Thao túng giá, nhìn từ các chế tài
Sau vụ việc của NĐT Nguyễn Kim Phượng (vừa công bố mua vào cổ phiếu (CP) VTV đã thực hiện ngay việc bán ra), mới đây UBCK đã phát hiện thêm trường hợp NĐT Trần Thái Hưng vi phạm quy định về chào mua công khai. Sau mỗi vụ việc này, điều NĐT trông đợi nhất là động thái của cơ quan quản lý. Bởi nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến những vụ vi phạm trên liên tục xuất hiện là xử phạt chưa đủ sức răn đe. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC
NĐT cần lưu ý khi một DN hay một cá nhân chào mua công khai một DN khác nhằm mục đích gì? Nếu chào mua để nắm quyền kiểm soát công ty thì thông thường trước khi chào mua, bên chào mua đã tích lũy được lượng cổ phiếu nhất định. Bên chào mua công khai sẽ không mua bằng mọi giá. Vì thế, nhiều NĐT đã thua lỗ khi đổ xô mua vào những CP được chào mua công khai.
Trong trường hợp của bà Phượng, rõ ràng, các NĐT bị thiệt hại có thể kiện lên UBCK vì thiệt hại này là do hành động của NĐT lớn gây nên. Theo tôi, cần tịch thu toàn bộ khoản chênh lệch do vi phạm về chào mua công khai.
Để đề phòng trường hợp tương tự xảy ra, khi nhận được hồ sơ chào mua công khai, UBCK có thể gửi thư cho bên chào mua và các bên liên quan xác nhận một lần nữa trách nhiệm của bên chào mua không được bán chứng khoán trong thời gian này. Như vậy, các bên không thể vin vào sự thiếu hiểu biết quy định mà dẫn đến vi phạm. Nếu NĐT chào mua công khai bán chứng khoán tại CTCK thực hiện chào mua, thì đơn vị đó phải biết được giao dịch này là vi phạm. Nếu không biết thì chỉ có thể là sự yếu kém về nghiệp vụ hoặc đồng lõa với NĐT?
Trong trường hợp NĐT chào mua công khai bán chứng khoán ở tài khoản của một CTCK khác thì rõ ràng đây là hành vi trục lợi cần xử lý hình sự.
NĐT Lê Ngọc Hoàng, Sàn CTCK VNDIRECT
Có một thực tế là giao dịch của bà Phượng sẽ không thành công nếu không có sự bỏ qua của CTCK nơi bà Phượng mở tài khoản. Vì khi NĐT Phượng công bố mua vào CP thì thông tin này đã được công khai và đương nhiên CTCK trên cũng được biết. Vì thế, họ có thể ngăn chặn lệnh bán của bà Phượng do vi phạm quy định chào mua công khai. Có nhiều lý do khiến CTCK không ngăn giao dịch, nhưng rõ ràng họ không thể vô can trong vụ việc trên. Tôi nghĩ, UBCK cần vào cuộc thanh, kiểm tra ngay CTCK nơi bà Phượng mở tài khoản.
Việc vi phạm pháp luật của bà Phượng là đã rõ. Cho dù khó đánh giá mức độ của việc công bố thông tin tác động đến giá chứng khoán như thế nào, nhưng việc thu lợi nhuận từ thực hiện giao dịch này (khoảng 10 tỷ đồng) là có thật. Vì thế, cần xử lý thật nghiêm để răn đe.
NĐT Bạch Hưng Hùng, Sàn CTCK Thương mại và Công nghiệp
Nói thực, sau những sự việc trên, tôi không còn tin vào các bản công bố thông tin mua - bán của các cổ đông lớn, thậm chí là các lãnh đạo DN. Trên thế giới có những nghiên cứu rất nghiêm túc về tác động của bản công bố bán ra, mua vào CP của NĐT lớn. Nó như một chỉ báo cho hoạt động đầu tư, kể cả ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, việc gây mất lòng tin vào những thông tin này trên TTCK Việt Nam là điều rất tồi tệ.
Những trường hợp NĐT vi phạm vượt quá tầm xử lý của cơ quan quản lý thị trường thì nên đưa sang cơ quan công an để điều tra. Để hạn chế những vi phạm này, điều quan trọng theo tôi là phải xử phạt thật nghiêm. Trước hết, phải tịch thu nguyên số tiền có được từ hành vi trục lợi. Sau đó phạt thêm ít nhất bằng số tiền đó mới có tính chất răn đe. Cần thiết thì chuyển sang xử lý hình sự mới có thể hạn chế tình trạng này.
NĐT Đào Hải Nguyên, Sàn CTCK Thăng Long
Việc NĐT vừa công bố mua đã thực hiện bán ngay CP không chỉ gây thiệt hại cho NĐT nhỏ lẻ mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN đó. Sau sự kiện bà Phượng bán ra CP, tôi cho rằng, NĐT sẽ thận trọng hơn rất nhiều, ngay cả khi DN đó có công bố thông tin tốt đến như thế nào. Hiện nay, còn có tình trạng việc các thành viên HĐQT có quan hệ với những nhóm NĐT bên ngoài để "phối hợp" ra tin - ra hàng và thiệt hại sẽ là những NĐT nhỏ không có điều kiện tiếp cận thông tin. Khi thông tin chuẩn đến được với NĐT thì đã qua nhiều tầng nấc và CP đã qua nhiều dải giá khác nhau, rất rủi ro.
Có thể nói, những mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ. Vì thế, để hạn chế những vi phạm kể trên, bên cạnh việc xử phạt thật nặng, tôi cho rằng, cần bổ sung thêm quy định: nếu cổ đông lớn, thành viên HĐQT vi phạm quy định về chào mua - chào bán thì trong một khoảng thời gian nhất định không cho họ được giao dịch các CP đó.
Luật sư Hà Đăng, Giám đốc Công ty Luật Hà Đăng
Bất kỳ một điều luật nào cũng vậy, nó chỉ có tính khả thi cao khi xác định được đặc trưng của tội danh rõ ràng. Các hành vi phạm tội trên TTCK rất tinh vi, bởi ranh giới giữa một bên là thủ thuật đầu tư với bên còn lại là hành vi phạm tội rất mong manh, nên sẽ khiến các cơ quan tố tụng khó thu thập được các chứng cứ trực tiếp để chứng minh hành vi phạm tội. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán. Để đảm bảo cho các quy định của luật có tính khả thi cao, tạo điều kiện áp dụng luật hiệu quả, trước mắt, Bộ Tài chính, UBCK cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các quy định về những tội danh trong lĩnh vực chứng khoán. Chỉ có như vậy, mới giúp các cơ quan tố tụng thuận lợi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán lần đầu tiên được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 bao gồm: cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và thao túng giá chứng khoán.
Nguyên Thành - Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|