VN-Index sau Tết Nguyên đán: Cơ hội hay rủi ro?
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa kịp mừng với phiên tăng điểm vượt ngưỡng 500 điểm của VN-Index (4/2) đã vội lo trước hiện tượng chứng khoán thế giới “đỏ toàn phần” khiến VN-Index lại giảm tới 10 điểm trong phiên đóng cửa cuối tuần (5/2).
Trái ngược với tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư, giới phân tích vẫn cho rằng, VN-Index sẽ có triển vọng sáng sau Tết.
Sự lạc quan của chuyên gia
Bỏ qua tâm lý ngắn hạn, theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Thăng Long: thị trường chứng khoán sẽ có nhiều biến động trong năm 2010 nhưng về cơ bản sẽ trong xu hướng đi lên. VN-Index có thể đạt cao nhất là 700 điểm trong năm 2010.
Theo tiến sĩ Nghĩa, cơ sở để đánh giá xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trong năm nay là: kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục phục hồi; mục tiêu GDP Việt Nam đạt 6,5% và tăng trưởng tín dụng 25%; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Một yếu tố rất cơ bản là hiện nay cổ phiếu của Việt Nam tương đối rẻ so với thế giới. P/E (lợi nhuận/thị giá cổ phiếu) của HoSE khoảng 11 lần, trong khi bình quân thế giới là 14-15 lần.
Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, thanh khoản của thị trường sẽ cao hơn trong thời gian tới khi Ủy ban Chứng khoán chính thức cho phép giao dịch T+2 và giao dịch nhiều tài khoản.
Bên cạnh đó, việc sàn vàng đóng cửa từ tháng 3/2010 khiến dòng tiền có thể đổ sang chứng khoán. Việt Nam sẽ là nước có dân số vàng từ năm 2010 và như vậy trong giai đoạn tới, thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh. "Dân số vàng là thời điểm mà 2/3 dân số bước vào độ tuổi lao động,” tiến sĩ Nghĩa nói.
Ông dẫn chứng chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng lên 7-8 lần trong giai đoạn nước này có dân số vàng.
Nhà đầu tư lo ngại gì?
Điều khiến các nhà đầu tư lớn (quỹ đầu tư nội) lo ngại là hệ thống ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Và khi ngân hàng chưa huy động được thêm nguồn vốn mới thì khó khăn vẫn hiện hữu. Trong khi đó, với các nhà đầu tư nhỏ, những thông tin bất lợi với thị trường chứng khoán như điều chỉnh lãi suất, lạm phát vào thời điểm sau Tết vẫn chưa giải tỏa.
Mặc dù theo đánh giá của các công ty chứng khoán, tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu của các nhà đầu tư nhiều hơn, tức thời gian qua, nhà đầu tư đã bán nhiều hơn mua. Với việc VN-Index vẫn giằng co trong biên độ hẹp 480-500 điểm, cùng với các tin tức mới (tích cực) về kinh tế vĩ mô chưa xuất hiện nên các nhà đầu tư vẫn có ý định ôm vốn chờ giá cổ phiếu rẻ nữa mới mua.
Tâm lý này khiến sức cầu trên thị trường ngày càng suy yếu, đặc biệt là những phiên VN-Index tăng điểm nhưng chỉ có khối lượng giao dịch thấp là do không có tin tức tốt hỗ trợ nên nhà đầu tư không dám mua.
Xác định trung hạn
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Truyền thông Chứng khoán Việt Nam, hiện các yếu tố tích lũy và hấp dẫn của thị trường chứng khoán đã hội đủ như: khối ngoại mua ròng gần 1 tháng nay, P/E của cổ phiếu thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn.
Tuy nhiên, yếu tố rủi ro ngắn hạn là nhà đầu tư đang đầu tư theo tin, do đó nếu có tin xấu trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục giảm nhẹ. Nhưng nếu xác định quan điểm đầu tư trung hạn, cùng với một kế hoạch giải ngân theo tỷ trọng hợp lý, ứng với từng mức điểm của VN-Index, nhà đầu tư sẽ không ngại rủi ro.
Về hiện tượng sụt giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước, việc Dow Jones giảm mạnh tụt khỏi ngưỡng 10.000 điểm do nhiều nhà đầu tư đang lo lắng về tình hình nợ quốc gia của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ ảnh hưởng tới phục hồi của kinh tế toàn cầu. Cạnh đó, số liệu thất nghiệp tại Mỹ cao hơn dự đoán càng làm nhà đầu tư thêm hoang mang về sức khỏe nền kinh tế…
Tuy nhiên, Dow Jones đã đảo chiều tăng mạnh sau khi Goldman Sachs đưa ra khuyến cáo các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu, do những chỉ báo kinh tế quan trọng được công bố tích cực hơn rất nhiều. “Bối cảnh hiện nay phản ánh, tin tức xấu đã phản ánh đầy đủ vào giá. Trước đó, các tin tức xấu nhất thời gian qua cũng chỉ khiến VN-Index rơi xuống mức 477 điểm là bật tăng trở lại.
Còn hiện nay, VN-Index đang đứng ở mức 493,04 điểm, dẫu có tin xấu tiếp tục trong thời gian tới thì việc P/E của thị trường hiện đã hấp dẫn, nếu cổ phiếu tiếp tục giảm giá, tức P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ càng rẻ, cạnh đó là thông tin về các kênh đầu tư như bất động sản (ảm đạm), vàng (đóng cửa), ngoại tệ (quản lý chặt)… sẽ khiến dòng tiền chảy đến nơi có thể sinh lời là thị trường chứng khoán.
"Bỏ qua tâm lý ngắn hạn, thời điểm này rất hợp lý để các nhà đầu tư định ra kế hoạch mua vào với quan điểm đầu tư trung, dài hạn…,” bà Hương nhận định./.
VIETNAM+
|