Kinh tế châu Á: Tươi sáng nhưng tiềm ẩn rủi ro
Khi nhà lãnh đạo của Ngân hàng Châu Á - ADB phát biểu rằng các quốc gia thành viên phát triển nên trở thành các nhà tài trợ chứ không giữ vị trí là nước nhận viện trợ. Điều này là một chỉ dẫn tích cực cho thấy sự hồi phục kinh tế của khu vực này.
Châu Á sẽ thể hiện rõ sự lớn mạnh về tài chính và vai trò quan trọng trong cộng đồng tài chính toàn cầu
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, các ngân hàng Châu Á hầu như không bị ảnh hưởng quá nặng nề và những nền kinh tế của các quốc gia này hiện đang hồi phục mạnh mẽ. Chính vì thế Ngân hàng Châu Á đang tự tin đưa ra các dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn vào tháng tới.
Nâng cao vai trò
Theo Chủ tịch Haruhiko Kuroda của ADB, giờ là thời gian chín muồi để Châu Á đóng một vai trò lớn hơn trong tất cả mọi vấn đề, từ thiết lập cơ chế giám sát tài chính đến quản lý các thiết chế tài chính và sẵn sàng bỏ tiền trong túi ra giúp đỡ các quốc gia khó khăn. Đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp thì nguồn vốn ưu đãi hoàn toàn cần thiết. Cộng đồng các nhà tài trợ thế giới cần phải mở rộng, trong đó có ngày càng nhiều các quốc gia đến từ Châu Á đóng góp tài chính để giúp đỡ và trợ giúp phát triển. Như thế Châu Á sẽ thể hiện rõ sự lớn mạnh về tài chính và vai trò quan trọng trong cộng đồng tài chính toàn cầu.
Nhưng phải cẩn trọng nguy cơ tiềm ẩn
Sự suy giảm kinh tế nặng nề của các nền kinh tế phương Tây hiển nhiên là mối nguy hiểm ngắn hạn đối với Châu Á. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất với rất nhiều quốc gia Châu Á. Và như thế mối nguy hiểm lớn nhất đối với chính phủ các nước Châu Á sẽ là sự thất bại nếu không tận dụng nhanh cơ hội phát triển khi kinh tế thế giới phục hồi.
Trong báo cáo nghiên cứu của chuyên gia tư vấn John Llewellyn - từng làm việc tại Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - cho hãng Nomura có nhận định rằng triển vọng tăng trưởng trung hạn của Châu Á rất xán lạn nếu các nhà hoạch định chính sách dũng cảm đương đầu với khó khăn từ việc thực hiện cải cách. Một chính sách đúng chưa thể đảm bảo cho sự phát triển kinh tế nhưng nếu chính sách sai thì tất yếu sẽ gây ra hậu quả xấu cho nền kinh tế. Châu Á có nhiều khả năng để tiếp tục mở rộng doanh số thương mại với tốc độ cao một khi có tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao, tốc độ đô thị hóa duy trì trong mức kiểm soát, các trình độ về kỹ năng và giáo dục của người dân được nâng cao dù cho xuất phát điểm thấp. Lĩnh vực dịch vụ vốn chưa hiệu quả của Châu Á cũng có nhiều tiềm năng để bắt kịp trình độ chung của thế giới. Về mặt nhu cầu, các nền kinh tế lớn hơn như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia phải quay về với thị trường nội địa để tăng trưởng mạnh.
Việc nhận ra mối nguy cơ đến từ ngay các tiềm năng phát triển là thách thức lớn nhất đối với các nền kinh tế Châu Á trong thập kỷ tới. Chính vì thế quốc gia nào phản ứng sớm được với vấn đề này sẽ có được tốc độ tăng trưởng như mong muốn. Một lĩnh vực khác mà các nhà kinh tế muốn thấy sự cải thiện ở Châu Á là giảm dần các rào cản thương mại. Ví dụ như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia đang đặt mức thuế 30% trở lên đối với thép, ôtô và các vật liệu xây dựng khác. Như thế là khá cao và nên hướng tới việc tạo ra khu vực tự do thương mại như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã thực hiện.
Cuối cùng, vấn đề khẩn thiết là Châu Á cần tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để giảm tỷ lệ người dân nghèo đói và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Việc phát triển hệ thống ngân hàng thuận lợi để giúp người dân dễ dàng vay các khoản tài chính lớn để mua nhà, ôtô đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Câu chuyện về những điều thần kỳ trong phát triển kinh tế của Châu Á sẽ tiếp diễn và kết thúc ra sao ? Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng các vấn đề như tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ về giá trị Nhân dân tệ và tỷ giá giữa USD với các loại tiền tệ Châu Á khác sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển kinh tế của Châu Á trong nhiều năm tới.
Hoa Chi
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|