Cổ phiếu đang ở vùng hấp dẫn?
Nếu lạm phát ở mức vừa phải, tiền tệ ổn định, khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán và lúc đó thị trường sẽ có sóng
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 5-2, do sức mua yếu, thị trường điều chỉnh khá sâu, VN-Index để mất 10,79 điểm, HNX-Index mất 2,85 điểm, giá trị giao dịch tính cả hai sàn giảm gần 11% so với phiên trước.
Định giá khá rẻ
Đã có trên 300 công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh năm 2009. Qua đó cho thấy hệ số P/E bình quân toàn thị trường hiện chỉ ở mức hơn 12 lần, trong đó rất nhiều mã thuộc nhóm sản xuất hàng hóa cơ bản P/E chỉ ở mức 7 - 8 lần. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định: “Đây là thời điểm thuận lợi cho hoạt động đầu tư giá trị do thị trường đang ở mức định giá (cổ phiếu) khá rẻ”. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận xét: “Giá cổ phiếu trên sàn hiện đang ở vùng hấp dẫn để đầu tư cho trung và dài hạn”.
Còn nhìn về tương lai, hầu hết các doanh nghiệp đang trên đà phát triển, nền kinh tế ổn định, thu nhập trong năm nay của các doanh nghiệp tin chắc vẫn khấm khá. Vì thấy triển vọng kinh tế khả quan, nhiều nhà đầu tư trường phái giá trị đang tích cực mua vào.
Đặc biệt, khối nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng liên tục 20 phiên. Trong những ngày qua, tận dụng sự chần chừ của khối nội, họ đã mạnh tay giải ngân mua mạnh các cổ phiếu blue-chips, như: VNM, HPG, HAG, CII, SSI... Chỉ trong ngày 3-2, họ mua ròng trị giá 240 tỉ đồng.
Theo kinh nghiệm trước đây, sau thời kỳ nước ngoài mua mạnh, thị trường thường hình thành sóng. Nếu gặp thời kỳ dòng tiền đổ vào thị trường sung mãn thì sóng sẽ lên cao. Phải chăng, do khối ngoại nhận định lạm phát không đáng lo ngại và dòng tiền sau Tết sẽ trở lại thị trường nên họ đẩy mạnh mua ròng để đón sóng?
Động thái này rất phù hợp với những nhận định khách quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2010 của các tổ chức tài chính lớn như: IMF, Goldman Sachs, ADB, WB...
Dòng tiền chờ khơi thông
Từ nhiều tuần nay, vì sức mua yếu nên giá trị giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán thường chỉ đạt xấp xỉ 1.500 tỉ đồng/phiên, bằng 20% so với thời kỳ sôi động. Trong khi đó, tại các kênh vàng, ngoại tệ, bất động sản cũng đang trầm lắng, điều này cho thấy dòng tiền hiện đang nằm chờ cơ hội. Do tâm lý đang bị đè nén bởi nỗi lo thái quá về lạm phát, về thanh khoản ngân hàng nên dòng tiền chưa giải ngân.
Với thói quen chỉ mua khi thị trường bắt đầu có tín hiệu hình thành sóng nên hầu hết dòng tiền đầu cơ chỉ thật sự đổ vào khi thấy thị trường bắt đầu xu hướng tăng. Trong quá trình thị trường ảm đạm hiện nay, dòng vốn nội chỉ rót vào nhỏ giọt nên chưa thể có sóng lớn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sang tháng giêng, khi lạm phát đã rõ hình hài, chính sách tiền tệ được công bố, vốn xã hội sẽ trở lại ngân hàng (từ các nguồn: tiền thưởng, tiền bán hàng, tiền thanh toán nợ đáo hạn, tiền kiều hối...). Lúc đó, nhờ nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng sẽ mở rộng cửa cho chứng khoán.
Với đà phát triển ổn định của nền kinh tế trong tháng 1-2010, thị trường ngoại hối đang bình lặng trở lại, tin chắc năm 2010 doanh nghiệp niêm yết sẽ vẫn đạt kết quả khả quan. Nếu lạm phát ở mức vừa phải, tiền tệ ổn định, khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán và lúc đó thị trường sẽ có sóng.
Để bảo đảm cho việc đầu tư có hiệu quả, trong dịp Tết này, nhà đầu tư cần mua những cổ phiếu có nền tảng sản xuất kinh doanh vững vàng, hệ số P/E từ 10 lần trở xuống và tốt nhất sử dụng vốn tự có của mình để tránh áp lực cắt lỗ.
Trần Phú Minh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|