện.

Về sự kiện trên, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính độc lập Mạc Quang Huy, hội viên của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, đầu tư tài chính trong và ngoài nước.

Thưa ông, nhà đầu tư vào cổ phiếu VCG của Vinaconex cần hiểu sự điều chỉnh báo cáo tài chính sau kiểm toán này thế nào?

Báo cáo tài chính là một lĩnh vực phức tạp đối với các nhà đầu tư cá nhân. Có rất nhiều con số được đưa ra và giải trình có thể gây nhiễu với nhà đầu tư. Nhưng theo tôi, đối với nhà đầu tư vào cổ phiếu VCG thì cần nhìn ở hai điểm chính sau.

Thứ nhất, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông của năm 2009 điều chỉnh giảm 263 tỷ đồng từ 269 tỷ đồng xuống 6 tỷ đồng. Điều này sẽ làm giảm chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và tăng chỉ số giá/thu nhập (PE).

Thứ hai, phần vốn chủ sở hữu thuộc về cổ đông tại thời điểm cuối năm 2009 bị điều chỉnh giảm 430 tỷ đồng từ 2.800 tỷ đồng xuống 2.370 tỷ đồng. Điều này sẽ làm tăng chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B). Liên quan đến điều này, tổng nợ sau kiểm toán cũng bị điều chỉnh tăng 386 tỷ đồng, làm tăng hệ số đòn bẩy tài chính, nhưng ảnh hưởng này không lớn.

Ông có thể nói rõ hơn về bản chất của việc điều chỉnh báo cáo tài chính của Vinaconex là gì không?

Trước hết, phải nói sự điều chỉnh báo cáo trên là một sự điều chỉnh mang tính trọng yếu và có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư. Tuy nhiên, phân tích kỹ vào bản chất của lần điều chỉnh này thì theo tôi, nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng bởi khoản điều chỉnh lớn nhất liên quan đến việc sửa sai báo cáo tài chính của những năm trước.

Theo biên bản giải trình thì bút toán điều chỉnh lợi nhuận lớn nhất liên quan đến vấn đề chênh lệch tỷ giá liên quan đến việc xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả và Nhà máy Nước sạch Vinaconex từ các năm trước mà kiểm toán viên đã nêu ratrong báo cáo kiểm toán 2008. Khoản chênh lệch tỷ giá này đến cuối năm 2008 được treo ở tài khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái (lỗ 468 tỷ đồng) thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong báo cáo tài chính sau kiểm toán 2009, Vinaconex đã chấp nhận đưa phần chênh lệch tỷ giá này vào chi phí trong năm, dẫn đến sự điều chỉnh giảm lợi nhuận sau kiểm toán (khoảng 353 tỷ đồng theo giải trình). Riêng một phần khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2009 lên tới 62 tỷ đồng (lỗ) vẫn được treo trên bảng cân đối theo hướng dẫn hạch toán mới của Bộ Tài chính (mặc dù có sự mâu thuẫn với chuẩn mực kế toán VAS10).

Ngoài ra, theo biên bản giải trình, còn có sự điều chỉnh lợi nhuận sau kiểm toán từ một số công ty con, công ty liên doanh, liên kết, thuế hoãn lại và thuế hiện hành nên đã ảnh hưởng đến kết quả báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty.

Tôi cho rằng sự điều chỉnh của Vinaconex liên quan đến chênh lệch tỷ giá là một hành động sửa sai cần thiết mặc dù đúng ra, lỗi sửa sai này phải áp dụng hồi tố cho báo cáo tài chính năm 2008. Trong trường hợp đó, báo cáo thu nhập của năm 2009 sẽ không bị ảnh hưởng lớn nhưng báo cáo thu nhập và các quỹ của năm 2008 có thể bị giảm mạnh và có thể đây là điều Vinaconex không mong muốn thực hiện.

Nếu việc điều chỉnh lỗi sai năm trước này được thực hiện sớm hơn ngay trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán thì có thể tránh sốc và hiểu lầm cho nhà đầu tư vì đây là sự kiện không mới. Do đó, có thể suy luận việc điều chỉnh muộn màng này là do có yêu cầu của kiểm toán viên đối với doanh nghiệp trong quá trình kiểm toán.

