Thứ Tư, 14/04/2010 22:22

Bắt quả tang Tung Kuang xả thải chưa xử lý qua ống ngầm

Ngày 14-4, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C36) Bộ Công an phát hiện một vụ xả thải trái phép xảy ra tại Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình, CTCP công nghiệp Tung Kuang - Đài Loan (HNX: TKU) tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Vụ "Vedan thứ hai"

Cơ quan công an bắt quả tang nhà máy có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động mà thực hiện bơm nước thải chưa qua xử lý theo một hệ thống đường ống ngầm để xả ra môi trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó cục trưởng C36, đại tá Lương Minh Thảo, cho biết đây là một vụ xả thải ra môi trường có tính chất nghiêm trọng, tương tự như vụ việc công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai).

Để khám phá vụ việc này, các trinh sát của C36 đã tiến hành nắm tình hình từ 3 tháng trước, đánh giá mức độ vi phạm của nhà máy. Khoảng 20g30 ngày 13-4, các trinh sát bất ngờ ập vào nhà máy, bắt quả tang công nhân Nguyễn Quang Chiến đang thực hiện vận hành hai máy bơm tại khu xử lý nước thải đang bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Qua kiểm tra, C36 xác định đường ống nước thải từ nhà máy ra khu xử lý được phân làm 2 nhánh, một nhánh chảy vào khu xử lý và một nhánh không qua xử lý (để đường ống hở, khi bơm mới đấu nối) chạy ngầm dưới lòng đất ra môi trường.

Tại điểm cống xả ra môi trường trên khu vực sông Ghẽ, thấp hơn mặt nước sông khoảng 60cm (chảy ra sông Hồng tại địa phận cầu Phú Lương, Hải Dương), nước thải có màu trắng đục, nổi bọt như bọt xà phòng trắng xóa cả mặt sông Ghẽ.

Sáng 14-4, C36 cùng các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra toàn bộ hệ thống xử lý nước thải và đường ống ngầm của nhà máy này. Cơ quan công an xác định hệ thống nước thải chủ yếu từ hai xưởng xi mạ và xưởng khung nhôm định hình được bơm chảy vào bể chứa của hệ thống xử lý.

Nếu thực hiện vận hành đúng quy trình, nước thải bẩn sẽ phải chảy qua các bể lắng, bể xử lý hóa chất, bể than hoạt tính để đảm bảo nước thải khi chảy ra môi trường không chứa các hóa chất, tạp chất vượt quá mức quy định. Theo phía nhà máy, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này được lắp đặt cùng thời điểm xây dựng nhà máy vào năm 2002 và là hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại nhất miền Bắc.

Nước thải chứa hóa chất độc hại gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép

Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra, toàn bộ hệ thống đường dây điện dẫn đến các “mắt thần” thông minh quan sát nước đang xử lý đều đã bị dỡ bỏ. Các bể xử lý hóa chất, bể lắng, bể than hoạt tính đều trong tình trạng gần như khô kiệt, các mảng rêu phong bám trên thành bể, thể hiện việc không có nước được xả vào bể thường xuyên.

Phía tủ điều khiển của hệ thống, nhà máy cho lắp đặt một đường ống ngầm, đấu với đường ống hở tại bể chứa nước thải ban đầu để bơm trực tiếp nước thải ra sông, không qua xử lý. C36 đã yêu cầu nhà máy đào lộ thiên đường ống ngầm để xác định toàn tuyến nước thải không qua xử lý.

Trung tá Lê Quang Đồng, Phó phòng 2 C36, nhận định bể chứa thu gom nước thải có khối lượng khoảng 500m3, được bơm thường xuyên qua hệ thống đường ống ngầm này, thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại như Chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), Mangan, sắt... đều có nồng độ vượt quy định.

Trong khi đó, chỉ cách đó vài trăm mét, nhà máy nước của huyện Cẩm Giàng đã sử dụng nước mặt của sông Ghẽ để xử lý thành nước sạch, cung cấp cho các hộ dân trong huyện. Ông Đồng nhận định các nhà máy nước không thể xử lý được chất độc Chrome 6 mà phải xử lý bằng hóa chất chuyên dụng mới đảm bảo không độc hại để cung cấp cho người dân sử dụng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về hành vi vi phạm của nhà máy, ông Liu Chien Lin (Lưu Kiến Lâm), Phó tổng giám đốc công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang, cho biết ông hoàn toàn không biết sự việc này.

Theo ông Lâm, việc này do cán bộ phụ trách thực hiện vì sau khi xảy ra vụ Vedan, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhà máy và không phát hiện có vi phạm gì.

Theo ông Nguyễn Xuân Huân, người dân thuộc xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tình trạng đường ống xả ra sông Ghẽ có bọt trắng, đục ngầu trên sông có từ nhiều năm nay, người dân địa phương có biết nhưng không có cách nào có ý kiến với công ty. Ngoài nước thải, mỗi khi nhà máy vận hành dây chuyển, khói đen phủ khắp các thôn của xã Cẩm Phúc.

 

Ông Lưu Kiến Lâm, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang, cho rằng hành vi vi phạm đến đâu, công ty sẽ chịu trách nhiệm đến đó theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện tại, nhà máy còn chờ kết luận của cơ quan chức năng về mức độ vi phạm. Tuy nhiên, nếu phải đền bù hàng chục đến hàng trăm tỉ như Vedan, ông Lâm nói không có quyền quyết định mà phải xin ý kiến công ty.

 

Minh Quang - Tuấn Phùng

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   TMT thành lập công ty lắp ráp ô tô vốn điều lệ 50 tỷ đồng (14/04/2010)

>   PVS giành hợp đồng cung cấp tàu cho Malaysia (14/04/2010)

>   Yahoo! kết nối đến VietstockFinance (14/04/2010)

>   Từ câu chuyện làm giá SQC: Chơi dao dễ đứt tay! (14/04/2010)

>   MCG nâng tỷ lệ sở hữu Thủy điện Thác Xăng lên 80% (14/04/2010)

>   Năm 2010, kế hoạch lợi nhuận và cổ tức của HAD đều giảm  (13/04/2010)

>   Nghề môi giới chứng khoán: “Hoa hồng lắm gai” (13/04/2010)

>   Không thể sửa luật bằng nghị định (13/04/2010)

>   “Câu thần chú” của penny-traders (13/04/2010)

>   Cổ phiếu đầu cơ: Giai đoạn thoái trào sẽ đến sớm (13/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật