Chống DN bán hàng không xuất hóa đơn GTGT:
Khấu trừ thuế cho người tiêu dùng
Luật thuế GTGT đã có từ nhiều năm nhưng tình trạng thất thu thuế GTGT đã đến mức đáng báo động. Đến nay Tổng cục Thuế vẫn chưa có giải pháp chấn chỉnh triệt để. Để giải quyết tình hình này, một số lãnh đạo thuế địa phương đã đưa ra giải pháp riêng, quyết liệt xử lý các cửa hàng bán hàng không xuất hoá đơn trong thời gian dài.
Tuy nhiên, để xử lý, cơ quan thuế địa phương cũng gặp không ít khó khăn, như thủ tục kiểm tra quá phức tạp.
Giải pháp tình thế
Muốn kiểm tra phải thông báo cho DN biết trước 3 ngày, mà mức xử phạt lại thấp; khi phát hiện DN bán hàng không xuất hoá đơn kịp thời, nếu phạt cũng chỉ 10 triệu đồng, còn nếu không xuất hoá đơn thì có thể bị phạt về hành vi trốn thuế nhưng mức phạt chỉ bằng gấp 3 lần số tiền thuế trên số hàng bán không xuất hoá đơn. Do vậy một số cục thuế thực hiện giải pháp trước mắt trong lúc chờ trung ương nâng mức phạt là công bố danh sách những DN vi phạm để dân biết. Thiết nghĩ những giải pháp trên của cơ quan thuế không thể giải quyết triệt để vấn đề. Cơ quan thuế triển khai các giải pháp nêu trên mới tác động tới một phía, đó là người bán hàng, như thế không thể mang lại hiệu quả lâu dài được. Muốn giải quyết triệt để vấn đề ngành thuế phải có giải pháp để có thể tác động tới cả hai phía. Trong thực tế hiện nay, không chỉ riêng các siêu thị mà hầu hết các DN kinh doanh có bán hàng trực tiếp cho các cá nhân không có nhu cầu lấy hoá đơn thì đều không xuất hoá đơn và đa số người mua hàng trong trường hợp này cũng không yêu cầu xuất hoá đơn. Đây là một kẽ hở rất lớn, cơ quan thuế không thể quản lý được và Nhà nước sẽ thất thoát thuế.
Giải pháp tương lai
Hiện nay thu nhập của người dân đã phải chịu một lần thuế là Thuế TNCN vậy mà khi đi mua hàng người dân lại tiếp tục phải gánh thêm thuế GTGT, vậy đây chẳng phải là việc thuế đánh chồng lên thuế hay sao ? Vậy tại sao cơ quan quản lý thuế không thực hiện việc khấu trừ thuế GTGT cho người tiêu dùng. Điều này vừa đảm bảo việc thuế không đánh chồng lên thuế vừa là một cách thiết thực khuyến khích người dân lấy hoá đơn khi mua hàng.
Hơn nữa, việc không lấy hoá đơn khi mua hàng sẽ tác động trực tiếp vào túi tiền của người dân như thế thì không có lý gì người dân khi đi mua hàng lại không lấy hoá đơn và chúng ta sẽ giải quyết được các DN kinh doanh hàng hoá không xuất hoá đơn.
Thêm nữa, hiện nay có một số DN thường yêu cầu người mua hàng cấp mã số thuế Cty thì họ mới xuất hoá đơn cho người mua hàng. Điều này cũng gây khó khăn cho người mua hàng. Trên thực tế theo điểm 3 mục II phần A Thông tư 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hoá đơn quy định: Nội dung hoá đơn phải có đủ các chỉ tiêu sau đây thì mới có giá trị pháp lý: Họ, tên; địa chỉ; mã số thuế (nếu có), tài khoản thanh toán (nếu có) của người mua và người bán; tên hàng hoá dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, tiền hàng; thuế suất, tiền thuế GTGT; tổng số tiền thanh toán; chữ ký người bán, người mua hàng. Như thế mã số thuế không phải là yếu tố bắt buộc trên hoá đơn GTGT, ngành thuế nên tuyên truyền cho DN và người dân được biết.
Cơ quan thuế có thể cho phép người dân khấu trừ thuế theo tháng, quý hoặc theo năm theo công thức:
Số thuế TNCN phải nộp trong tháng (hoặc trong quý) = Số thuế TNCN phải nộp trong tháng (hoặc trong quý) theo cách tính hiện hành - Số thuế GTGT trên hoá đơn mua hàng trong tháng (hoặc trong quý).
Ngoài ra, trong tháng hoặc trong quý có số thuế GTGT được khấu trừ lớn hơn số thuế TNCN phải nộp theo cách tính hiện hành thì được kết chuyển sang tháng, quý hoặc năm sau nhưng không được kê khai hoàn thuế GTGT như vậy thì mới khuyến khích người dân lấy đủ hoá đơn khi mua hàng. Điều này sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng các DN bán hàng không xuất hoá đơn trên toàn quốc.
Trần Ngọc Vũ – Ban TTTĐ Tổng cục Thuế
diễn đàn doanh nghiệp
|