Thứ Tư, 24/02/2010 10:27

Bê bối thu, chi ngân sách cấp địa phương

Tình trạng thu, chi bằng tiền ngân sách nhà nước (NSNN) ở các bộ, ngành, một số cơ quan trung ương tuỳ tiện đã được phản ánh trên Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 8.2.2010. Còn ở cấp địa phương, những dạng sai phạm thường thấy trong cách thu, sử dụng tiền NSNN của các bộ, ngành trung ương cũng diễn ra khá tương tự nhưng mức độ dường như trầm trọng hơn. Nhưng cũng có một số dạng sai phạm trong thu, chi ngân sách ở cấp tỉnh tương đối khác biệt so với các bộ, ngành.

Theo một báo cáo tổng hợp mới đây về các kết quả các cuộc kiểm toán tiến hành năm 2008 (một số cuộc kéo dài qua đầu năm 2009) tại 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Kiểm toán Nhà nước (KTNN); kết quả ban đầu một số cuộc kiểm toán tại nhiều tỉnh, thành phố khác tiến hành năm 2009 về niên độ ngân sách 2008 đã cho thấy rất rõ thực trạng nêu ở trên.

Thất thu thuế rất lớn

Tình trạng thất thu thuế rất lớn là một trong những sai phạm diễn ra ở khá nhiều địa phương; trách nhiệm của lãnh đạo ngành thuế, các cục thuế địa phương đối với tình trạng này là không nhỏ.

Ví dụ, kết thúc cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách thời kỳ năm 2007 và các thời kỳ trước, sau có liên quan tại Hà Nội, KTNN đã yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố này thu hồi, nộp vào ngân sách các khoản thuế tăng thêm gần 20 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số này, chủ yếu là phần thiếu thuế của các doanh nghiệp nhà nước – 14 tỉ đồng, trong khi đó, phần thiếu thuế của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ là 1,68 tỉ đồng và các đơn vị sự nghiệp phải nộp hơn 4,1 tỉ đồng. Ngoài khoản này, KTNN cũng yêu cầu Hà Nội tăng thu trên 18,2 tỉ đồng nộp ngân sách đối với một số doanh nghiệp, đơn vị lớn.

Tại Hải Phòng, KTNN cũng phát hiện tình trạng nợ đọng thuế để quá cao, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành kê khai, quyết toán thuế… Mặc dù về quy mô kinh tế, số lượng doanh nghiệp ít hơn Hà Nội nhiều nhưng Hải Phòng đã bị yêu cầu tăng thu 25,8 tỉ đồng, trong đó riêng các khoản thuế phải thu lên tới 23 tỉ đồng bao gồm: 13,8 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm sai quy định, các khoản thuế khác doanh nghiệp còn thiếu do kê khai không đúng, còn nợ, trốn thuế… trên 6,86 tỉ đồng.

Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng bị yêu cầu truy nộp NSNN những khoản tiền thuế, phí, lệ phí… do nợ đọng, miễn giảm sai, trốn thuế, kê khai sai, v.v. như: Quảng Ninh - 13,97 tỉ đồng, Bình Phước - 18,79 tỉ đồng, Quảng Nam - 15,7 tỉ đồng, Bà Rịa-VũngTàu - 107,4 tỉ đồng… Nhưng kỷ lục có lẽ là tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Ở Đồng Nai, số tiền thuế, phí, các khoản phải thu, nộp vào NSNN từ các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp được KTNN xác định là trên 303 tỉ đồng. Còn ở Bình Dương, số tiền phải nộp thêm vào NSNN lên tới 997 tỉ đồng, trong đó các khoản do chậm nộp thuế, thiếu thuế… chiếm tỷ lệ lớn. Trong tình trạng ngân sách nhiều tỉnh, thành phố còn khó khăn, việc để thất thu, tồn đọng thuế lớn, kéo dài ít nhiều cũng gây khó khăn về nguồn kinh phí cho chính các tỉnh, thành phố này. Nhất là ở các khoản thu được trích, điều phối lại từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Chi sai không nhỏ

Thế nhưng đáng lo hơn là trong khi còn khó khăn về kinh phí thì ở nhiều tỉnh, thành phố, việc chi tiêu, sử dụng bằng NSNN lại rất tuỳ tiện. Rất nhiều tỉnh được KTNN xác định có số tiền chi sai chế độ (chủ yếu là các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản), chi sai đối tượng, thiếu hoá đơn, chứng từ hợp pháp… khá lớn.

Với rất nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… nếu tổ chức thu tốt, chi chặt chẽ và hiệu quả, mỗi nơi có thể thu thêm, giảm chi hàng trăm tỉ đồng/năm thì đó là nguồn kinh phí rất đáng kể. Các cuộc kiểm toán của KTNN về báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tiến hành trong năm 2009 cũng chưa cho thấy những tiến bộ đáng kể nào trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách.

Hà Nội được yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách các khoản chi sai chế độ và các khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi số tiền trên 5,5 tỉ đồng; Hải Phòng sử dụng vốn đầu tư sai mục đích 18,5 tỉ đồng. Bắc Ninh tuy nhỏ nhưng các khoản chi sai chế độ gần 22 tỉ đồng do sử dụng sai tiền thu thuế sử dụng đất, chi sai đối tượng, sai nguồn kinh phí. Đồng Nai được yêu cầu xuất toán, thu hồi, giảm thanh toán… các khoản chi sai 33 tỉ đồng và thu hồi các khoản cho vay, cho tạm ứng 343 tỉ đồng. Bình Phước cũng có hàng chục tỉ đồng chi sai chế độ: tiền xăng xe, chi phụ cấp ưu đãi đặc biệt không đúng đối tượng… Việc chi sai trong đầu tư xây dựng cơ bản ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều khá phổ biến dưới nhiều dạng: tạm ứng sai quy định, thanh toán vượt quá giá trị thực tế thi công, thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, để xảy ra lãng phí, thất thoát lớn. Nơi nhiều cũng lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, nơi ít cũng vài tỉ đồng/năm.

Nhìn vào kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2007 và cả năm 2008 của nhiều địa phương đều cho thấy việc chấp hành quy định về thu, chi, quản lý NSNN phần lớn đều rất kém: để xảy ra thất thu lớn và chi tiêu sai còn nhiều, tổ chức thu, chi bất hợp lý, không khoa học… thậm chí có sự tuỳ tiện, sai phạm ở nhiều cấp. Tất cả những điều đó dẫn đến việc nhiều địa phương không cân đối được nguồn thu – nguồn chi, ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với rất nhiều tỉnh như: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… nếu tổ chức thu tốt, chi chặt chẽ và hiệu quả, mỗi nơi có thể thu thêm, giảm chi hàng trăm tỉ đồng/năm thì đó là nguồn kinh phí rất đáng kể. Các cuộc kiểm toán của KTNN về báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tiến hành trong năm 2009 cũng chưa cho thấy những tiến bộ đáng kể nào trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách.

Việc KTNN phát hiện, đánh giá, nêu ra các sai phạm, những cán bộ, đơn vị gây ra sai phạm ở cấp tỉnh, nhưng chưa thấy bước xử lý tiếp theo từ phía các cơ quan chức năng để chấn chỉnh tình hình. Đây thực sự là vấn đề lớn, đáng lo ngại, cần được xem xét, bàn thảo để tìm ra giải pháp hiệu quả tại các kỳ họp năm nay của Quốc hội.

Mạnh Quân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Khai sai doanh thu là gian lận thương mại về tài chính (24/02/2010)

>   Thu hẹp diện được miễn thuế (24/02/2010)

>   Chính sách thuế phải khoan thư sức dân (23/02/2010)

>   Người dùng mong đợi, thực tế có khả thi? (22/02/2010)

>   Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (14/02/2010)

>   Đánh thuế nhà sẽ thiếu tính khả thi (09/02/2010)

>   Chuyện các bộ tiêu tiền ngân sách (08/02/2010)

>   Hóa đơn tài chính bắt buộc phải có 3 liên (08/02/2010)

>   Kiểm toán độc lập: Vướng vì thiếu luật (07/02/2010)

>   Sẽ không cần thủ tục hoàn thuế (29/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật