Thứ Hai, 12/04/2010 06:14

“Chơi” chứng khoán thuê

Nhiều người muốn kiếm tiền nhưng không phải ai cũng có thể đầu tư chứng khoán. Vì vậy đã hình thành dịch vụ không chính thức được công nhận, đó là đầu tư chứng khoán thuê. Tất cả đều dựa trên lòng tin, vì thế rủi ro cũng khá cao.

Manh nha từ các hụi hạp trong công sở, Nguyễn Thành Công, nhân viên công ty liên doanh ở Hà Nội, đã lập một nhóm đầu tư chung. Lúc đầu chỉ có ba người với số vốn hơn 200 triệu đồng do bạn bè gửi nhờ Công đầu tư.

Nhờ người kiếm tiền

Đến nay nhóm có 27 người, số vốn trong tài khoản chứng khoán chung trên 12 tỉ đồng. Anh Công nhận vốn của bạn bè, sau đó lập hai tài khoản chứng khoán mua bán trong ngày. Nếu thắng trong những lần lướt sóng chứng khoán, trưởng nhóm chia theo tỉ lệ vốn góp, thua cùng chịu. “Nhờ tham gia nhóm N.Đ.M. - một thành viên góp vốn từ Tết Canh Dần đến nay, từ 50 triệu tiền thưởng tết của hai vợ chồng, nay lãi và vốn lên đến 215 triệu đồng. Trước đó, N.Đ.M. đã bị mã chứng khoán STB cuốn sạch tiền mừng đám cưới do đầu tư riêng lẻ và thiếu thông tin” - Công tâm sự.

Cuối tháng 2-2010, ông B. - chủ một doanh nghiệp ngành thực phẩm tại Đồng Nai, gây ngạc nhiên với nhiều người thân khi tuyên bố sẽ kiếm tiền từ kinh doanh chứng khoán. Ông B. mở tài khoản với số vốn 3 tỉ đồng. Ông còn khoe tin nhắn về kết quả giao dịch chứng khoán. Khi người thân hỏi để học tập cách đầu tư ông mới thú nhận chỉ là hợp tác ăn chia lợi nhuận, chứ mọi việc do môi giới thực hiện.

“Tỉ lệ ăn chia lợi nhuận tùy thuộc vào số vốn quản lý cũng như thỏa thuận giữa hai bên, còn thời gian hợp tác ngắn nhất là ba tháng và dài nhất là một năm...” - anh T., nhân viên môi giới một công ty chứng khoán, nói. Theo anh T., tỉ lệ ăn chia phổ biến hiện nay là môi giới sẽ hưởng 5-10% lợi nhuận, cao nhất có thể lên tới 15%. Ngược lại, nếu đầu tư bị thua lỗ, người bỏ vốn kinh doanh chứng khoán phải chịu.

Hiện hoạt động đầu tư theo dạng này đang thu hút được nhiều tiền nhàn rỗi của các bạn trẻ, các bà nội trợ, viên chức nhà nước.

Ai đánh thuê?

Khá phổ biến ở TP.HCM là những nhóm đầu tư do nhân viên môi giới ở công ty chứng khoán điều hành. Các công ty chứng khoán không cho phép nhân viên lập nhóm, đầu tư thuê nhưng do có nhiều người gửi bán cổ phiếu dần dần tạo nên nhóm. Về phía người muốn kiếm tiền nhưng ít am hiểu về chứng khoán lại tin rằng một số nhân viên chứng khoán được xem là thầy về lĩnh vực này với sự thông thạo thị trường, nắm bắt được thông tin, vì thế họ sẵn lòng giao tiền.

Nhưng không phải môi giới nào cũng được chọn mặt gửi vàng mà phải có vốn lớn, quan hệ rộng. Ngoài ra còn có nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng nhận đầu tư thuê. Thậm chí họ còn tổ chức những “quỹ” đầu tư nho nhỏ với nhiều hình thức ăn chia khác nhau. Nhưng cũng có trường hợp nhân viên môi giới công ty chứng khoán vận động, thuyết phục người có vốn đưa cho mình đầu tư. Được đưa vào tầm ngắm là những người có vốn lớn, khao khát kiếm tiền nhanh.

Con rể cho mẹ vợ ôm nợ

Tại TP.HCM vừa xảy ra tình trạng con rể mượn chứng minh nhân dân của mẹ vợ mở tài khoản chứng khoán, góp vốn đầu tư chung, khi thua lỗ con rể chạy trốn, bỏ lại gần 2 tỉ đồng cho mẹ vợ ôm nợ. Nạn nhân đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng ai góp bao nhiêu vốn, ai gây thua lỗ cho ai...

Một nguyên tắc bất thành văn khi thuê đầu tư chứng khoán là trong quá trình đầu tư, tránh gây tâm lý ức chế cho các bạn chơi khác nhóm quy định, mỗi thành viên phải đi tới cùng, không “ăn nhát non”, thắng trong vài cú lướt sóng rồi rút vốn giữa đường. Lý do là rút vốn ra khỏi tài khoản sẽ gây sự xui xẻo.

Trên sàn chứng khoán còn có những nhóm tự phát, do bám sàn, trước giờ giao dịch thường tụ họp cà phê, trà lá rồi quen nhau. Họ cùng nhau mua hoặc bán một loại cổ phiếu.

Trong giới lướt sóng có khái niệm lên sàn “kiếm tiền chợ”, đã thu hút cả những tiểu thương, người lớn tuổi... gửi tiền cho các nhóm đầu tư cổ phiếu thuê. Nhóm chơi thuê chứng khoán có lợi thế tập trung vốn, đặc biệt trưởng nhóm có trong tay nhiều tài khoản, mua tay phải bán tay trái, vòng quay vốn nhanh hơn, nhờ là khách VIP nên được cho bán chứng khoán trước khi về tài khoản.

Cũng có những nhóm chơi chứng khoán hình thành trên quan hệ bạn bè, người này giới thiệu cho người khác, kinh doanh trên cơ sở lòng tin, không có bất cứ ràng buộc nào về mặt pháp lý. Tất cả quan hệ tài chính dựa vào tin tưởng nhau, một số người gửi nhiều tiền cẩn trọng hơn viết cho nhau giấy tay nhưng cơ sở pháp lý cũng rất yếu ớt.

Tài khoản chứng khoán riêng của các thành viên có thể bị trưởng nhóm lạm dụng vốn, nếu thua lỗ chủ tài khoản sẽ ôm nợ vì chủ trò.

“Giao trứng cho ác “?

Anh M. - nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán, cho biết đầu tháng 3-2010 anh đã thuyết phục được ông H. - một nhà thầu xây dựng tại Bình Thạnh (TP.HCM), bỏ 5 tỉ đồng để đầu tư.

Sau 20 ngày ông H. nằng nặc đòi rút tiền về. Lý do nghe thông tin về những vụ lừa đảo trong chứng khoán, ông H. sợ mất tiền. Anh M. đã phải giải thích rằng tài khoản do nhà đầu tư đứng tên, mọi giao dịch đều được công ty chứng khoán báo về điện thoại của khách hàng. Anh M. chỉ được ủy quyền giao dịch, không được ủy quyền rút tiền nên không thể tự ý lấy tiền của khách hàng.

Tuy nhiên, thực tế thì rủi ro cho người đi thuê đầu tư chứng khoán rất lớn nếu “giao trứng cho ác”. “Không ít người môi giới hiện nay chơi thuê cho khá nhiều khách hàng cùng một lúc, chưa kể chơi riêng cho bản thân, nên khả năng lợi dụng tiền của khách hàng để kiếm lợi cho cá nhân là rất cao...” - anh M. thừa nhận. Khi có thông tin tốt hoặc nhận định một cổ phiếu nào đó sẽ tăng, nhân viên môi giới sử dụng tài khoản của mình mua trước, rồi mới đến tài khoản ủy quyền của khách hàng. Ngược lại, khi nhận định giá cổ phiếu đã đến “đỉnh” hoặc có thông tin xấu, môi giới này sẽ “chạy” trước tài khoản của mình rồi mới đến lượt người nhờ đầu tư.

Dù đã có nhiều khuyến cáo về sự rủi ro nhưng hầu hết những người thuê người khác đầu tư chứng khoán đều chấp nhận vì họ cho rằng đã muốn kiếm tiền nhanh phải chấp nhận rủi ro. Hơn nữa, người được “giao trứng” luôn có cách để thuyết phục người khác rằng cứ yên tâm. Vì thế, phần lớn tranh chấp đều xử lý theo hướng hai bên tự dàn xếp hoặc phần thiệt rơi vào người thuê đầu tư chứng khoán.

Hải Nam - Hải Đăng

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   PET – Định hình một mô hình phân phối hoàn chỉnh (12/04/2010)

>   Không giảm tỷ lệ cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông (11/04/2010)

>   Nhựa Rạng Đông chờ lợi nhuận từ bán đất (10/04/2010)

>   Giấc mơ trứng vàng của tín đồ cổ phiếu (10/04/2010)

>   Tin mật thực sự có ích? (10/04/2010)

>   CTCK “trẻ” nhưng không “non” (09/04/2010)

>   Đối mặt với nghi vấn rò rỉ “tin mật” (09/04/2010)

>   14/04, Ninh Vân Bay chốt danh sách tham dự ĐHĐCĐ (09/04/2010)

>   Thủy sản Cà Mau vẫn chưa gỡ được lỗ năm 2008 (09/04/2010)

>   VIG bắt đầu triển khai dự án Hanoi ICT Tower (09/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật