Thông điệp của khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đưa ra thông điệp mới, khi nó làm sụp đổ nhiều mô hình kinh tế vang bóng một thời, nhưng đồng thời là bà đỡ lịch sử cho những mô hình mới.
Các quốc gia vận động và thăng trầm. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang làm thay đổi tương quan giữa các nước và cán cân quyền lực thế giới. Có nước suy yếu và đi xuống; có nước mạnh hơn và đi lên. Nó vừa do vận nước, vừa cần tầm nhìn của những nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng làm sao mà thiếu hoài bão của dân tộc!
Thuỵ Sĩ - đất nước thanh bình
Thuỵ Sĩ và Hàn Quốc là hai quốc gia loại vừa và nhỏ đều chịu sự cọ xát ác liệt của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thuỵ Sĩ đang gặp khó khăn với mô hình cổ điển. Hàn Quốc lấy khủng hoảng làm thời cơ để xây dựng mô hình phát triển mới.
Với Thuỵ Sĩ, cuộc khủng hoảng đang làm suy yếu mô hình độc đáo có một không hai, tồn tại hàng trăm năm trong môi trường dân chủ, hoà bình, thịnh vượng. Quốc gia này từng là một ốc đảo hoà bình trong Chiến tranh thế giới thứ hai, giữ trung lập, tự do trong Chiến tranh lạnh và đứng ngoài các quá trình hội nhập của châu Âu. Về kinh tế-xã hội, đất nước vận hành hiệu quả và chính xác như những chiếc đồng hồ mà xứ sở này sản xuất ra. Các cộng đồng sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, nông nghiệp, công nghiệp và ngân hàng thường chia rẽ không ít quốc gia trên thế giới, lại được gắn kết lại với nhau, trong một nền dân chủ dựa theo pháp luật chặt chẽ.
Thuỵ Sĩ là nền trung lập có vũ trang. Trong các cuộc chiến tranh và xung đột qua các thế kỷ, Thuỵ Sĩ luôn là một xã hội rộng mở đón nhận những người bất hạnh hoặc các nhân vật bất đồng chính kiến từ nhiều quốc gia.
Vậy mà ngày nay, đất nước thanh bình này đang chịu sự tấn công của một châu Âu khủng hoảng và phải vật lộn khó khăn như các nước nhỏ và vừa của Cộng đồng châu Âu (EU). Nhiều dịch vụ cùng cơ sở hạ tầng xuống cấp. Nhiều nhà chính trị cổ xuý cho một xã hội khép kín, hạn chế người nhập cư. Người Thuỵ Sĩ từng xem quốc gia mình hình thành theo ý chí của nhân dân (Willensnation), ngày nay dường như đang thiếu một ý chí canh tân đất nước.
Thuỵ Sĩ đang phải điều chỉnh nhiều định chế để hội nhập trên thực tế vào EU. Quy chế bí mật các tài khoản gửi ngân hàng hình thành từ những năm 1930 bị phá vỡ. Nền trung lập cổ điển đang biến mất, nhưng chưa có lực lượng chính trị nào sẵn sàng đưa ra cương lĩnh mới phù hợp với một môi trường đã thay đổi. Không ít nhà chính trị đang tự hài lòng với những gì đã có được. Mặc dù có những cơ sở lịch sử và xã hội để tin rằng sẽ xuất hiện những nhà lãnh đạo, các nhà tư tưởng có thể đưa đất nước vượt qua thời buổi khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, tại Đông Á, Hàn Quốc, với tầm nhìn và lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Lee Myung-bak, đang vượt khỏi khủng hoảng, dự kiến tốc độc tăng trưởng trong năm 2010 là 4,4% - cao nhất so với các thành viên trong Tổ chức các nền kinh tế phát triển (OECD). Vào dịp Năm mới 2010, Tổng thống Lee tuyên bố: “Trật tự cũ đã đổ vỡ, trật tự mới đang xuất hiện thay thế… Tầm nhìn của đất nước chúng ta cần ngang tầm nhìn của thế giới”.
Thương hiệu quốc tế
Chính phủ thiết lập kỷ cương tài chính và đầu tư lớn vào các nghành kỹ thuật mới. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã trưởng thành trong cạnh tranh quốc tế, đạt lợi nhuận ấn tượng trong năm vừa rồi. Trong khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch các nước tăng cường, Hàn Quốc mở cửa kinh tế, thúc đẩy tự do thương mại, đi đầu trong các chỉ tiêu cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính và trong xây dựng các quy định tài chính. Nằm giữa các nước lớn, Hàn Quốc phát triển thành công quan hệ mọi mặt với tất cả các nước lớn, phấn đấu để ra khỏi cái bóng của Nhật Bản và Trung Quốc.
Ông Lee Myung-bak có nhiều dự án tham vọng, một trong số đó là cải tạo 4 con sông chính nhằm tạo việc làm, phát triển du lịch và thương mại. Nhưng dự án tham vọng nhất chính là đưa Hàn Quốc vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia phát triển của tầm châu Á, tiến vào trung tâm của thế giới.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với tầm nhìn mới và sự quyết đoán của ông Lee, Hàn Quốc có thể đạt được những thành tựu mới, trở thành một mô hình phát triển cho các quốc gia vừa và nhỏ học tập. Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc. Đó là cột mốc ghi nhận vị trí mới của Hàn Quốc, một quốc gia đất không rộng và có 48 triệu dân. Xem như vậy, cơ hội là ở ta mà thất cơ lỡ vận cũng ở ta mà thôi!
Nguyễn Ngọc Trường
TỔ QUỐC
|