Cũng cần nói thêm, ngoài những điều chỉnh lợi nhuận, vẫn còn sự chênh lệch trên báo cáo cân đối kế toán gây khó hiểu cho nhà đầu tư. Cụ thể, mặc dù báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2008 hoạch toán khoản chênh lệch tỷ giá (lỗ 468 tỷ đồng) treo trên tài khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái (ghi giảm trực tiếp nguồn vốn chủ sở hữu) nhưng các báo cáo tài chính quý năm 2009 của Vinaconex đã không thể hiện khoản này. Do đó, có thể suy đoán VCG không thực hiện hạch toán chênh lệch tỷ giá trong các báo cáo tài chính quý.

Điều này dẫn đến sai lệch lớn giữa phần vốn chủ sở hữu thuộc về cổ đông trên báo cáo quý 4/2009 (2.800 tỷ đồng) và báo cáo sau kiểm toán 2009 (2.370 tỷ đồng). Đồng thời, tổng nợ trên báo cáo Q4 thấp hơn tổng nợ trên báo cáo sau kiểm toán 386 tỷ đồng. Những sai lệch này cũng có thể ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư.

Vậy theo ông, cần phải làm gì để hạn chế tình trạng điều chỉnh báo cáo tài chính, nhất là khi gắn với niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư?

Rõ ràng vấn đề điều chỉnh báo cáo tài chính diễn ra tại nhiều doanh nghiệp niêm yết trong nhiều năm qua đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và tăng cường minh bạch trên thị trường vốn. Điều này đòi hỏi việc soát xét báo cáo tài chính bán niên cần sớm được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để. Tôi cũng đã nêu vấn đề này trong một bài trả lời VnEconomy trước đây.

Cụ thể, các lợi ích cơ bản của việc soát xét báo cáo tài chính giữa niên độ là:

Thứ nhất, đảm bảo các điều chỉnh kế toán đã được đưa vào trong báo cáo tài chính kiểm toán năm trước sẽ được phản ánh đầy đủ vào báo cáo quý và báo cáo năm của năm tài chính sau.

Thứ hai, các bất đồng kế toán do kiểm toán viên năm trước chỉ ra có thể được sửa đổi một cách kịp thời. Điều này sẽ giúp cải thiện ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính của các năm sau.

Thứ ba, các doanh nghiệp sẽ được tư vấn về hướng xử lý các vấn đề mới phát sinh, các quy định mới ra đời, tránh sự bất đồng nghiêm trọng vào phút cuối với kiểm toán viên.

Thứ tư, các doanh nghiệp chỉ phải đệ trình một bộ báo cáo quý/năm được soát xét/kiểm toán do đó số liệu đưa ra thị trường là nhất quán, tránh việc giải trình nhiều lần. Trên thực tế, việc kiểm toán viên yêu cầu khách hàng điều chỉnh báo cáo tài chính chưa kiểm toán để phù hợp với các chuẩn mực kế toán là điều không thể tránh được.

Thứ năm, các nhà đầu tư sẽ không bị loạn thông tin, loạn giải trình và được tiếp cận với các thông tin tài chính trung thực hơn, đầy đủ hơn.

Cuối cùng, soát xét báo cáo tài chính giúp kiểm toán viên bám sát khách hàng thường xuyên hơn, xác định các vấn đề phức tạp sớm hơn và do đó kiểm toán cuối năm thực hiện hiệu quả hơn, hoàn thành báo cáo sớm hơn.

Nếu chúng ta không cố gắng thực hiện soát xét báo cáo tài chính (ít nhất là bán niên) thì các nhà đầu tư sẽ còn phải tiếp tục chứng kiến những “sự ngạc nhiên không mong đợi vào phút cuối”. Không loại trừ có doanh nghiệp niêm yết sẽ lợi dụng văn hóa “giải trình” hiện nay để cố tình đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch nghiêm trọng với mục đích lũng đoạn và làm giá cổ phiếu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Một nghị định vô hiệu hóa một định chế  (15/04/2010)

>   Thao túng giá, nhìn từ các chế tài (15/04/2010)

>   “Sóng ngầm” cạnh tranh môi giới  (15/04/2010)

>   Khi cổ đông lớn chơi trò tung - hứng (15/04/2010)

>   PVI ký thỏa thuận bảo hiểm với hạn mức trách nhiệm 6 tỷ USD (15/04/2010)

>   Đại lý nhận lệnh chứng khoán khoác “áo mới” (15/04/2010)

>   VietstockTrader – Giải pháp đầu tư hiệu quả và chuyên nghiệp (15/04/2010)

>   Kích giá cổ phiếu nhỏ (15/04/2010)

>   Bắt quả tang Tung Kuang xả thải chưa xử lý qua ống ngầm (14/04/2010)

>   TMT thành lập công ty lắp ráp ô tô vốn điều lệ 50 tỷ đồng (14/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật