USD yếu có thể gây nên lạm phát
Qua nghiên cứu và phân tích diễn biến tỷ giá của đồng USD trong thời gian gần đây cho thấy Mỹ có thể tiếp tục chính sách đồng USD yếu. Chính sách đồng USD yếu có lợi với Mỹ, không những tạo điều kiện tốt cho việc cải thiện cán cân thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn hỗ trợ cho việc giảm bớt nợ nước ngoài của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đồng USD yếu lại không có lợi đối với các nước đang phát triển.
Ảnh hưởng lớn nhất của chính sách đồng đôla Mỹ yếu đối với các nước đang phát triển là làm cho lạm phát có thể cao trở lại.
Trong thời gian qua, để đối phó với khủng hoảng kinh tế, tiền tệ, các nước đã thực hiện nhiều biện pháp ứng cứu mạnh mẽ chưa từng có. Riêng Mỹ đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 700 tỷ USD, Chính phủ Mỹ vay nợ nước ngoài trong năm tài khoá 2009 lên tới 1.800 tỷ USD, kèm theo đó là các chính sách nới lỏng tiền tệ, điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất có thể ( 0% ). Các biện pháp can thiệp của Mỹ và các nước Tây Âu đã tạo môi trường tốt cho lạm phát. Song điều đáng chú ý hơn đó là kết quả của các chính sách nói trên khác nhau. Kinh tế các nước Mỹ, Tây Âu tuy có dấu hiệu phục hồi song mức độ phục hồi rất chậm chạp, có nhiều yếu tố bất ổn định, do đó chưa xuất hiện các yếu tố và sức ép lên lạm phát. Ngược lại, Chính sách lãi suất thấp và đồng đôla yếu của Mỹ có thể tác động xấu và gây nên lạm phát đối với các nước đang phát triển vì các lý do sau đây:
- Sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển diễn ra nhanh hơn các nước Mỹ, Tây âu, trong khi đó các nước đang phát triển đang phải đối mặt với các biện pháp kích cầu, các chính sách nới lỏng tiền tệ, tín dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua.
- Nếu so sánh với mô hình kinh tế của các nước Mỹ, Tây Âu - kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào ngành dịch vụ, thì mô hình kinh tế các nước đang phát triển có sự khác biệt lớn. Mức độ phụ thuộc vào năng lượng, nguyên vật liệu của các nước đang phát triển lớn hơn các nước Mỹ, Tây Âu, kinh tế các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Do đó các nước đang phát triển sẽ chịu tác động mạnh hơn khi giá cả các hàng hoá tăng, nhất là trong bối cảnh đồng đôla Mỹ là đồng tiền định giá và thanh toán quốc tế bị mất giá.
Nói cách khác, đối với các nước đang phát triển, việc đồng đôla Mỹ tiếp tục mất giá có thể sẽ tạo nên sức ép lạm phát về chi phí đẩy, cộng thêm các biện pháp kích cầu trong nước đã thực hiện trong thời gian qua, sức ép lạm phát sẽ ngày càng gia tăng.
Phí Đăng Minh
SBV
|