Sẽ làm rõ việc chi tiêu 17.000 tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết năm 2010 sẽ tập trung hậu kiểm việc sử dụng gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng và thực thi chính sách hoàn, miễn, giảm, giãn thuế trong hai năm 2008-2009.
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của KTNN sáng 4/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, năm nay, KTNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm trọng điểm, không đi trên diện rộng như những năm trước.
Cụ thể, KTNN sẽ triển khai thực hiện kiểm toán 3 chuyên đề lớn nhằm đánh giá thực tế thực hiện các gói kích cầu chống suy giảm kinh tế của Chính phủ, gồm: Kiểm toán việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 2006-2009, kiểm toán việc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh và kiểm toán công tác quản lý thu thuế tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Ngoài ra, 155 đầu mối khác cũng bị kiểm toán, tăng 10% so với năm 2009, thuộc các lĩnh vực ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư - dự án và chương trình đặc biệt.
KTNN thực hiện kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2009 của 14 bộ có quy mô ngân sách lớn như Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ... và 10 tổ chức chính trị - xã hội; kiểm toán 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô thu chi ngân sách lớn.
KTNN cũng sẽ "sờ" đến 38 đầu mối, gồm 6 dự án kiểm toán thường xuyên trong quá trình đầu tư chuyển tiếp từ năm 2009, 28 dự án đầu tư xây dựng cơ bản quan trọng thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện và 4 chương trình mục tiêu quốc gia như giáo dục, 135, nước sạch và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, 30 doanh nghiệp nhà nước, trong đó phần lớn là các tập đoàn, tổng công ty lớn và các tổ chức tài chính - ngân hàng lớn sẽ bị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009.
Ông Uông Chu Lưu cho rằng, KTNN bao giờ cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc độc lập, trung thực khách quan nên dù có đã ký cơ chế phối hợp với 6 cơ quan cũng không được thỏa hiệp, xuê xoa, dễ dãi khi xử lý các kết quả kiểm toán.
Về nhiệm vụ này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng, nói thêm, khi KTNN phát hiện vi phạm phải chuyển cho các cơ quan chức năng để tiến hành thanh tra, hoặc khởi tố điều tra.
Khi đó, ngoài trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra kết luận thực hiện của KTNN thì các cơ quan khác cũng phải đôn đốc thực hiện.
Năm 2009, KTNN đã chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có vụ đã khởi tố, có vụ đang thu thập thêm bằng chứng để khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can.
Hà Yên
Vietnamnet
|