Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN :Một số điểm cần lưu ý
Theo quy định của Luật thuế TNCN thì việc xác định số thuế phải nộp của cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công được căn cứ vào thu nhập tính thuế và thuế suất (theo biểu luỹ tiến từng phần); biểu thuế luỹ tiến từng phần có thể tính theo thu nhập tính thuế bình quân tháng hoặc thu nhập tính thuế cả năm.
Do thực hiện miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009 theo Nghị quyết của Quốc hội nên khi xác định số thuế phải nộp của 6 tháng cuối năm 2009, đề nghị cơ quan thuế thực hiện như sau:
Lấy tổng thu nhập tính thuế của 6 tháng cuối năm chia (:) cho 6 để xác định thu nhập tính thuế bình quân tháng; Căn cứ thu nhập tính thuế bình quân tháng và mức thuế suất thuế TNCN tương ứng theo biểu luỹ tiến từng phần để xác định số thuế TNCN phải nộp của tháng.
Lấy số thuế TNCN phải nộp của tháng nhân (x) với 6 để xác định được số thuế phải nộp của cả 6 tháng cuối năm.
Đối với cá nhân vừa có thu nhập thuộc diện được giảm 50% số thuế phải nộp do làm việc tại khu kinh tế, vừa có thu nhập phải nộp thuế thì việc xác định số thuế TNCN được giảm do làm việc trong khu kinh tế được xác định theo công thức: Số thuế TNCN được giảm 50% = 50% x Tổng số thuế phải nộp (chưa được giảm thuế) x Thu nhập phát sinh trong khu kinh tế được giảm thuế
Ví dụ: Ông X là người độc thân không có người phụ thuộc phải nuôi dưỡng, hiện đang làm công nhân tại khu kinh tế Lao Bảo với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra hàng tháng ông có thu nhập chịu thuế (doanh thu – chi phí) từ tiền cho thuê nhà tại Huế mới mức 5 triệu đồng/tháng. Năm 2009, Ông X quyết toán thuế như sau: Tổng thu nhập 6 tháng cuối năm là: 72 triệu đồng. Trong đó:
+ Thu nhập trong khu kinh tế: 7 triệu x 6 tháng = 42 triệu đồng
+ Thu nhập từ cho thuê nhà: 5 triệu x 6 tháng = 30 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế sau khi giảm trừ gia cảnh: 72 triệu – 24 triệu = 48 triệu đồng
- Thu nhập bình quân 1 tháng: 48 triệu / 6 tháng = 8 triệu đồng
- Thuế TNCN phải nộp của 1 tháng: (8 triệu – 5 triệu) x 10% + 5 triệu x 5% = 550.000 đồng
- Thuế TNCN phải nộp của 6 tháng cuối năm 2009:
550.000 đồng/tháng x 6 tháng = 3.300.000 đồng
- Phần thuế TNCN được giảm tương ứng với thu nhập phát sinh trong khu kinh tế Lao Bảo là: Áp dụng công thức ta có:
50% x 3,3 triệu đồng x (42 triệu / 72 triệu) = 962.500 đồng
- Thuế TNCN còn phải nộp là: 3.300.000 đồng - 962.500 đồng = 2.337.500 đồng
Tuy nhiên, đối với cá nhân vừa có thời gian làm việc tại VN vừa có thời gian làm việc tại nước ngoài, khi nghỉ hưu được Cty mẹ ở nước ngoài chi trả tiền trợ cấp hưu trí thì khoản trợ cấp này là thu nhập chịu thuế TNCN nhưng chi tính cho phần thu nhập tương ứng với thời gian công tác tại Việt Nam. Cách tính cụ thể như sau:
Thu nhập chịu thuế TNCN = Khoản trợ cấp hưu trí được hưởng x Thời gian công tác tại VN.
Tổng thời gian công tác ở VN và nước ngoài được hưởng trợ cấp
Đối với người nước ngoài đồng thời làm việc ở VN và ở nước ngoài có thu nhập được xác định là thu nhập toàn cầu (không tách riêng được phần thu nhập trả cho công việc làm tại VN) thì tổng thu nhập phát sinh tại VN được xác định theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Tổng thu nhập phát sinh tại VN = Số ngày làm việc tại VN x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại VN.
Cách 2: Tổng thu nhập phát sinh tại VN = Số ngày có mặt ở VN x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại VN.
Để đơn giản thủ tục quyết toán thuế TNCN đối với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi duy nhất Bộ Tài chính có hướng dẫn: “Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công nếu chỉ nhận thu nhập từ một đơn vị chi trả duy nhất có số thuế phải nộp lớn hơn số thuế phải khấu trừ có thể thực hiện quyết toán qua đơn vị chi trả thu nhập”.
Hoàng Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|