Thứ Hai, 08/02/2010 11:57

Chuyện các bộ tiêu tiền ngân sách

Lâu nay, việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN) ở các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thường được thanh tra, kiểm toán khá kỹ, thế nhưng việc thu, chi tiền từ các nguồn vốn NSNN cấp cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương… thường ít được công khai. Trong một báo cáo tổng hợp gần đây (năm 2009) của kiểm toán Nhà nước (KTNN), có những thông tin khá cụ thể về kết quả kiểm toán năm 2008 tại khối các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cho thấy, nhiều bộ, nhiều cơ quan cũng tiêu tiền ngân sách hết sức tuỳ tiện. Trong số đó, có cả các cơ quan có trách nhiệm lập kế hoạch, triển khai và giám sát việc chi tiêu NSNN như: bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Tài chính và cả những cơ quan có vị trí rất quan trọng như: Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.

Ở bộ Tài chính, qua cuộc kiểm toán (tiến hành năm 2008) về báo cáo quyết toán ngân sách năm 2007, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong khi lẽ ra bộ Tài chính phải là cơ quan đi đầu, làm gương trong việc chấp hành đúng các quy định. Người ta phát hiện một số đơn vị thuộc bộ này thu ngoài quy định số tiền trên 2,92 tỉ đồng, một số nơi thu nhưng không kịp thời gửi đầy đủ vào kho bạc, chưa phản ánh đầy đủ số thu, chi vào báo cáo quyết toán. Một cơ quan thuộc bộ Tài chính được cho làm dịch vụ lại sai phạm về chính sách thuế, buộc kiểm toán phải yêu cầu nộp thêm vào NSNN số tiền hơn 2,23 tỉ đồng. Trong các khoản chi thường xuyên, nhiều đơn vị thuộc bộ này còn sử dụng sai nguồn kinh phí, chi vượt chế độ, chứng từ thanh toán chưa đúng quy định (của ngành tài chính), thậm chí kinh phí chưa hề sử dụng đã đưa vào quyết toán với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng. Đấy mới chỉ là cuộc kiểm toán giới hạn, chưa hề xem tới các báo cáo quyết toán ở nhiều cơ quan lớn thuộc bộ này như: tổng cục Hải quan, kho bạc Nhà nước, tổng cục Thuế, uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (kết luận kiểm toán riêng ở uỷ ban này cho thấy sai phạm trên 34 tỉ đồng)…

Ở bộ Kế hoạch và đầu tư, sai phạm có nhẹ hơn so với bộ Tài chính nên KTNN chỉ yêu cầu phải nộp trả NSNN số tiền khoảng 439 triệu đồng do các vi phạm về chính sách thuế, chi thường xuyên quá tay, sai phạm trong đầu tư, xây dựng. Cơ quan này cũng bị yêu cầu giảm trừ quyết toán năm 2007, chuyển sang năm 2008 các khoản tiền không đủ điều kiện quyết toán; sử dụng sai nguồn chi số tiền hơn 100 triệu đồng. Nhưng ở bộ Kế hoạch và đầu tư cũng để xảy ra tình trạng lãng phí: một cơ quan thuộc bộ này nhận tài trợ bằng hiện vật (máy tính, thiết bị máy tính) trị giá trên 429 triệu đồng nhưng vứt trong kho, không sử dụng, làm giảm hiệu quả tài sản dự án.

Trong các đơn vị được kiểm toán, việc chi tiêu, sử dụng NSNN ở bộ Y tế là đáng “xót ruột” nhất. Riêng việc quản lý, sử dụng tiền viện trợ năm 2007 ở bộ này cho thấy nhiều thiếu sót. Do triển khai chậm, giải ngân chậm dẫn đến cuối năm còn dư kinh phí chưa giải ngân tới 252,2 tỉ đồng. Cơ quan kiểm toán còn xác định bộ này kiểm soát chi chưa kịp thời, xử lý chậm về chênh lệch tỷ giá, lãi ngân hàng của các nguồn viện trợ và nộp vào ngân sách số tiền hơn 9 tỉ đồng. Riêng các khoản thuế mà các đơn vị thuộc ngành y tế chậm nộp đã lên đến 20,4 tỉ đồng. Tổng số tiền mà KTNN yêu cầu bộ Y tế thu hồi nộp lại ngân sách đã lên tới gàn 33,2 tỉ đồng.

