Mua bán doanh nghiệp: Hy vọng mùa gặt 2010
Trong tuần giao dịch cuối cùng của chứng khoán ngay trước Tết Canh Dần (từ 8 đến 12-2-2010), cổ phiếu Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk bất ngờ tăng mạnh cả về giá và số lượng khớp lệnh. Tin đồn lan khắp thị trường: Vinamilk chuẩn bị chuyển nhượng nhà máy cà phê cho một đối tác trong nước và ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, một lãnh đạo của Vinamilk phủ nhận tin này. Hóa ra một quỹ đầu tư mới của Mỹ, chuyên bỏ vốn vào Trung Quốc, đang hối hả mua Vinamilk trước khi cổ phiếu này hết “room” dành cho nước ngoài.
>> M&A không phải là mua tài sản giá rẻ
>> Còn nhiều vướng mắc
Mua bán, sáp nhập: những thương vụ điển hình
Trên thực tế, đầu năm 2009, Vinamilk đã từng chuyển nhượng 50% cổ phần của mình trong liên doanh SABMiller Vietnam, một công ty sản xuất bia, cho đối tác SABMiller Asia BV. Lợi nhuận chuyển nhượng đã được Vinamilk hạch toán vào kết quả kinh doanh năm ngoái. Vụ mua bán này đã mở màn cho một năm sôi động của hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), mà theo đánh giá của Công ty Value Vietnam, là 230 thương vụ. Còn theo PriwaterhouseCoopers, trị giá M&A tăng nhẹ so với mức 1,1 tỉ đô la Mỹ của năm 2008.
Có thể điểm qua một số vụ M&A “đình đám” của năm qua. Tháng 2-2009, giữa lúc VN-Index trôi về 235 điểm, tập đoàn Viettel thông báo mua 35 triệu cổ phiếu của Vinaconex với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tổng cộng 700 tỉ đồng. Lúc đó Viettel là “cứu cánh” của Vinaconex vì giá Vinaconex trên sàn Hnx chỉ có 13.000-14.000 đồng và tổng công ty không thể phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn với giá 20.000 đồng/cổ phiếu như nghị quyết hội đồng quản trị trước đó. Chỉ biết trước đó ít lâu, Viettel đã trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Quân đội khi mua cổ phiếu với giá bằng mệnh giá. Viettel đã tận dụng được cơ hội mua lại doanh nghiệp “trăm năm có một”!
|
Sau Viettel còn không ít những vụ M&A đáng chú ý. Chẳng hạn Uniliver mua lại 33,33% cổ phần của tập đoàn hóa chất Vinachem trong liên doanh Uniliver Vietnam và biến công ty này thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Cũng với ý định thâu tóm toàn bộ, tập đoàn Motul chuyên sản xuất và phân phối dầu nhờn của Pháp, đã mua lại 70% cổ phần của Công ty Vilube. Tháng 12-2006 Motul đã mua 30% cổ phần Vilube và lần mua năm ngoái là hoàn tất việc chuyển Vilube thành công ty của Motul. Công ty Jardine Cycle & Carriage (Singapore) tăng tỷ lệ sở hữu trong tập đoàn Ô tô Trường Hải từ 20,5% lên 24,9% với số tiền 262,5 tỉ đồng. Như vậy chỉ trong hai năm, Jardine Cycle & Carriage đã bỏ vào Trường Hải khoảng 80 triệu đô la Mỹ.
Trong ngành thực phẩm, đồ uống, giới tài chính nhắc nhiều đến vụ Vietnam Azalea Fund đầu tư 9,4 triệu đô la Mỹ vào Masan Foods; International Consumer Products (ICP) nắm cổ phần chi phối 51% ở Công ty cổ phần thực phẩm Thuận Phát; Kinh Đô, Uni-President mua lại 72,6% cổ phần của Công ty cổ phần thực phẩm và thức uống Sài Gòn với giá 8,8 triệu đô la Mỹ. Gần đây nhất, hãng bia nổi tiếng Sapporo Breweries (Nhật) cho biết sẽ mua 65% cổ phần của Kronenbourg Vietnam với giá 25,35 triệu đô la Mỹ. Đây là liên doanh theo tỷ lệ 50 - 50 giữa Công ty Bia Carlsberg Brewery A/S (Đan Mạch) và Tổng công ty Thuốc lá Vinataba. Việc đàm phán đã hoàn tất, theo đó Carlsberg chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần, còn Vinataba chuyển nhượng 15% cổ phần. Tới đây, khi mọi thủ tục làm xong, một cái tên mới Sapporo Vietnam sẽ thay thế cho tên Kronenbourg Vietnam.
Khác với năm 2008, M&A trong lĩnh vực bất động sản và tài chính năm 2009 không ở mức kỳ vọng. Có thể sự trầm lắng của thị trường bất động sản và ngân hàng không còn thu hút các nhà đầu tư. Khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho cơ hội tạo lợi nhuận từ đầu tư vào ngân hàng và bất động sản Việt Nam trở thành ít hấp dẫn hơn các thị trường phát triển Âu - Mỹ. Ngoài trường hợp HSBC nâng tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn Bảo Việt lên 25% và BIDV mua lại Ngân hàng Đầu tư Thịnh Vượng Campuchia (đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia), không thấy có trường hợp mua bán ngân hàng nào đáng ghi nhận. Còn việc chuyển nhượng các dự án bất động sản đều ở quy mô nhỏ và kém công khai.
M&A tư nhân và chuyển nhượng nội bộ
| Theo Công ty Value Vietnam, có thể chia các vụ M&A chủ yếu làm hai loại: loại có giá trị mua bán dưới 5 triệu đô la Mỹ và loại vừa, giá trị dưới 20 triệu đô la Mỹ. Loại có giá trị chuyển nhượng từ 20 triệu đô la Mỹ trở lên chưa phổ biến. Đứng từ góc độ người mua kẻ bán, thì 40% hoạt động M&A là nước ngoài mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam; 40% khác là đối tác Việt Nam mua bán lại của nhau và 20% thuộc dạng nước ngoài mua bán nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam mua lại công ty nước ngoài. Ở phía Việt Nam, các doanh nghiệp mua và bán phần lớn là dân doanh. Không bị ràng buộc bởi các cơ quan quản lý cấp trên như doanh nghiệp nhà nước, các công ty tư nhân đàm phán dứt khoát hơn, quyết định nhanh hơn và tỏ ra linh hoạt hơn về thời điểm chuyển nhượng cũng như giá cả.
Trên thực tế, hoạt động M&A diễn ra cả trong khối doanh nghiệp quốc doanh, nhưng nó chỉ mang tính sắp xếp, tái cơ cấu trong phạm vi tập đoàn, tổng công ty. Thí dụ tập đoàn Dầu khí đã và đang cơ cấu lại những đơn vị thành viên, như Công ty Tài chính Dầu khí PVFC nhận phần vốn góp của PetroVietnam trong Công ty Cho thuê máy bay; hoặc Công ty Xây lắp dầu khí nhận chuyển nhượng vốn từ Công ty Dịch vụ đường cao tốc dầu khí. Quí 3-2009, Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn và bàn giao Công ty Quản lý và khai thác tài sản dầu khí, Công ty Thương mại, dịch vụ dầu khí biển, Công ty Khách sạn dầu khí cho Công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET). Cả ba đơn vị PVFC, PTSC, PET đều niêm yết trên thị trường chứng khoán và những cuộc chuyển nhượng trong phạm vi nội bộ của PetroVietnam như vậy làm thay đổi tương đối quy mô vốn, kết quả kinh doanh của cả bên nhận và bên giao.
Một trong những điểm nóng của M&A, nhưng lại chưa cho những kết quả cụ thể là viễn thông và phân phối bán lẻ. Tiềm năng phát triển của Việt Nam trong hai lĩnh vực này rất lớn, hứa hẹn triển vọng lợi nhuận cao và các đối tác nước ngoài tỏ ra nôn nóng, đặc biệt Việt Nam đã cam kết với WTO mở cửa thị trường dịch vụ phân phối cho nước ngoài từ 1-1-2009. Tuy nhiên cho đến nay, các kế hoạch cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp viễn thông như Vinaphone, MobiFone vẫn chậm trễ. Xác định giá trị doanh nghiệp của những công ty trên, trong đó có cả phát triển hệ thống khách hàng tương lai, đang bị ách tắc. Trong phân phối bán lẻ, các đơn vị Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện, nói một cách khác là tự nuôi lớn mình, trước khi có thể bắt tay với nước ngoài. Ở Việt Nam hiện nay, không phải khâu sản xuất, mà chính là khâu phân phối, đang mang lại lợi nhuận cao hơn cả cho giới đầu tư.
Cuối cùng, một ghi nhận không thể không có của M&A là hiện tượng mua bán công ty, thoái vốn nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ nước ngoài ở Việt Nam. Sức ép phải gia tăng giá trị tài sản ròng từ phía cổ đông đang khiến một số quỹ từ bỏ quyền sở hữu ở những công ty tư nhân (private equity), thậm chí ở cả các công ty niêm yết mà họ đã nắm giữ cổ phần 5-10 năm nay. Thoái vốn, không có nghĩa là “ôm” tiền mặt, các quỹ sẽ phải “săn lùng” cơ hội đầu tư mới. Từ nhu cầu bức thiết này của họ, hoạt động M&A mà người mua bán là các quỹ, có thể sẽ nhộn nhịp trong năm 2010.
Lưu Hảo
TBKTSG
|