Tăng trưởng kinh tế Châu Phi có thể đạt 7% năm 2011
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng điều hành Ngân hàng phát triển Châu Phi (AFDB), bao gồm các bộ trưởng tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương tại thành phố Kếp Tao (Nam Phi) cuối tuần qua, Chủ tịch AFDB, Donald Kaberuka đã lạc quan về triển vọng kinh tế châu Phi khi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này có thể đạt 5% năm 2010 và 7% năm 2011.
Ông Kaberuka nhận định rằng mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây trở ngại đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Phi năm 2009, song hầu hết các nền kinh tế tại "Lục địa đen" này đã tránh được những tác động xấu nhất của cuộc suy thoái vừa qua. Hiện nay khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chạm đáy và nhu cầu tiêu thụ về hàng hoá đã bắt đầu tăng trên toàn cầu, những dấu hiệu này báo hiệu triển vọng khả quan cho nền kinh tế châu Phi. Theo ông, Nam Phi, Nigiêria và Kênia được hy vọng là 3 nền kinh tế mũi nhọn nhằm thúc đẩy, giúp nền kinh tế châu Phi phục hồi nhanh hơn khi nhu cầu tiêu thụ hàng hoá toàn cầu được cải thiện. Cộng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin sẽ giúp kích thích sự tăng trưởng kinh tế ở châu Phi.
Tại cuộc họp trên, các quan chức của AFDB cũng đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu và xem xét các hình thức cụ thể phù hợp để các quốc gia châu Phi có thể tăng cường sự hiện diện của mình trong các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), cũng như các tổ chức chính trị đa phương toàn cầu (G20). Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, ông Pravin Gordhan khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã tạo cơ hội và thúc giục sự cải tổ, thay đổi trong các tổ chức thể chế tài chính toàn cầu và hiện nay tại IMF và WB đang có một số điều chỉnh nhất định trong một số vị trí thành viên. Điều này tạo cơ hội cho các quốc gia châu Phi có vị trí tối thiếu trong các tổ chức quốc tế này. Tại các diễn đàn kinh tế chính trị toàn cầu hiện nay, ý kiến của các quốc gia đang phát triển đã được để ý và trọng lượng hơn. Ông Pravin Gordhan nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Phi phải có tiếng nói và phải được đảm bảo rằng các lợi ích của châu Phi không bị lãng quên tại các thể chế tài chính toàn cầu hiện nay.
Nhóm C10 được thành lập vào tháng 11/2008, bao gồm các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương của các quốc gia châu Phi, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Triệu Nguyên Thành
Vietnam +
|