Thứ Tư, 13/01/2010 07:43

Người nhỏ chi tiêu lớn

Đại suy thoái kinh tế lần này đã cho thấy sức mạnh kinh tế trượt khỏi tay phương Tây nhanh hơn người ta nghĩ. Khi bắt đầu xảy ra giảm thuế ngoại thương, kiều hối, viện trợ, giá cả hàng hóa và tư bản nước ngoài trong năm 2009, tất cả đều đe dọa vị thế tài chính của các nước đang phát triển, nhất là chi tiêu xã hội của họ.

Đối với một số người, mối đe dọa này đã được cụ thể hóa: 20 quốc gia, chủ yếu ở Đông Âu, đã ký các thỏa thuận đề phòng với IMF và thắt chặt các chính sách tài chính. Nhưng nhìn chung, cách đối phó với khủng hoảng gắn liền với tình trạng bất ổn kinh tế trước đây đã được loại bỏ. Lần đầu tiên trong một cuộc suy thoái toàn cầu, các thị trường mới nổi đã tự do nới lỏng chính sách tài chính.

Một số nơi còn áp dụng các chương trình kích thích kinh tế hoành tráng. Phải kể tới đầu tiên là Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Kazakhstan, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Brazil và Chile cũng công bố các khoản ngân sách lớn chống khủng hoảng hoặc các chương trình chi tiêu bất thường. Tính trên GDP, các chi tiêu cho kích thích kinh tế của các thị trường mới nổi là thành viên nhóm G-20 lớn hơn nhiều chi tiêu tương tự ở các nước giàu thuộc nhóm này. Như vậy, các thị trường mới nổi đã làm nhiều hơn các đối tác phương Tây trong cuộc đấu tranh chống suy thoái toàn cầu. Ngay cả các nước không đủ khả năng cho các chương trình khẩn cấp cũng đã chấp nhận phá vỡ thế cân bằng tài chính của mình bởi các chi tiêu bất thường vẫn đang tiếp tục. Tại châu Phi, các nhà nhập khẩu dầu mỏ đã chấp nhận để thâm hụt ngân sách tăng từ 2,2% GDP năm 2008 lên tới 6% trong năm 2009.

Bằng việc chi tiêu cho bảo hiểm xã hội, các nước đang phát triển đã bảo vệ được một phần những người nghèo nhất của mình. Brazil đã mở rộng đối tượng được thụ hưởng chương trình hỗ trợ người nghèo, mang tên Bolsa Familia, từ hơn một triệu hộ gia đình tới 12 triệu hộ. Ấn Độ cũng mở rộng ra cả nước chương trình hỗ trợ việc làm 100 ngày, vốn áp dụng cho các công trình công cộng hàng năm, giờ đã mở ra tới bất kỳ hộ gia đình nào ở nông thôn mong muốn.

Chương trình kích thích kinh tế đồ sộ của Trung Quốc đã ngăn chặn thảm họa liên quan đến lực lượng lao động di cư. Một nửa trong số 140 triệu lao động đang làm việc ở các thành phố của Trung Quốc đã về quê hồi đầu năm 2008; 1/5 ở lại nhà và 1/5 khác không tìm được việc khi trở lại thành phố. Nhưng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã bắt đầu tăng, nên số việc làm cũng tăng; đến giữa năm, số người thất nghiệp là lao động nông thôn di cư đã giảm xuống còn dưới 3%. Ngoài Trung Quốc, nỗi lo ngại hỗn loạn xã hội gắn với người di cư thất nghiệp (như trong năm 1997-98) cũng đã không xảy ra. Một nghiên cứu tại 11 quốc gia, do Oxfam thực hiện, cho thấy người di cư đã có việc làm mới, thường với mức lương thấp hơn hoặc phải làm nhiều giờ hơn. Tại Việt Nam, một số đã phải nhận tiền của gia đình ở quê để trụ lại thành phố - một dạng chuyển tiền ngược. Nhưng không xảy ra tình trạng di cư ồ ạt về nông thôn.

Mềm dẻo là sức mạnh

Nghiên cứu của Oxfam chỉ ra rằng có vô số cách để các nước chống lại suy thoái. Khối lượng chuyển tiền gia tăng mạnh hơn dự kiến. Các gia đình không muốn con cái mình phải bỏ học, hoặc một số chuyển cho con từ học trường tư thục sang trường công lập. Một số thậm chí cắt giảm khẩu phần ăn của gia đình để cho con tiếp tục học hành.

Tình trạng thất nghiệp tại một số nền kinh tế là rõ nét, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu và khai mỏ. Nhưng phản ứng bình thường của sự sụt giảm cầu là cắt giảm giờ làm và lương công nhân, giảm các lợi ích và nhấn mạnh đến các điều kiện làm việc mềm dẻo. Nói cách khác, kết quả chính của suy thoái không phải là thất nghiệp (dù vẫn có) mà là một sự chuyển hướng sang các thị trường lao động mềm dẻo hơn.

Không rõ điều này sẽ kéo dài bao lâu. Các hệ thống chuyển tiền rất đắt đỏ: các nước nghèo hầu hết không thể chịu đựng nổi. Tệ hơn, những nước nghèo nhất lại bị tổn thương nhiều hơn những nước có thu nhập ở mức trung bình, bởi giá lương thực đã đạt đỉnh vào năm 2007-08: vì vậy, số người đói đã tăng tới 1 tỷ, mức cao nhất từ năm 1070.

Trong khi đó, lĩnh vực việc làm không chính thức (như giúp việc, bán hàng rong) bị tác động nặng hơn các lĩnh vực việc làm chính thức, và lại không phải là đối tượng được các chương trình chống nghèo đói của chính phủ hướng tới. Dù các nước đang phát triển đã làm hết sức mình, nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng người dân các nước này đã hoàn toàn thoát khỏi suy thoái.

Cần phải nói thêm rằng không phải mọi phản ứng của các chính phủ ở các nước đang phát triển đều tốt như nhau. Các nền kinh tế mới nổi là những nơi “cư trú” của chủ nghĩa bảo hộ mới. Nếu nhìn vào số lượng các biện pháp làm hại thương mại mà WTO đang xử lý, hoặc những lĩnh vực và các đối tác thương mại bị ảnh hưởng, thì Nga, Trung Quốc và Indonesia nằm trong tốp 5 nước bảo hộ mạnh nhất; Argentina nằm trong tốp 10.

Theo ông Simon Evenett, giáo sư thương mại tại trường đại học Saint Gallen của Thụy Sĩ, điều này không tệ hơn so với trong cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Chỉ bốn quốc gia áp dụng các hạn chế đối với hơn 1/4 các dòng sản phẩm của họ, các hàng rào thuế quan xuyên biên giới đã không trở thành mốt. Nhưng khi tăng trưởng trở lại và các cuộc tranh giành thị phần gia tăng, các hạn chế này có thể gây ra những tranh cãi thương mại gay gắt hơn.

Một năm sau khi sự sụp đổ của phương Tây bắt đầu lan rộng tới các thị trường mới nổi, rõ ràng suy thoái là cơ hội dẫn tới sự sụt giảm trong lĩnh vực xây dựng, một động lực lớn trong sự chuyển động ngầm của sức mạnh kinh tế theo hướng thoát khỏi các nước giàu để đến các thị trường mới nổi.

Theo Goldman Sachs, từ năm 2007, những nền kinh tế mới nổi lớn nhất – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – đóng góp 45% vào tăng trưởng toàn cầu, gần gấp đôi trong năm 2000-2006 và gấp ba so với những năm 1990. Người ta thường nói rằng dù các thị trường mới nổi đang đóng góp một phần ngày càng lớn vào tăng trưởng của thế giới, song họ có thể không trở thành động cơ thực sự cho nền kinh tế thế giới vì thị trường cuối cùng cho hàng hóa xuất khẩu của họ nằm ở Mỹ. Nhưng lập luận này giờ đã không còn thuyết phục khi Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường chính cho hàng hóa của các nước xuất khẩu nhỏ hơn ở châu Á.

Các cuộc suy thoái trước đã làm hoen ố danh tiếng về quản lý kinh tế của hầu hết các nước đang phát triển và khiến họ gặp khó khăn khi vực dậy các thị trường vốn. Lần này, chính danh tiếng của các nước giàu bị hủy hoại. Cách đối phó với suy thoái của nhiều nền kinh tế mới nổi đã củng cố uy tín của họ, và khiến họ càng nổi tiếng hơn về sự thận trọng tài chính. Tỷ lệ nợ trên GDP của 20 nền kinh tế mới nổi lớn nhất chỉ bằng một nửa của 20 nước giàu nhất thế giới. Trong những năm tới, nợ của các nước giàu sẽ tiếp tục tăng, trong khi nợ của các nền kinh tế mới nổi vào năm 2014 sẽ chỉ còn tương đương 1/3 mức hiện nay. Đã có những dấu hiệu cho thấy các thị trường tài chính đang đền đáp lại cho họ vì những hành động tốt.

Quốc Thái (theo Economist)

Tuần việt nam

Các tin tức khác

>   Nga thưởng tiền cho người mua ôtô mới (12/01/2010)

>   Năm 2009 Airbus xuất xưởng lượng máy bay kỷ lục  (12/01/2010)

>   Heineken "thâu tóm" hãng giải khát của Mexico (12/01/2010)

>   Các thị trường mới nổi đã thoát khỏi suy thoái ngoạn mục (12/01/2010)

>   Trung Quốc chính thức thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới (11/01/2010)

>   Công nghiệp chủ chốt của Campuchia phục hồi mạnh (11/01/2010)

>   JAL không lập quan hệ tài chính với hàng không Mỹ (11/01/2010)

>   Trung Quốc định chi 145 tỷ USD cho đầu tư công (11/01/2010)

>   Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á (11/01/2010)

>   Châu Âu: Sẽ có mạng lưới điện xanh xuyên biên giới (11/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật