Trung Quốc thong thả, thế giới nhấp nhổm
Năm 2009, Trung Quốc vượt Đức để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Trong khi đó, mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng tăng lên. Thông tin này được loan đi từ đầu tuần khiến thế giới lại một phen lo lắng.
Theo các nhà kinh tế, việc xuất khẩu của Trung Quốc và thâm hụt mậu dịch của Mỹ tăng mạnh cho thấy tác động của việc định giá đồng nhân dân tệ (yuan) yếu trong thời gian qua. Do đó, việc đồng tệ lên giá là một hành động cần thiết để nền kinh tế toàn cầu có thể hồi phục nhanh hơn.
Hầu hết các kinh tế gia tin rằng trong năm nay thế nào đồng yuan cũng phải tăng nhẹ. Tuần rồi, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng lãi suất trái phiếu chính phủ cùng với tăng tỷ lệ dự trữ bằng đồng yuan. Đó có thể là một dấu chỉ chuẩn bị cho việc tăng giá nhẹ đồng yuan.
Nhiều nước nổi giận
Có vẻ những điều chỉnh từ phía Trung Quốc khá “nhỏ giọt” nên nhiều nước đã không chờ đợi được nữa. Sự giận dữ đang lan toả trên thế giới. Chính phủ các nước cho rằng đồng yuan bị định giá thấp tạo nên lợi thế cho xuất khẩu của Trung Quốc nhưng lại bất lợi với các nước khác. Điều đó sẽ tổn hại đáng kể đến các nhà xuất khẩu trong Liên minh châu Âu.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ trích mạnh: “Sự mất trật tự trong chính sách tiền tệ đang trở nên không thể chấp nhận được”. Mới đây nhất, ông Karel De Gucht, tân chủ tịch uỷ ban Thương mại Liên minh châu Âu, cũng lên tiếng rằng: “Việc Trung Quốc định giá đúng đối với đồng yuan là điều quan trọng giúp cho kinh tế phục hồi. Sự quan trọng đó có ý nghĩa đối với tất cả các bên, cả cho Trung Quốc”.
Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ không có bất cứ dự định nào cho việc tăng giá đồng yuan. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kiên quyết khẳng định nước này sẽ không tăng giá đồng yuan trước áp lực của các quốc gia bên ngoài, thậm chí điều đó có thể giúp giảm đi áp lực lạm phát trong nước. Ông Ôn Gia Bảo cho rằng việc định giá thấp đồng yuan chỉ đơn thuần là chính sách tiền tệ riêng của họ, không liên quan gì đến việc phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Hai kịch bản: lắng nghe và chống đối
Trung Quốc công bố mức xuất khẩu tháng 12.2009 tăng 17,7%, và là tháng tăng trưởng đầu tiên sau 13 tháng suy giảm liên tiếp. Tính cả năm 2009, Trung Quốc xuất khẩu 1.200 tỉ USD hàng hoá, trong khi con số này của Đức chỉ ở mức 1.170 tỉ USD.
Trong khi đó, bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tháng 12.2009, ngân sách Liên bang đã thâm hụt 91,85 tỉ USD và đây là tháng thâm hụt thứ 15 liên tiếp.
Nếu Trung Quốc làm ngơ trước những phàn nàn từ các đối tác thương mại phương Tây, nguy cơ xảy ra các cuộc trả đũa thương mại. Khi kinh tế các nước đang dần phục hồi, các biện pháp cứng rắn hơn có thể được áp dụng. Mỹ đã nhanh chóng đáp trả bằng việc đánh thuế chống phá giá đối với vỏ xe và thép của Trung Quốc. Với đà này, nếu đồng USD cũng tiếp tục sụt giảm cả so với đồng euro thì áp lực lại càng lớn hơn đối với Liên minh châu Âu. Chắc chắn, những nhà hoạch định chính sách của cả Liên minh châu Âu lẫn Mỹ sẽ lao vào ăn miếng trả miếng.
Khi đó các nền kinh tế châu Á sẽ miễn cưỡng chống lại người láng giềng khổng lồ, dù họ phải gánh chịu nhiều nhất việc mất khả năng cạnh tranh trong bối cảnh đồng yuan bị định giá thấp. Một chuỗi phản ứng dây chuyền trên toàn cầu theo chủ nghĩa bảo hộ chống lại Trung Quốc sẽ dễ bị vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Khó có thể hình dung Trung Quốc sẽ đáp trả thế nào, với nguồn dự trữ hơn 2.000 tỉ USD.
Như thế, người ta chỉ còn biết trông chờ vào một kịch bản thứ hai, tức Trung Quốc sẽ biết lắng nghe các quốc gia khác. Một thoả thuận được hình thành trong nhóm các nền kinh tế lớn G20 về việc cân bằng thương mại toàn cầu. Khi đó, kinh tế thế giới mới may ra tránh được một cuộc chiến tranh thương mại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngô Minh Trí (WSJ, Business Week, Reuters)
Sài gòn tiếp thị
|