Từ câu chuyện làm giá SQC: Chơi dao dễ đứt tay!
Hiện tượng tăng giá bất thường của SQC trên sàn Hà Nội (HNX) trong 15 phiên đầu tiên chào sàn đã được giải mã bằng hiện tượng làm giá. UBCKNN vừa công bố đích danh 2 NĐT góp phần “thổi” giá CP này từ mức 81.000đ/CP lên cao nhất 161.000đ/CP.
Vì sao thanh khoản thấp?
Theo báo cáo của UBCKNN, 2 NĐT là Hoàng Minh Hướng (tài khoản giao dịch số 019C995003) và Quách Thị Nga (tài khoản giao dịch số 019C995001) đã có hành vi đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn SQC với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tiếp, gây ảnh hưởng đến giá của CP này trong thời gian từ ngày 17.12.2009 đến ngày 7.1.2010.
Ngay từ khi mới lên sàn, hiện tượng tăng giá bất thường của SQC đã được giới đầu tư đặt vấn đề về có những “đội” tham gia làm giá. Dĩ nhiên nghi ngờ vẫn chỉ là nghi ngờ vì không ai có thể chứng minh chính xác ngoài cơ quan quản lý. Một cuộc điều tra bỏ túi với một số NĐT và môi giới cho thấy không có ai bất ngờ khi UBCKNN chính thức xác nhận hiện tượng này. “Chỉ lạ là UBCK điều tra hơi chậm và SQC vẫn giữ được mặt bằng giá cao như hiện nay” - một NĐT cho biết.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này được cho là do mức thanh khoản cực thấp của SQC. Theo thống kê của HNX thì từ đầu tháng 2.2010 đến nay, chưa có phiên nào SQC giao dịch quá 7.000 CP/phiên, thậm chí rất nhiều phiên chỉ có vài trăm CP được chuyển nhượng. Chính tình trạng giao dịch rất nhỏ giọt này trong khi SQC có giá trị vốn hóa lớn do niêm yết tới 100 triệu CP khiến HNX-Index trong phiên đã bị nhiễu. HNX từ ngày 26.3 đã điều chỉnh rổ tính Index bằng việc chỉ tính với SQC theo khối lượng tự do chuyển nhượng (khoảng 11,25 triệu CP trong tổng số 100 triệu CP niêm yết).
Tuy nhiên, ngay cả tính theo khối lượng tự do chuyển nhượng thì trên 11 triệu CP cũng là một khối lượng lớn hơn nhiều DN niêm yết khác trên HNX. Điều này trái ngược với mức thanh khoản cực thấp của SQC. Thống kê cung cầu tổng hợp của mã này hằng ngày cũng cho thấy thị trường gần như lãng quên: Cả lượng đặt mua và đặt bán cao nhất cũng chỉ vài ngàn đơn vị. Điều đó có nghĩa là SQC đang nằm trong tay những NĐT không muốn giao dịch hay đang muốn tạo một mặt bằng giá cao?
Một quan chức của HXN cho rằng về nguyên tắc, tất cả các CP đều phải giám sát nhưng hiện tượng làm giá rất khó chứng minh. SQC giao dịch 100 CP thì cũng không có cơ sở kết luận vì làm giá đôi khi cũng chỉ do cung cầu. Theo một số NĐT, với khối lượng sở hữu khống chế, khi có cơ hội về mặt thị trường một nhóm người có thể đẩy giá SQC lên mức nào cũng được. Cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ giao dịch của CP này vì chắc chắn tỉ lệ sở hữu rất cô đặc.
Ăn theo CP làm giá: Coi chừng đứt tay!
Thực tế, không có NĐT nào không ngầm hiểu về những câu chuyện làm giá được lan truyền hằng ngày. Những thông tin đại loại “có đội đánh lên CP XYZ” được tung ra khắp nơi và quả nhiên phù hợp biến động giá tăng.
“Trường hợp của SQC mắc lỗi “cơ bản” trong làm giá khi cả hai NĐT đều mở tài khoản cùng một CTCK và đặt lệnh quá lộ liễu” - một NĐT nhận xét. Nếu các tài khoản được phân tán ở nhiều CTCK, dưới nhiều tên khác nhau thì việc giám sát và chứng minh sẽ phức tạp hơn nhiều.
Trên cả hai sàn giao dịch, đặc biệt là HNX, có những CP được giới đầu cơ liệt vào danh sách “vàng” để làm giá. Những tiêu chí cơ bản là: Khối lượng CP trôi nổi phù hợp với nguồn lực, thông tin càng “nhập nhèm” càng tốt, đặc biệt là có điểm mờ để dễ bề tạo ra những thông tin tốt dạng “bánh vẽ”.
Mục đích cao nhất của hành động làm giá là khêu gợi lòng tham của càng nhiều NĐT càng tốt vì lúc đó hàng động làm giá sẽ bị xóa nhòa ranh giới với một đợt tăng bình thường. Mặt khác nếu không lôi kéo được nhiều NĐT tham gia thì lực lượng làm giá không thể thoát hàng an toàn, mà vẫn phải quanh quẩn mua bán cho nhau và tự kẹt vốn hay mắc cạn.
“Yếu thì không nên ra gió” là thông điệp cảnh báo với những NĐT thiếu kinh nghiệm, “thân thủ” kém linh hoạt mà đua đòi lướt sóng với các CP “nóng”. “Thực tế với NĐT có kinh nghiệm, ăn theo các CP được đánh lên, đánh xuống cũng không mấy khó khăn. Chơi CP nóng phải hiểu là đang chơi dao. Quan trọng nhất là phải biết “vừa miếng thì rút” - một NĐT chuyên đầu cơ tâm sự. Không ít CP vốn hóa nhỏ hiện tại đang trải qua một đợt điều chỉnh “cay đắng”.
Chẳng hạn: CP D (HoSE) tăng 66% trong 29 phiên và đang lao dốc khoảng -15% tính từ đỉnh. Khối lượng phân phối trong gần 10 phiên quanh vùng đỉnh cỡ 10 triệu đơn vị. CPP (HNX) được đẩy giá liền 7 phiên với mức tăng 28%, nhưng tại phiên đỉnh đã trao tay trên 11 triệu đơn vị và giá bắt đầu giảm sàn. Trong vòng quay đầu cơ, NĐT nào cũng hy vọng mình không phải là người sau cùng phải ôm quả bom sắp nổ. Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng đủ bản lĩnh để lùi sớm một bước.
Nam Nguyễn
lao động
|