Các thị trường mới nổi đã thoát khỏi suy thoái ngoạn mục
Các nước đang phát triển đã thoát khỏi suy thoái nhanh hơn mọi dự báo. Điều này sẽ có tác động sâu sắc tới phần còn lại của thế giới. Đó là nhận định của tờ Economist trong số ra ngày 30/12 vừa qua. Tuần Việt Nam xin giới thiệu tới bạn đọc nội dung bài viết.
Các hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ cuộc Đại suy thoái đã nhẹ hơn dự báo. Tại các nước đang phát triển, ít nhất các chính phủ đã không bị sụp đổ như sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997-1998. Họ không phải vật lộn với việc người dân xuống đường biểu tình như ở châu Âu trong những năm 1930. Các chương trình bảo vệ xã hội cũng bám trụ được mà không bị tổn thương nhiều. Có nhiều sự thay đổi về chính sách kinh tế, song phải thừa nhận là không có sự rút lui một cách hoảng sợ vào sự cô lập hay chủ nghĩa dân túy. Tất nhiên không phải tin tốt lành này đến với các nước đều như nhau, một số nước đã vượt qua cơn bão thành công hơn các nước khác. Và đây mới chỉ là các tác động ban đầu, mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn. Song, dù sao đà phục hồi đang hiện rõ.
Đây là điều không thể dự báo cách đây một năm, khi mà dường như mọi thứ diễn ra theo quy luật bình thường, tức là mỗi khi thế giới giàu “hắt hơi” thì các nước đang phát triển "cảm lạnh". Trong quý IV/2008, khi các nền kinh tế giàu tăng trưởng -5% đến -10%/năm, GDP thực giảm xuống mức trung bình 15% tại một số nền kinh tế năng động nhất thế giới, trong đó có Singapore, Hàn Quốc và Brazil. Mức sụt giảm sản lượng công nghiệp ở Đài Loan – giảm 1/3 trong năm 2008 – còn tồi tệ hơn mức giảm thấp nhất của Mỹ trong cuộc Đại suy thoái đầu thế kỷ trước.
Các thị trường mới nổi phải chịu đựng các tác động không giống nhau bởi các mối liên hệ tài chính và thương mại của họ với phương Tây là khác nhau. Xuất khẩu hàng năm của các con hổ châu Á trong quý IV tồi tệ của năm ngoái đã sụt giảm một nửa; các dòng vốn tới các thị trường mới nổi đã “đổi hướng” khi các ngân hàng phương Tây bị mất “đòn bẩy”. Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một cơ quan cố vấn tài chính ở Washington, dự báo các dòng vốn tư nhân thực đổ vào các nước nghèo trong năm 2009 sẽ giảm 72% so với mức cao nhất trong năm 2007 – một sự sụt giảm mạnh chưa từng thấy.
Bước vào năm 2009, mọi dự báo đều tồi tệ. Ai cũng nói tới “sự cáo chung của toàn cầu hóa”. Một số người cho rằng các thị trường mới nổi sẽ khép mình để tự vệ, tránh khỏi “căn bệnh tài chính” lây lan của phương Tây. Trong khi một số khác dự báo hàng trăm triệu người sẽ bị chìm trong nạn đói. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn bày tỏ lo lắng rằng nếu các chính phủ không hành động đúng lúc và đúng cách, sẽ dẫn tới tình trạng náo loạn dân sự, thậm chí cả chiến tranh.
Đầu năm 2010, đúng là số người nghèo đã lên tới con số hàng tỷ, nhiều nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, các dự báo khác xem ra đã ảm đạm thái quá. Trong khi ba tháng cuối năm 2008 chứng kiến hết thảm kịch này đến thảm kịch khác, cuối năm 2009 lại là một thời kỳ phục hồi lành mạnh, có thể đo được bằng lượng vốn, trái phiếu và cổ phiếu chứng khoán.
