Tích lũy cổ phiếu
Cổ phiếu (CP) của doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, đường... được giới đầu cơ mạnh tay "gom hàng" với kỳ vọng, lợi nhuận quý 1 sẽ khiến giá các CP này tạo sóng.
Chờ sóng quý 1 Anh Duy - một nhà đầu tư (NĐT) tại sàn BVSC- cho biết, anh mới mua vào SCD trong tuần qua khi xoay quanh mức 24.000 đồng/CP. Theo anh dự báo doanh thu và lợi nhuận quý 1/2010 của SCD (Công ty CP nước giải khát Chương Dương) sẽ khả quan nên giá này chấp nhận mua được. Cùng lý do tương tự, anh Nam - một NĐT khác lại đang tích lũy CP của CTCP Kinh Đô (KDC) và CTCP Kinh Đô miền Bắc (NKD).
Nhiều NĐT chọn mua nhóm CP ngành thực phẩm đều cho rằng, sau mùa kinh doanh Tết, doanh thu và lợi nhuận quý 1/2010 của các doanh nghiệp này sẽ cao hơn nhiều so với các quý còn lại trong năm. Vì vậy việc mua CP để đón đầu báo cáo kinh doanh quý 1 năm nay đang được ưu tiên. Nhất là những CP này cũng còn đang ở vùng giá để đầu tư an toàn. Những CP khác như Bibica (BBC), CTCP mía đường Lam Sơn (LSS) CTCP bia Hà Nội - Hải Dương (HAD), CTCP bia Thanh Hóa (THB), CTCP bánh kẹo Hải Hà (HHC)... lực cầu mua vào cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Với lực cầu lớn này nên dù có những CP thuộc các nhóm ngành trên chưa tăng giá thì cũng không giảm sâu, thậm chí lội ngược dòng thị trường như trường hợp SCD vừa qua.
Ngoài việc dự báo để mua CP theo tính chất mùa vụ, nhóm CP này được các NĐT chọn mua để tích lũy dần cũng do chỉ số P/E đa số đều dưới 10. Theo anh Nam, các chỉ số cơ bản đều đang ở mức chấp nhận để đầu tư của nhóm CP trên cộng với chỉ số chứng khoán VN-Index vẫn còn ở dưới mức 500 điểm thì việc giải ngân vẫn khá an toàn. Không tích lũy CP bằng tiền vay Với tâm lý tích lũy CP Tết để chờ sóng vào cuối quý 1, khi mùa báo cáo tài chính đầu tiên của năm 2010 sẽ được công bố, nhiều NĐT đã sử dụng tới tiền vay cầm cố chứng khoán để gom hàng. Theo giới phân tích, sự kỳ vọng vào CP Tết đến mức sử dụng các công cụ tài chính như vậy là quá liều lĩnh và tiềm ẩn rủi ro cao.
Trên thực tế, chỉ còn một tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết và tâm lý NĐT muốn nắm giữ tiền mặt cho an toàn nên áp lực bán ra CP, kể cả các CP tích lũy mùa Tết như nói trên là khá lớn. Điều này lý giải vì sao, sau khi mua xong NKD, anh Nam khá sốt ruột khi thấy giá cứ giậm chân tại chỗ và chuyển sang lo lắng khi NKD chỉ mới tăng được một phiên trong ngày 4.2 thì sang ngày 5.2 lại bị giảm trở lại. Nhưng lý do khác khiến anh Nam bồn chồn hơn là do có sử dụng tiền vay cầm cố chứng khoán để mua nên anh kỳ vọng CP này tăng giá trong vài phiên tới. Trong khi đó, anh Duy có tâm lý thoải mái hơn vì anh cho rằng mình mua bằng tiền nhàn rỗi thì có tăng hay giảm trong vài phiên giao dịch cũng không quan tâm. "Mình đã xác định mua để tích lũy dần nên sẽ để đến hết quý 1", anh Duy nói.
Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, thị trường chứng khoán hiện đang bị đè nặng bởi áp lực tâm lý mùa Tết nên xu hướng đi ngang là chủ yếu. Vì vậy nhiều CP dù có chỉ số cơ bản tốt, lợi nhuận cao nhưng vẫn đứng ở giá thấp hoặc bị giảm giá là chuyện luôn xảy ra. Do đó trong thời điểm hiện tại, NĐT cũng chỉ nên mua CP bằng tiền của chính mình để không phải sống trong sự phập phồng lo sợ trong những phiên giảm điểm.
Thủy Lưu
thanh niên
|