Thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí:
Không nên tách riêng hạch toán báo chí và quảng cáo
Ngày 31.3, Bộ Tài chính đã có cuộc họp với đại diện Hội Nhà báo VN và đông đảo cơ quan báo chí. Mục tiêu của cuộc họp là tiếp thu ý kiến, nhằm đề xuất hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí.
Cơ quan báo chí bức xúc
Rất đông đại diện cơ quan báo chí cho biết, đây là quy định gây bức xúc nhất. Nếu như hiểu DN là đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hoá, hay dịch vụ theo cơ chế thị trường thì ai cũng có thể thấy rằng: Cơ quan báo chí không thuộc nhóm này.
Đại diện Hội Nhà báo VN phân tích: Cơ quan báo chí không thể tách rời hoạt động văn hoá, tư tưởng. Sản phẩm và lợi ích mà báo chí mang lại cho xã hội không thể tính bằng tiền. Nhiều đại diện khác cũng cho rằng, rõ ràng với đặc thù của báo chí VN, những cơ quan báo chí không phải là đơn vị kinh doanh, càng không chạy theo cơ chế thị trường.
Điều mà số đông cơ quan báo chí đang thực hiện chính là nhiệm vụ chính trị, xã hội, văn hoá, tư tưởng. Ví dụ rõ ràng là không phải giá bán báo chí muốn tăng thì tăng, muốn giảm thì giảm; trong khi hoạt động in ấn lại phụ thuộc rất nhiều vào giá giấy, giá điện, giá nhân công...
Một điểm “khác biệt” trong quan điểm đó là cơ quan xây dựng luật xác định hoạt động quảng cáo trên báo chí là hoạt động tách rời và hạch toán độc lập với quy trình hoạt động báo chí. Trong khi đó, đông đảo cơ quan báo chí cho rằng đây là hoạt động gắn liền và có mối quan hệ “sống còn” đối với các cơ quan báo chí.
Cụ thể, sản phẩm quảng cáo trên báo chí phải tuân thủ nghiêm ngặt về nội dung, hình thức. Đây cũng là quy trình gắn với hoạt động nghiệp vụ như biên tập, chế bản, in ấn, phát hành...
Mặt khác, quảng cáo là nguồn thu chính để bù đắp hoạt động phát hành, cũng như “nuôi quân” của các tờ báo. Vì thế, việc “siết” thuế đối với nguồn thu này, trong khi lại tách rời hoạt động báo chí khiến các cơ quan báo chí không đủ lấy thu bù chi cho toàn bộ quá trình làm nên sản phẩm báo chí.
Những kiến nghị sửa đổi
Như Lao Động đã từng phân tích, hiện nay cơ chế nhuận bút và cơ chế tiền lương của cơ quan báo chí đã bị khống chế và bó buộc. Cụ thể, nhuận bút chỉ được từ 1% - 10% doanh thu; còn chi phí tiền lương chỉ được tính 1 lần trước thuế vào chi phí hợp lý của hoạt động dịch vụ, phần chênh lệch thực tế trả cao hơn phải lấy từ thu nhập sau thuế. Bên cạnh đó còn là bất cập về mức thuế 25% là quá cao, trần khống chế báo biếu quá thấp. Đặc biệt hơn, việc tách hoạt động quảng cáo khỏi hoạt động báo chí, việc khống chế chỉ 1 tháng lương thứ 13 – trong khi DN được tối đa 2,5 tháng lương... cũng là những bất hợp lý.
Từ những vấn đề này, đại diện cơ quan báo chí kiến nghị: Mức thuế suất thuế TNDN đối với cơ quan báo chí cần giảm xuống mức 10% mới là hợp lý. Với mức này, cơ quan báo chí mới có thể có nguồn tài chính để tái đầu tư. Một kiến nghị đáng lưu ý khác là cần phải đưa hoạt động quảng cáo gắn liền với hoạt động báo chí. Khi hoạt động này gắn liền với nhau, cơ quan báo chí mới có thể lấy kinh phí từ quảng cáo bù đắp cho các khâu khác trong quy trình hoạt động báo chí. Sau đó, khi có lãi mới phải nộp thuế TNDN.
Đại diện các cơ quan báo chí cũng kiến nghị cần nới khung rộng hơn đối với các chi phí lễ tân, tiếp thị, quảng cáo, chi phí đầu vào và cơ chế lương, thưởng... Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - cho rằng, đúng là cần có những sự điều chỉnh nhất định cho phù hợp với thực tế hiện nay, cũng như phù hợp với đặc thù của cơ quan báo chí và hoạt động báo chí.
Kết thúc cuộc làm việc, Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét, tiếp thu và phân loại các ý kiến. Theo đó, những vấn đề thuộc chức năng, quyền hạn của mình, Bộ Tài chính sẽ xem xét, giải quyết. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến, soạn thảo đề xuất trình Chính phủ. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội, bộ sẽ lấy ý kiến tham khảo của các ngành liên quan để trình Quốc hội.
Phạm Anh
lao động
|