Trong năm 2009, các thị trường chứng khoán lớn nhất của các nước đang phát triển đã lấy lại được toàn bộ những gì đã mất trong năm 2008. Tháng 10/2009, phần góp vốn hàng tháng vào các quỹ trái phiếu của thị trường mới nổi đã đạt con số cao kỷ lục kể từ khi người ta theo dõi các số liệu này vào năm 1995. Ngân hàng Trung ương Nga ước tính nước này có thể thu về 20 tỷ USD tiền góp vốn từ nước ngoài trong quý IV/2009, trong khi lượng tiền đầu tư ra bên ngoài khoảng 60 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. IIR đã phải tính lại dự báo của mình rằng các dòng tư bản tư nhân thực đổ vào các nước đang phát triển sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2010, đạt 672 tỷ USD (tuy vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục từng đạt được). Nhiều lượng tiền mới đang dồn về các thị trường mới nổi.
Sự "điên rồ" này rất có thể sẽ châm ngòi cho một bong bóng tài chính mới. Nhưng trong vai trò là một giải pháp, nó đang tỏ ra đúng đắn. Nhiều nước từng ở trong tình trạng thảm họa hồi đầu năm 2009 thì đến cuối năm 2009 đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư. Sự thay đổi 360 độ này cho thấy một thành quả phục hồi kinh tế trong suy thoái, và cũng phản ánh sự gắn kết tuyệt vời giữa chính trị và xã hội.
Lý do kinh tế chủ yếu giải thích cho điều này là các thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái ở thế giới giàu ít hơn dự đoán hồi đầu năm 2009. Những nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đã không bị rơi vào suy thoái, mà chỉ chứng kiến tăng trưởng chậm lại. Brazil và các con hổ châu Á thì phải chịu cảnh sản lượng sụt giảm nhưng cũng phục hồi nhanh. Trong khi đó các quốc gia Baltic rơi vào suy thoái; Mexico cũng chịu cảnh này do phụ thuộc vào Mỹ; các nước Đông Âu bị tác động nặng nề hơn châu Á.
Nhìn chung, sự sụt giảm sản lượng tại các thị trường mới nổi trong năm 2007 nhiều hơn một chút so với trong cuộc khủng hoảng châu Á 1997-98, song lại ít hơn dự đoán và ít hơn nhiều so với sự sụt giảm của GDP thế giới. Các thị trường mới nổi được hưởng lợi từ các chương trình kích thích kinh tế do các chính phủ của họ thực hiện, cũng như từ các chính sách tích cực ở các nước giàu. Những gói trợ cấp được tung ra tại các nước giàu cùng với các chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp ngăn chặn nguy cơ hoảng loạn về tài chính trên toàn thế giới và giúp duy trì xuất khẩu cũng như tài sản của các thị trường mới nổi. Thêm vào đó, quỹ dự trữ ngoại hối của một số nước đang phát triển đã được tăng cường từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Sự ổn định đáng ngạc nhiên
Sự phục hồi kinh tế này đã đem lại lợi ích lớn về chính trị và xã hội. Về chính trị, cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua chỉ dẫn tới sự sụp đổ của một chính phủ duy nhất trong các thị trường mới nổi: đó là chính phủ Latvia (chính phủ Aixlen cũng sụp đổ). Các chính phủ Đông Âu khác đã phải chịu sức ép lớn, đặc biệt là ở Hungary.
Trong khi đó, hai nền kinh tế mới nổi lớn nhất - Ấn Độ và Indonesia – đã tiến hành bầu cử trong năm 2009 với chiến thắng đều thuộc về đảng cầm quyền ở cả hai nước. Tại một “gã khổng lồ” mới nổi khác là Brazil, đương kim Tổng thống Luis Inácio Lula da Silva, sẽ mãn nhiệm vào năm 2010, vẫn nhận được sự ủng hộ 60% của dân chúng trong suốt năm 2009. Cuộc khủng hoảng toàn cầu dường như đã củng cố thêm chứ không làm yếu đi uy tín của các chính phủ ở các nước này, có lẽ vì khủng hoảng kinh tế được cho là bắt đầu ở một nơi khác và đã được xử lý hiệu quả.