Ở hầu hết các bộ, ngành khác được kiểm toán về quyết toán ngân sách cách đây hai năm, đều có tình trạng sử dụng tiền, tài sản nhà nước chưa đúng chế độ, chính sách. Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu nộp lại NSNN 34,28 tỉ đồng do các sai phạm về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế với người có thu nhập cao…) và thu chi nhiều khoản sai quy định, không đúng mục đích. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng phải nộp trả NSNN hơn 7,45 tỉ đồng do chi sai chế độ gần 610 triệu đồng và các khoản thu sai: 1,64 tỉ đồng; nộp thêm các khoản thuế thu nhập cá nhân: 1,85 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp: 2,56 tỉ đồng, thuế VAT 790 triệu đồng; buộc giảm thanh toán cho chi xây dựng cơ bản 608 triệu đồng. Bộ này còn bị yêu cầu huỷ dự toán năm 2008 số tiền 6,96 tỉ đồng (chi cho các cơ quan, dự án thuộc bộ). Bộ Xây dựng được yêu cầu nộp lại NSNN trên 10 tỉ đồng; bộ Ngoại giao được yêu cầu xử lý tài chính 9,52 tỉ đồng, trong đó nộp tăng thêm cho NSNN 3,53 tỉ đồng. Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch bị truy nộp tới 35 tỉ đồng. KTNN cũng kiến nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có sai phạm nộp lại gần khoảng 5,8 tỉ đồng… Tất cả đều có những sai phạm rất giống nhau: sử dụng kinh phí được cấp sai chế độ, sai quy định, nộp thiếu tiền thuế các loại, sử dụng sai các nguồn thu; chi sai trong xây dựng cơ bản…

Một số cơ quan trung ương cũng có những sai phạm tương tự. Kiểm toán báo cáo quyết toán 2007 của Văn phòng Quốc hội, KTNN đã yêu cầu cơ quan này nộp ngân sách 4,67 tỉ đồng, trong đó riêng khoản thanh lý tài sản đã lên đến 2,78 tỉ đồng, thiếu tiền thuế 872 triệu đồng; chi sai chế độ 444 triệu đồng. Văn phòng Quốc hội còn bị đề nghị giảm trừ quyết toán và thanh toán hơn 3 tỉ đồng. Còn tại Văn phòng Chính phủ và các đơn vị thuộc cơ quan này, số kinh phí được yêu cầu xử lý tài chính rất lớn: 42,88 tỉ đồng. Nhưng số tiền phải nộp trả ngân sách khá nhỏ, chỉ hơn 868 triệu đồng (trong đó có 436,8 triệu đồng chi sai chế độ, phải xuất toán). Còn lại là các khoản kinh phí không còn nhiệm vụ chi: 9,32 tỉ đồng, giảm trừ dự toán: 32,67 tỉ đồng và các ban quản lý dự án xây dựng cơ bản phải nộp 19,33 tỉ đồng.

Theo lời một kiểm toán viên của KTNN thì các cuộc kiểm toán tiến hành năm 2009 ở một số cơ quan bộ, ngành khác (về báo cáo quyết toán năm 2008) vẫn cho thấy những sai phạm tương tự như trên về quản lý, thu, chi tiền NSNN của các cơ quan cấp bộ, cơ quan trung ương. Điều đó có nghĩa, kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chế độ, chính sách về quản lý, chi tiêu tiền NSNN ở các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã chưa được chấn chỉnh sau đợt kiểm toán khá nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương năm 2008. Một điều đáng lưu ý là các cuộc kiểm toán tại các bộ, ngành đều cho thấy một điểm chung: hầu hết các cơ quan này đều không sử dụng hết kinh phí ngân sách cấp trong năm: nhiều bộ, ngành có số tiền không tiêu hết lên đến hàng chục tỉ đồng/năm. Một số kiểm toán viên cho rằng nếu như thanh tra hay kiểm toán phát hiện ở bộ, ngành nào có nhiều sai phạm, để tồn kinh phí lớn thì Quốc hội nên mạnh tay cắt giảm ngân sách cấp cho bộ, ngành đó trong năm tài chính tiếp theo.

Mạnh Quân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hóa đơn tài chính bắt buộc phải có 3 liên (08/02/2010)

>   Kiểm toán độc lập: Vướng vì thiếu luật (07/02/2010)

>   Sẽ không cần thủ tục hoàn thuế (29/01/2010)

>   Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Vẫn cần cân nhắc thêm (28/01/2010)

>   Kê khai và nộp thuế qua trang web TaxOnline (28/01/2010)

>   Hải quan Hà Nội truy thu 1,5 tỷ đồng tiền thuế (27/01/2010)

>   Sớm báo cáo việc xử lý thuế nhập khẩu ôtô năm 2004, 2005 (27/01/2010)

>   Xem xét tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập cho doanh nghiệp (27/01/2010)

>   Từ 1/2, giảm thuế nhập nhiều loại xăng dầu (27/01/2010)

>   Thuế nhập xăng dầu cao nhất là 30% (25/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật