Tài khóa và tiền tệ: Chưa đồng bộ
Đến nay việc điều hành chính sách tiền tệ (do Ngân hàng Nhà nước - NHNN đảm trách) và chính sách tài khóa (do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm) vẫn có độ vênh nhất định, ảnh hưởng đến công tác điều hành vĩ mô.
Phát biểu trong một cuộc hội thảo về mối liên hệ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ diễn ra gần đây tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, cho rằng nên có sự thống nhất giữa Bộ Tài chính và NHNN về hai chính sách quan trọng này để tránh tình trạng ngân hàng thương mại nhà nước có xu hướng đầu tư quá nhiều vào giấy tờ có giá của Chính phủ với thời hạn dài hơn các kỳ hạn huy động vốn, khiến các định chế này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn khả dụng.
Sự mất cân đối vốn khả dụng mang tính cơ cấu có thể ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn khả dụng của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng và do đó ảnh hưởng đến lãi suất thị trường liên ngân hàng, làm cho lãi suất qua đêm biến động mạnh khi sự mất cân bằng là đáng kể.
Khi đó NHNN buộc phải sử dụng các nghiệp vụ thường xuyên để bơm vốn cho các ngân thương mại nhằm giảm sự biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, và như vậy vô hình trung cơ quan này đã cung ứng tiền qua ngân sách, qua đó có thể sẽ gây áp lực lên lạm phát. Hơn nữa, tùy tình hình cụ thể NHNN cũng có thể bù đắp thâm hụt ngân sách thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, vừa tạo công cụ thực thi chính sách tiền tệ vừa giảm được chi phí phát hành cho Chính phủ.
Cũng tại hội thảo này, theo tham luận của bà Nguyễn Thị Hiền, Viện Chiến lược ngân hàng, từ năm 2000 đến nay, phần lớn thâm hụt ngân sách Việt Nam được bù đắp bởi hơn 70% các khoản vay trong nước chủ yếu dưới hình thức phát hành trái phiếu chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Trái phiếu chính phủ là công cụ quan trọng giúp NHNN thực thi chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường, đưa vào vận hành có hiệu quả các công cụ kiểm soát tiền tệ gián tiếp như thị trường mở và chiết khấu.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu chính phủ nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng về lãi suất để phù hợp với lãi suất thị trường (tức không gây dựng một đường cong lãi suất chuẩn - điều mà Việt Nam chưa làm được) sẽ tạo ra sự lấn át đầu tư đối với khu vực tư nhân.
Thực vậy, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất của hệ thống ngân hàng và cao hơn lợi tức thu được từ việc đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ tạo ra một sự dịch chuyển vốn từ hệ thống tài chính sang, có thể làm xáo trộn cơ cấu tài sản nợ, tài sản có và khả năng huy động vốn của các ngân hàng.
Mặt khác nếu lãi suất trái phiếu chính phủ cao sẽ khiến các ngân hàng hạn chế cho vay để đầu tư vào trái phiếu vì độ an toàn cao và vẫn thu được lợi nhuận. Điều đó sẽ làm giảm vai trò trung gian tài chính của các ngân hàng, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả và dễ bất ổn. Điều này chưa xảy ra ở Việt Nam.
Ngược lại, tức thực tế hiện nay, lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn không đáp ứng được lãi suất kỳ vọng của thị trường nên phát hành trái phiếu luôn bị thất bại. Hậu quả có khi cũng tệ không kém, thị trường gần như không có thanh khoản.
Trong một lần trò chuyện với TBKTSG, một lãnh đạo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhận định rằng việc phát hành trái phiếu chính phủ và tín phiếu thời gian qua vẫn thể hiện sự lệch pha. Tín phiếu NHNN do NHNN phát hành, tín phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính phát hành. Song, không ít khi NHNN “kiện” Bộ Tài chính vì “anh để lãi suất cao hơn hút hết tiền của tôi” hay ngược lại.
“Nếu chưa có sự phối hợp chặt chẽ và tính toán kỹ thời điểm và khối lượng phát hành các công cụ nợ thế này thì có những thời điểm chúng ta không tránh được các tác động trái chiều lên thị trường tài chính. Nhà đầu tư sẽ không hiểu động thái cũng như tín hiệu Chính phủ phát đi bởi cơ quan này bơm ra thì cơ quan kia lại hút vào”, vị này nói.
Hiện nay, hàng năm NHNN tính toán mức cung ứng tiền, điều tiết khối lượng tiền do Chính phủ phê duyệt; và để tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước thì chính sách tiền tệ phải tính toán, cân đối lượng tiền cần thiết cần phải đưa vào hoặc rút ra khỏi lưu thông. Trong khi đó Bộ Tài chính lại quy định trần lãi suất của các phiên đấu thầu chứng khoán nợ.
Để đạt được mục tiêu huy động vốn phục vụ cho các mục đích của Chính phủ, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc có những thời điểm ở mức cao hơn lãi suất huy động thấp nhất của các ngân hàng thương mại. Điều này gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Nó làm cho luồng tiền vốn dịch chuyển từ khu vực dân cư và doanh nghiệp vào trái phiếu để hưởng lợi và đương nhiên phần tiền còn lại dành cho đầu tư phát triển của khu vực kinh tế tư nhân sẽ giảm xuống.
Và để huy động đủ vốn theo kế hoạch, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động nên có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng dẫn tới gia tăng rủi ro trong hệ thống và các ngân hàng thương mại thậm chí phải tăng lãi suất cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ mới có thể thu hút vốn dài hạn. Tuy nhiên việc này lại gây sức ép nặng nề trong việc điều hành lãi suất của NHNN. Về dài hạn, tình trạng này sẽ dẫn tới gia tăng thâm hụt ngân sách bởi hiệu quả đầu tư xã hội giảm sút.
Các chuyên gia tại hội thảo trên cũng cho rằng do không có sự phối hợp nhịp nhàng và kịp thời giữa NHNN và Bộ Tài chính nên nhiều khi gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách vĩ mô. Chẳng hạn, khi NHNN thấy thời điểm này thích hợp cho phát hành trái phiếu thì Bộ Tài chính lại chưa sẵn sàng hoặc chưa thể thực hiện được do những điều kiện khách quan. Điều này làm ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ.
Mặt khác, sự trao đổi thông tin giữa NHNN và Bộ Tài chính cũng còn nhiều bất cập, chưa hỗ trợ tích cực cho nhau. Ví dụ như, việc xây dựng chính sách tiền tệ trong điều kiện số liệu thống kê, các báo cáo về tài chính công còn thiếu, không cập nhật, các biểu mẫu báo cáo thống kê không nhất quán giữa NHNN và Bộ Tài chính là điều khó hiểu.
Hàng năm, NHNN vẫn phải cung ứng lượng tiền không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Điều 32 Luật NHNN quy định “NHNN tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên thực tế các khoản tạm ứng này thường không có bảo đảm và không được hoàn trả trong năm ngân sách theo đúng như quy định của luật.
Năm 2009, ngân sách nhà nước gặp khó khăn, Chính phủ yêu cầu NHNN chuyển cho Bộ Tài chính 20.000 tỉ đồng nguồn vốn nhàn rỗi để hỗ trợ cho ngân sách. Tất cả các nguồn tiền do NHNN quản lý nếu đưa vào nền kinh tế mà không có biện pháp xử lý đối ứng đều làm tăng lượng tiền cung ứng, thay đổi các chỉ tiêu tiền tệ đã lên kế hoạch từ trước và gây áp lực lên lạm phát.
Hồng Phúc
TBKTSG Online
|