Kinh tế thế giới 2010: Đứng vững chạy tiếp
Các gói kích thích kinh tế của các nước đều phát huy tác dụng. Vấn đề giờ đây là ai cần có liều thuốc “đôping” này để chạy tiếp, ai có thể đứng vững trên đôi chân của mình trong năm phát triển 2010.
1. Mỹ
Tiếp theo các biện pháp và gói kích thích đã thực hiện, năm 2010 Chính phủ Mỹ triển khai gói kích thích kinh tế đặc biệt lớn, trị giá 787 tỷ USD, trong đó gia tăng khối lượng đầu tư cho lĩnh vực DN tư nhân. Với những sự đầu tư như vậy, theo dự báo của giới phân tích nền kinh tế Mỹ có thể đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% trong năm 2010, ngược lại với sự sụt giảm kinh tế của năm 2009. Những làn gió ngược về tài chính là lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng chỉ đạt ở mức khả quan nhưng không quá mạnh mẽ của kinh tế Mỹ trong năm 2010. Các khoản vay có vấn đề trên lĩnh vực bất động sản thương mại sẽ là một thách thức đáng kể đối với kinh tế Mỹ trong năm 2010 khi giá nhà đất chưa tăng cao trong khi tỷ lệ cho vay của ngành công nghiệp vẫn ở mức cao.
2. Trung Quốc
Gói kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc khá khổng lồ ngay từ đầu năm 2009 (khoảng 586 tỷ USD) nhằm đối phó với những khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra, nhất là sự sụt giảm hàng hóa xuất khẩu và nguy cơ suy thoái xảy ra ngay với Trung Quốc. Theo các tính toán, cuối năm 2009, Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 173 tỷ USD để tiếp tục giúp nền kinh tế duy trì sức mạnh tăng trưởng. Với tiến độ đó, các con số chính thức cho rằng kinh tế Trung Quốc tiếp tục cân bằng trong năm 2010, còn lạm phát sẽ trở lại mức kiểm soát được.
3. EU
Tháng 1/2009, Châu Âu chìm trong sự băng giá về phát triển kinh tế nhưng tới hôm nay, các nền kinh tế đều cho thấy đã chinh phục được các tốc độ tăng trưởng kinh tế khác nhau nhờ vào hàng loạt gói kích thích kinh tế riêng lẻ và đa phương trên khắp EU. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bắt đầu đưa mọi thứ trở lại bình thường sau khi triển khai chính sách tiền tệ đặc biệt trong năm 2009, kể cả việc nhấn mạnh lãi suất sẽ giữ trong một thời gian tới. Anh đang tập trung vào việc duy trì gói kích thích về tiền tệ và hỗ trợ, theo đó Ngân hàng Anh sẽ giữ lãi suất ngân hàng thấp mức kỷ lục cho tới tận 2011. Khu vực các quốc gia sử dụng EUR (EU-16) và Cộng đồng quốc gia Châu Âu (EU-27) đều thoát khỏi suy thoái vào quý 3/2009 nhưng số liệu của quý 4/2009 chưa cho thấy sự tăng trưởng rõ nét, vì thế có thể năm 2010, tốc độ phát triển của EU sẽ là 1%, riêng Anh ở mức thấp hơn.
4. Nhật Bản
Sự sụp đổ về nhu cầu hàng hóa của thế giới khiến cho sự suy thoái của Nhật Bản càng rõ nét và chỉ đến quý 4/2009, các chỉ số kinh tế của Nhật Bản mới có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên sự hồi phục trở lại vẫn ở mức mong manh, vì thế tốc độ phát triển của kinh tế Nhật Bản có thể đạt mức tích cực vào đầu năm 2010. Tuy vậy, Ngân hàng Nhật Bản và các nhà chính sách kinh tế Nhật Bản vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức trong năm 2010 và các công cụ để giải quyết chúng không hề nhiều như mong đợi. Kịch bản rõ nhất với kinh tế Nhật Bản là tăng trưởng ít và đôi khi giảm tới mức rất thấp trong năm 2010, trong đó chỉ có số lượng hàng hóa xuất khẩu là tích cực.
Các nước Châu Á đang phát triển
Nhiều quốc gia Châu Á, đặc biệt là Singapore, Hàn Quốc và các khu vực như Hông Kông, Đài Loan – vốn đã bỏ ra hàng thập kỷ để điều chỉnh cấu trúc và quy tắc của nền kinh tế - có khả năng đứng vững trước khó khăn của suy thoái. Bên cạnh đó, mỗi nền kinh tế ở Châu Á bằng cách này hay cách khác đều có những gói kích thích kinh tế riêng của mình và đã phát huy hiệu quả. Vì thế năm 2010, tốc độ tăng trưởng dương là điều có thể thấy rõ ở những nước Châu Á đang phát triển.
Nhìn chung, năm 2010 sự tăng trưởng của kinh tế các thế giới tiếp tục được hỗ trợ mạnh từ các gói kích thích kinh tế. Vì vậy vấn đề lớn là làm sao duy trì được nhịp độ này, kể cả khi không còn sự trợ giúp lớn đến từ chính phủ các nước và lúc đó chính thức thế giới có thể an tâm phát triển kinh tế toàn cầu.
Hoa Chi
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|