Kiến nghị tăng thuế thuốc lá lên 78%
Việc sản xuất thuốc ở Việt Nam trong những những năm gần đây đã tăng đáng kể, tổng sản lượng thuốc lá điếu tăng hơn gấp đôi, từ 2 tỉ bao đến trên 4 tỉ bao trong khoảng năm 1999 đến 2007. Bệnh tật do hút thuốc lá gây nên đã cướp đi sinh mạng của 40.000 người tại Việt Nam mỗi năm, tạo nên gánh nặng to lớn về xã hội. Tuy nhiên, việc phòng chống hút thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua còn bất cập do các rào cản về chính sách thuế và các quy định về kiểm soát thuốc lá.
Xung quanh về vấn đề này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn ông Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp của Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam (Vinacosh), nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khám chữa bệnh (Bô Y tế), bên lề hội thảo về Truyền thông phòng chống các tác hại của thuốc lá diễn ra tại Bình Dương hôm 31-3.
TBKTSG Online: Bộ Y tế và Vinacosh đã khuyến nghị in cảnh báo bằng hình ảnh lên bao thuốc lá suốt trong thời gian qua. Việc này sắp thành hiện thực chưa, thưa ông?
- Ông Lý Ngọc Kính: Việc in cảnh báo bằng hình ảnh lên bao thuốc lá đã được Bộ Y tế và Vinacosh nghiên cứu trong nhiều năm qua và trong tháng 4 này sẽ hoàn thành quy định và nếu được thông qua sẽ thực hiện bắt buộc ngay trong năm nay.
Theo quy định, các công ty sản xuất thuốc lá trong và ngoài nước phải in hình ảnh cảnh báo bệnh tật do hút thuốc lá gây nên và hình ảnh phải chiếm 50% diện tích vỏ bao thuốc lá. Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng những cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh là một kênh giáo dục có hiệu quả, chi phí thấp, người hút thuốc dễ hiểu về hậu quả của việc hút thuốc đối với sức khỏe.
Việt Nam dự kiến sẽ in 6 hình ành cảnh báo bệnh tật như bệnh lao phổi, tim mạch, ung thư vòm họng… Tại khu vực Đông Nam Á, đã có 4 nước là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei đã thực hiện việc cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, đem lại hiệu quả thiết thực về truyền thông và giảm tỷ lệ người hút thuốc rõ rệt. Trong quá trình đưa quy định này vào hiện thực, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấp phải sự ngăn cản từ các công ty sản xuất thuốc lá khi họ tìm mọi cách để trì hoãn thực hiện quy định trên.
Để phòng chống việc hút thuốc lá có hiệu quả, ngoài việc đưa ra quy định trên thì Vinacosh cùng Bộ Y tế đang khuyến nghị chính phủ xem xét việc tăng thuế thuốc lá trong thời gian tới.
Xin ông nói rõ hơn về kiến nghị tăng thuế?
- Hiện nay, Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2008 là 65% và 10% là thuế giá trị gia tăng. Tương đương với 45% giá bán lẻ. Mức thuế này thấp hơn nhiều so với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới là từ mức 66% đến 80% giá bán lẻ.
Từ năm 1995 đến năm 2006, chỉ số giá thuốc lá tại Việt Nam là không thay đổi, trong khi đó giá tiêu dùng tăng nhanh và liên tục. Điều này là do thuế thuốc lá không được điều chỉnh trong khoảng thời gian này. Giá thuốc lá thấp đã tạo cơ hội cho người có thu nhập trung bình và thanh thiến niên có nhiều khả năng mua thuốc lá dẫn đến tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam tăng lên.
Cũng theo Quyết định 69/2008/QĐ-BTC, giá bán tối thiểu của sản phẩm thuốc lá hiện nay là 2.500 đồng với bao cứng và 2.100 đồng với bao mềm. Đây thực sự là giá bán rất thấp, tạo cơ hội cho nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên sớm tiếp cận với việc hút thuốc.
Phản ứng của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá là cực lực phản đối điều này vì sẽ bị giảm một lượng khách hàng tiêu thụ khá lớn và sẽ nộp ngân sách cho nhà nước ít đi.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, nguồn thu từ thuế thuốc lá năm 2008 (sau khi áp dụng mức thuế mới 65%) là 7.500 tỉ đồng, tăng 1.000 tỉ đồng so với năm 2007.
Cũng theo một nghiên cứu của WHO cho thấy nếu Việt Nam tăng thuế thuốc lá thêm 20%, thì giá bán lẻ sẽ tăng lên khoảng 10%, nguồn thu của chính phủ sẽ tăng thu thêm 1.500-2.000 tỉ đồng mỗi năm và tránh được 100.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm.
Hiện, nguồn thu từ ngành sản xuất thuốc lá chỉ chiếm 2% tổng thu ngân sách nhà nước. Do đó, tôi cho rằng đóng góp ngân sách từ ngành sản xuất thuốc là chỉ ở mức trung bình so với các ngành khác và lý giải của các công ty sản xuất là chưa thuyết phục.
Chính vì vậy, Bộ Y tế và một số đơn vị có liên quan đang nghiên cứu việc tăng thuế thuốc lá ở mức độ nào đó mà phải bảo đảm được nguồn thu ngân sách và ngăn chặn được việc tăng tỷ lệ người hút thuốc lá. Việc nghiên cứu này sẽ là một bằng chứng khoa học nhằm thuyết phục Chính phủ và Bộ Tài chính sớm xem xét việc tăng thuế thuốc lá trong thời gian sớm nhất.
Dựa theo khuyến nghị của WHO, chúng tôi vẫn kiến nghị Chính phủ nên áp thuế ít nhất là 78% giá bán lẻ trên mặt hàng thuốc lá.
Ngoài những kiến nghị về thuế về in cảnh báo bằng hình ảnh, theo ông sắp tới Việt Nam nên làm gì để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá?
- Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về những tác hại của việc hút thuốc lá và đưa ra những khuyến nghị về tăng thuế lên chính phủ là việc mà chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới.
Ngoài ra, để giảm tỷ lệ người hút thuốc thì nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người nông dân, thay vì trồng cây thuốc lá thì trồng những giống cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đối với quyết định 1315 về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng mà chưa có chế tài xử phạt cụ thể thì Bộ Y tế, Ban pháp chế và các cơ quan liên quan đang tiến hành sửa đổi và sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể trong năm nay.
Thu Hiền thực hiện
TBKTSG Online
|