Thứ Hai, 08/02/2010 12:11

Làm tiền nhờ kẽ hở chính sách

Vụ ông phó tổng giám đốc ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV Đoàn Tiến Dũng cùng với phó giám đốc chi nhánh BIDV Hải Phòng Lê Thị Thanh Bình bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ lên đến hàng tỉ đồng, tự thân nó đã đặt ra câu hỏi: vì sao họ có thể vòi được tiền doanh nghiệp, và ngược lại, vì sao doanh nghiệp lại dễ dàng chấp nhận hối lộ số tiền lớn đến thế?

Phó tổng giám đốc BIDV bị bắt

BIDV xác nhận thông tin liên quan đến ông Đoàn Tiến Dũng

Đây là điều bất thường với một nền kinh tế bình thường, khi ngân hàng phải chiều chuộng khách hàng thay vì đòi họ phải chung chi khi vay vốn. Câu trả lời xác đáng cho câu hỏi trên có lẽ còn phải chờ đến khi có kết luận của cơ quan điều tra, hay phán quyết của toà án. Tuy nhiên, bản thân câu chuyện cũng cho thấy, hai nhân vật này có thể đã trục lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách đã giúp vực dậy nền kinh tế nhưng đồng thời cũng tạo ra sự méo mó trong môi trường kinh doanh. Ít nhất, những thông tin báo chí đăng tải ban đầu là những khoản tiền hối lộ được trao tay từ đầu năm 2009 “có liên quan tới các khoản vay ưu đãi” cũng hỗ trợ cho giả thiết này.

Để giải thích câu chuyện này, cần trở lại đầu năm 2009, khi Chính phủ phải thay đổi mục tiêu và chính sách kinh tế từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích thích đầu tư và tiêu dùng. Trong các biện pháp đó, việc thực hiện bù lãi suất 4% cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn lưu động bắt đầu từ đầu năm 2009 được đánh giá là có tác dụng tích cực nhất. Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách đã tự hào về biện pháp này như là cách làm sáng tạo riêng của Việt Nam; phù hợp với nguồn lực hạn chế (1 tỉ USD); giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giảm chi phí vay vốn; là nguồn vốn mồi có tác động kéo một lượng vốn lớn gấp nhiều lần (trên 400.000 tỉ đồng) từ ngân hàng thương mại ra cho sản xuất, kinh doanh. Chính sách này cũng được nhiều nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao và góp phần giúp nền kinh tế hồi phục nhanh hơn.

Với hỗ trợ 4% từ Nhà nước, những doanh nghiệp vay chỉ chịu mức lãi suất khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 10% mà phần lớn các doanh nghiệp khác phải vay. Nhưng không ít doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn này và chỉ có khoảng 20% trong tổng số hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động là vay được. Đây rõ ràng là mảnh đất màu mỡ để những người như hai nhân vật của BIDV trục lợi.

Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội cuối tháng 10 năm ngoái, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thừa nhận những tác động phụ của chính sách ưu đãi này. Ông nói: “Tôi đã nhắc các anh em trong ngành ngay từ đầu không được vi phạm đạo đức. Mà nếu vi phạm, bị pháp luật xử lý là sự nhục nhã của bản thân người đó và gia đình họ. Tôi đã nói đến mức độ đó. Vì người ta đang tập trung giải cứu nền kinh tế, giải cứu đất nước mà anh lại đi làm như vậy”.

Với vị phó tổng giám đốc BIDV và đồng nghiệp ở Hải phòng, “đạo đức” mà thống đốc nhắc đến chắc hẳn là điều chẳng đáng quan tâm trong tương quan với món tiền 1 tỉ hay thậm chí tới 10 tỉ đồng. Thật khó kêu gọi đạo đức một khi chính sách thiết kế lại để những kẽ hở cho những người như hai nhân vật trên làm tiền. Tác động phụ của chính sách kinh tế lớn nhất năm 2009, bên cạnh tác động chính là giải cứu nền kinh tế, vì thế cần được đánh giá thêm. Việc này là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang được hưởng gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn tới tận cuối năm 2010. Trong năm tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung hậu kiểm việc sử dụng gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỉ đồng. Liệu có thêm vụ nào tương tự được phát hiện, dù ai cũng cầu mong là không có?

Tư Giang

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hoàn thiện khung pháp lý cho kiểm toán độc lập (05/02/2010)

>   Chính sách tỷ giá: Tâm điểm vĩ mô 2010 (04/02/2010)

>   Sẽ làm rõ việc chi tiêu 17.000 tỷ đồng (04/02/2010)

>   Tài khóa và tiền tệ: Chưa đồng bộ (28/01/2010)

>   TP.HCM: Các công ty cho thuê tài chính lỗ 1.422 tỷ đồng (27/01/2010)

>   “Lĩnh vực tài chính vẫn thiếu người giỏi” (26/01/2010)

>   Thương hiệu ngành tài chính: Đã qua thời... mộc mạc (25/01/2010)

>   Dư nợ tiêu dùng của Hà Nội và TPHCM đạt 52 nghìn tỉ đồng (25/01/2010)

>   Việt Nam và Cuba tăng cường hợp tác tài chính (20/01/2010)

>   Bài toán khó (18/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật