Trả lương và thuế online:
Người dùng mong đợi, thực tế có khả thi?
Tháng 3/2006 Luật giao dịch điện tử có hiệu lực. Giao dịch qua mạng đã trở thành phổ biến của mọi thành phần kinh tế xã hội, khi 20 triệu dân Việt Nam được dùng Internet. Internet và giao dịch điện tử là cơ sở công nghệ để thực hiện cải cách hành chính, là phương tiện hiệu quả nhất để tận diệt thủ tục “hành là chính”.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là ở thời điểm hiện tại, các hoạt động quản lý, giao dịch qua mạng ở Việt Nam có mức độ khả thi như thế nào?
Thực tế đã khả thi?
Trước nay, việc ứng dụng khai báo hải quan điện tử, thuế qua mạng, chính phủ điện tử đã được nhắc đến không ít và qua quá trình thực hiện, cũng có không ít lần đón nhận khen chê, điều tiếng. Việc đòi hỏi một hệ thống giao dịch, quản lý “điện tử hóa” liên hoàn, đồng bộ trên toàn quốc ngay một sớm một chiều là khó khả thi.
Trong điều kiện đó, cần lựa chọn một số công việc, qui trình hành chính có tính chất điển hình, có ảnh hưởng rộng lớn đến toàn xã hội người dân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để áp dụng giao dịch qua mạng thì sẽ là bước đột phá tạo được tiền đề cho nền hành chính điện tử.
Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngân hàng Quốc Tế (VIB) và công ty MacroNT đã thực hiện hoàn chỉnh công việc quản lý tính toán và chi trả thu nhập online.
Theo đó, Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bước đầu thử nghiệm dùng phần mềm online tại địa chỉ http://www.luong.vn để quản lý và thanh toán lương thu nhập cho cán bộ nhân viên.
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục, để áp dụng dịch vụ trả lương online, thủ trưởng đơn vị chỉ cần phê duyệt bảng lương trên Internet, ký xác thực điện tử, sau đó chỉ thị chuyển tới ngân hàng qua Internet, thay vì phải ký duyệt bảng lương trên giấy và gửi ra ngân hàng để chuyển tiền vào từng tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là do còn chưa kết nối được với kho bạc nên việc quản lý và trả lương online cũng mới giải quyết được một nửa thủ tục; Thủ trưởng đơn vị vẫn cần ký vào bản giấy để yêu cầu kho bạc chuyển tiền tới ngân hàng trả lương. Thực hiện quản lý lương online đảm bảo an toàn bảo mật, nhanh chóng và bớt các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính… Qua thời gian sử dụng thí điểm, tôi thấy chương trình này bước đầu khả thi.
Người thụ hưởng lương được hưởng đầy đủ các tiện ích của Internet Banking do VIB cung cấp.
Tại Đại học Ngoại Thương, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đã hỗ trợ thực hiện hoàn chỉnh qui trình quản lý sinh viên dùng Thẻ sinh viên điện tử, tích hợp việc quản lý sinh viên, thu nộp học phí, thẻ tài khoản ngân hàng, thẻ thư viện, thẻ chi tiêu và Internet Banking (http://www.VIB4u.com.vn).
Tháng 3 tới đây Hội thảo Lương và Thuế online do Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Công ty phần mềm MacroNT và Đại học Ngoại Thương tổ chức sẽ là diễn đàn để những người trong cuộc chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình quản lý hiện đại này. |
Thu Hiền, sinh viên năm thứ ba đại học Ngoại Thương cho biết, nhờ thẻ sinh viên điện tử, tất cả các khâu từ nộp học phí, trả học bổng, cũng như các giao dịch ngân hàng đều có thể thực hiện trọn gói qua một tài khoản cá nhân. Sinh viên đại học Ngoại Thương không cần phải lưu giữ nhiều loại thẻ như sinh viên của các trường khác, trong khi các bộ phận chịu trách nhiệm thu học phí, trả học bổng, thu phí thư viện, căng tin… cũng được đơn giản hóa rất nhiều, vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể quản lý được các công việc này một cách chính xác và tiết kiệm chi phí.
Với chủ thẻ là sinh viên, chỉ cần 1 máy tính kết nối Internet, dù ở bất cứ nơi đâu, vào thời gian nào, các bạn đều có thể truy cập thông tin cũng như thực hiện các giao dịch ngân hàng.
So với các dịch vụ e-Banking đã được giới thiệu trước đó trên thị trường, ngoài các tính năng cơ bản, VIB4U còn cung cấp cho khách hàng nhiều tính năng khác như: chuyển tiền ra ngoài hệ thống – chuyển tiền từ 1 tài khoản đến nhiều tài khoản khác ngoài hệ thống của VIB; chuyển tiền định kỳ - chuyển tiền theo kế hoạch đã đặt sẵn…
Phần mềm online: nhanh, tiện, giảm phí
Theo ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc công ty MacroNT Việt Nam, các phần mềm luong.vn, thuethunhap.vn được việt hóa từ các phần mềm của công ty MacroNT Canada, tại Canada các phần mềm này đã được chính phủ Canada chứng nhận đủ điều kiện và được đưa vào sử dụng từ năm 2004, và được đánh giá là một trong ba giải pháp phần mềm thuế tốt nhất Canada.
Hệ thống phần mềm trả lương, kê khai và nộp thuế qua mạng được ứng dụng tại Việt Nam cách đây bốn tháng, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính mà không phải mất tiền bản quyền phần mềm và sử dụng dễ dàng như một công cụ online trên mạng.
Mặc dù 2 dịch vụ đã được triển khai thí điểm tại Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Đại học Ngoại Thương chưa có quy mô lớn, nhưng các đơn vị tham gia với điều kiện nguồn lực công nghệ, nhân sự hiện tại cùng với ngân hàng Quốc Tế (VIB) và công ty MacroNT Việt Nam đã nỗ lực thực hiện hoàn chỉnh qui trình giao dịch qua mạng phù hợp với Luật giao dịch điện tử và hạ tầng Internet của Việt Nam.
Thực tế áp dụng thành công đó đã chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể nhân rộng quy mô.
Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Thế Minh, khi mới đưa mô hình quản lý lương và thuế online vào ứng dụng tại Việt Nam, đã gặp phải những khó khăn nhất định như hạ tầng cơ sở chưa sẵn sàng, công nghệ áp dụng chưa phổ biến nên tạo tâm lý e ngại cho người sử dụng, cần phải qua một quá trình tiếp nhận…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng cường mức độ khả thi của giao dịch qua mạng, thúc đẩy nhanh cải cách hành chính. Trước hết, cần quyết tâm của các cơ quan quản lý: Tài chính, Kho bạc, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Thời gian qua, từ những dự án như Tabmis, phối hợp Thuế-Kho bạc-Ngân hàng thu ngân sách, hệ thống nộp hồ sơ khai thuế qua mạng, khai báo hải quan qua mạng; từ Luật giao dịch điện tử, Luật thuế thu nhập cá nhân một sắc thuế mang tầm chiến lược cho kinh tế xã hội Việt Nam với sức ảnh hưởng sâu rộng của nó đến phần lớn người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước Việt Nam; đã cho thấy quyết tâm của nhà nước của các cơ quan ban ngành và cũng cho thấy một cơ hội để có thể cùng chung tay Giao dịch qua mạng và tận diệt thủ tục “hành là chính”.
Ngành Thuế: đã sẵn sàng
Về mức độ sẵn sàng của cơ quan quản lý, theo bà Hải Đường, Cục trưởng Cục Tin học - Tổng cục Thuế, khả năng ứng dụng công nghệ trong việc kê khai thuế, nộp thuế qua mạng hoàn toàn sẵn sàng.
Tuy nhiên, việc thực hịên trên thực tế có những khó khăn ban đầu bởi đây là giao dịch hoàn toàn mới, người sử dụng chưa hình thành thói quen áp dụng, chưa hiểu biết đầy đủ về các quy định quản lý chữ ký điện tử, nên còn e ngại, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Theo bà Hải Đường, việc triển khai kê khai thuế qua mạng sẽ thuận lợi cho cả đôi bên, trước đây khi gần đến hạn kê khai thuế, các DN cũng như người nộp thuế đổ đến cơ quan thuế rất đông, rất tốn kém và lãng phí thời gian, chi phí, nhân lực.
Việc sử dụng kê khai thuế qua mạng chính xác hơn thông qua các phần mềm có sẵn là hình thức kê khai, quản lý thuế hiện đại và giảm thiểu những phí tổn này.
Ngành thuế xây dựng dự án kê khai thuế qua mạng cách đây 2 năm, chính thức triển khai từ đầu 2009 và đã triển khai thành công tại 4 TP: HCM, Vũng Tàu, Hà Nội, Đà nẵng.
Hiện nay có gần 500 doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng, nhưng có khoảng 90% trong số trên đã thực hiện kê khai thuế qua mạng. Trong năm 2010, sẽ tiếp tục triển khai mở rộng thêm trên 6 tỉnh để đạt hơn 8000 doanh nghiệp.
Trong năm 2011, Cục Tin học sẽ nâng cấp hệ thống để mở rộng dự án trên cả nước và đưa thêm các dịch vụ điện tử khác vào hệ thống ngành thuế, bà Hải Đường cho biết.
Nên chăng coi đây là một cơ hội để các bên liên quan cùng vào cuộc, để giao dịch điện tử có chỗ đứng và phát huy đúng tiềm năng, tác dụng của nó? Mời quí đọc giả góp ý kiến tại đây, và có thể tham khảo mô hình khai thuế Online theo địa chỉ http://www.TTNCN.vn hoặc http://www.thuethunhap.vn hoặc http://www.taxonline.vn.
P.Thảo
Vietnamnet
|