Liệu Trung Quốc có mắc phải căn bệnh của Nhật Bản?
Mức sinh lời của cổ phiếu loại A tại TTCK Trung Quốc hiện tăng tới 35- 40 lần, gần bằng mức 50 lần của Nhật Bản thời kỳ kinh tế bùng nổ. | Từ năm 1950 đến năm 1970, kinh tế Nhật Bản liên tục duy trì mức tăng trưởng cao ( 9%/năm). Từ năm 1970 đến năm 1990, mức tăng trưởng kinh tế giảm xuống 4%/năm. Từ năm 1990 đến nay tiếp tục giảm xuống 1%/năm. Năm 2009, GDP thực tế của Nhật giảm 5% so với năm trước, thực tế Kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng trong những năm qua, nền kinh tế Nhật Bản phát triển gắn chặt với chính sách khuyến khích đầu tư bất động sản. Ở thời kỳ kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh, giá nhà ở, bất động sản đã tăng tới 40% so với mặt bằng giá cả Quốc tế.
Song 20 năm sau, khi bong bóng bất động sản bị vỡ, kinh tế Nhật rơi vào suy thoái kéo dài. Hiện tượng kinh tế suy thoái của Nhật Bản gắn chặt với bong bóng bất động sản được các nhà kinh tế gọi là căn bệnh Nhật Bản. Nhật Bản và Trung Quốc là 2 nước ở châu Á, cùng có thời gian 20 năm duy trì sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ, chỉ khác nhau về thời gian. Nhật Bản là những năm 70 và 80, còn Trung Quốc là những năm 90 lại đây. Liệu Trung Quốc có mắc phải căn bệnh của Nhật Bản? căn bệnh Nhật Bản có lây lan sang Trung Quốc?
Mặc dù chưa có đủ cơ sở để chứng minh Trung Quốc sẽ mắc phải căn bệnh của Nhật Bản, song nếu xét về các hiện tượng của nền kinh tế cho thấy nền kinh tế Trung Quốc gần đây có nhiều điểm giống như Nhật Bản những năm trước đây.
Thứ nhất: Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào kinh tế đối ngoại hơn cả Nhật Bản thời kỳ phát triển. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay chiếm tới 65-70% GDP. Tỷ lệ này của Nhật thời kỳ phát triển là trên 30% GDP. Xuất siêu thương mại của Trung Quốc rất lớn chiếm tới 5-10% GDP, trong những năm 80, tỷ lệ này ở Nhật Bản là 4,1% GDP.
Thứ hai: Giá tài sản của Trung Quốc được điều chỉnh lên mức rất cao. Mức sinh lời của cổ phiếu loại A hiện nay đã tăng tới 35- 40 lần, gần bằng mức 50 lần của Nhật Bản thời kỳ kinh tế bùng nổ. Mặt khác giá nhà đất của Trung Quốc đã tăng trên 30 lần. Giá nhà đất đối với các hộ thu nhập trung bình ở các thành phố lớn cũng đã tăng trên 15 lần. Con số này cũng gần giống như Nhật Bản trước đây.
Ngoài ra nền kinh tế Trung Quốc có nhiều đặc điểm như nền kinh tế Nhật Bản cuối những năm 80. Nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu, sức ép Quốc tế buộc đồng nhân dân tệ lên giá, dẫn đến tình trạng dòng vốn nóng nước ngoài đổ vào làm cho giá tài sản càng tăng lên, đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng, trong ngắn hạn nguy cơ này chưa bộc lộ rõ, song trong dài hạn có thể xuất hiện tình trạng vỡ bong bóng, nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Ngày 20/03/2010, tại cuộc hội thảo Quốc tế về kinh tế Trung Quốc được tổ chức tại Bắc kinh, giáo sư trường đại học danh tiếng Singapore, ông Deng jiong Nian cho rằng hiện nay tình trạng nhà cho thuê để trống tại Bắc kinh và Thượng hải đã vượt qua mức cảnh báo 10%. Ở một số nơi con số này lên tới trên 50%. Mặt khác, theo điều tra của viện nghiên cứu xã hội Trung Quốc, hiện nay 85% các gia đình không đủ khả năng mua được nhà ở. Nếu chỉ xét về hiện tượng và tình hình diễn biến của thị trường bất động sản Trung Quốc gần đây thì nó không phản ảnh mối quan hệ cung cầu của các học thuyết kinh tế. Ý kiến của vị giáo sư nói trên làm tăng thêm những lo lắng về tình trạng bong bóng bất động sản ở Trung Quốc.
Thực tế từ suy thoái kinh tế của Nhật Bản và gần đây là Mỹ cho thấy, một khi bong bóng bất động sản bị vỡ, sẽ để lại những hậu quả nặng nề. Nếu Trung Quốc thực sự có tình trạng bong bóng bất động sản, khi bong bóng bị vỡ, hậu quả của nó sẽ không nhỏ, vì nền kinh tế Trung Quốc đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đang là đầu tàu chính kéo kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái.
Phí Đăng Minh.
SBV
|