"Khủng hoảng kinh tế thức tỉnh châu Á cải cách"
Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Rajat Nag cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như một lời thức tỉnh để châu Á thực hiện các cam kết cải cách, trong đó có mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.
Phát biểu trong chuyến công du Washington, ông Nag nhấn mạnh cho dù tốc độ phục hồi kinh tế ở châu Á nhanh hơn dự đoán, nhưng vẫn còn tới 57 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong năm nay.
Tác động của cuộc khủng hoảng tới nền kinh tế có thể được khắc phục về cơ bản, nhưng tác động về mặt xã hội lại rất nghiêm trọng. Do vậy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chính là lời thức tỉnh châu Á thực hiện những cải cách quan trọng về mặt cơ cấu.
Theo ông Nag, các nền kinh tế đang phát triển châu Á cần thay đổi để giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Thay vào đó họ nên tập trung đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ông khằng định ở châu Á mô hình tăng trưởng xuất khẩu đã phát huy hiệu quả trong suốt 3 thập niên qua. Nhưng đã tới lúc xem xét lại mô hình đó.
Tái cân bằng tăng trưởng ở châu Á thực sự phải để khu vực này trở thành người tiêu dùng, chứ không đơn thuần chỉ là nhà sản xuất. Có thể khuyến khích tiêu dùng thông qua buôn bán trong khu vực hay thuyết phục người dân châu Á mở hầu bao chi tiêu. Tính trung bình người dân châu Á tiết kiệm tới 30% GDP, cao hơn các khu vực khác.
Trong khi các nền kinh tế tiên tiến đã tạo dựng hệ thống chăm sóc y tế quy mô lớn, phần lớn người dân châu Á lại có xu hướng tiết kiệm phòng khi rơi vào cảnh khó khăn.
ADB dự tính tháng tới sẽ là lần thứ hai Ngân hàng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 của châu Á. Hồi tháng 12/09 ADB dự báo kinh tế khu vực, không tính Nhật Bản, sẽ tăng 6,6% năm nay, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu tốc độ tăng trưởng.
VIETNAM+
|