Điều này hoàn toàn khác với những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng châu Á 1997-98. Tình trạng hỗn loạn lan rộng xuất phát từ sự phá giá bất ngờ của đồng tiền đã dẫn tới sự sụp đổ chính quyền của Tổng thống Suharto, người tại vị suốt 30 năm liền tại Indonesia. Đồng tiền mất giá thêm vào nỗi bất bình của dân chúng ở Philippines, dẫn tới sự mất tín nhiệm của Tổng thống Joseph Estrada. Cảm giác bất mãn cũng lan rộng tại Thái Lan, nơi hàng triệu công nhân mất việc và bị đe dọa phải trở về nhà ở nông thôn. Sụp đổ tài chính ở Nga cũng dẫn tới khủng hoảng chính trị với sự ra đi của Thủ tướng Sergei Kiriyenko. Chỉ trong hai năm 2001-2002, Argentina vỡ nợ và phải thay tới ba tổng thống trong 10 ngày. (Người dân nước này khi đó còn đùa: “Bạn đã làm gì trong dịp Giáng sinh? – Tôi đã làm Tổng thống”.) Tại nhiều nước khác, các chính phủ phản ứng với căng thẳng tài chính bằng cách áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng khẩn cấp, và điều này đã đặt họ trước thách thức của những cuộc náo loạn trên đường phố. Tuy nhiên, cảnh tượng này rất hiếm trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Điều đáng chú ý thứ hai là cuộc khủng hoảng hiện nay được cho là sẽ không gây ra thay đổi căn bản nào trong dư luận. Không hề bùng phát chủ nghĩa bi quan, hay bất kỳ phản ứng dữ dội đáng kể nào chống lại chủ nghĩa tư bản và các thị trường tự do. Chính vì vậy, tình hình chính trị thời gian qua khá ổn định.
So với phương Tây, người dân ở các thị trường mới nổi hầu như đều có tâm trạng vui vẻ. Theo kết quả thăm dò do Dự án nghiên cứu Thái độ toàn cầu, có trụ sở ở Washington thực hiện, hơn 40% người được hỏi tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cho biết họ hài lòng với cuộc sống hiện tại (ở Trung Quốc là 87%). Trong khi tại Pháp, Nhật Bản và Anh, con số này dưới 30%. Điều này là bất thường: các con số “hài lòng về cuộc sống” thường tỷ lệ thuận với thu nhập, nhưng mức thu nhập ở các nền kinh tế mới nổi hiện nay thấp hơn so với năm 2002-03. Sự đảo ngược mô hình này có thể phản ánh cảm nhận ở các nước trên về một sự phục hồi nhanh chóng.
Tất nhiên, các cuộc thăm dò cũng cho thấy một số xu hướng lo âu. Một nghiên cứu về Bangladesh, Indonesia, Jamaica, Kenya và Zambia do Viện Nghiên cứu phát triển của đại học Sussex thực hiện cho thấy người dân ở đây tiết kiệm ít hơn, hội hè ít hơn và nghĩ rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ không còn như xưa. Mọi người cũng cho rằng trẻ em và người già đang bị lãng quên nhiều hơn. Tuy nhiên, những lo ngại như vậy cũng đang ngày càng lớn ở các nước giàu.
Thái độ của người dân tại các nền kinh tế mới nổi vừa bất thường vừa logic. Để hiểu được điều này, hãy so sánh những gì đang xảy ra ở đó với các xu hướng ở nhiều nước phương Tây. Chẳng hạn, người Mỹ dường như muốn theo chủ nghĩa biệt lập. Thăm dò của viện Pew cho thấy 49% người Mỹ hiện giờ nghĩ rằng nước họ nên tập trung vào việc của mình. Con số này nhiều hơn 30% so với kết quả thăm dò tương tự vào năm 1964. Theo ông Jim Lindssay, thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, cuộc Đại suy thoái thế kỷ trước đã mở ra một thời kỳ xét lại, kéo dài tới khi nổ ra cuộc đại chiến thế giới hai, trong khi đó các nước đang phát triển hiện nay không phải chịu cơn giận giữ hay nỗi thất vọng tương tự.
Sự phục hồi nói trên định hình thái độ của công chúng đối với thị trường. Chuyên gia Arvind Subramanian, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Petersen của Washington, lập luận rằng cuộc suy thoái hiện nay không đặt ra một câu hỏi lớn nào về vai trò của thị trường tại các quốc gia đang phát triển. Khi được hỏi “Bạn có sống tốt hơn trong các thị trường tự do không?”, người dân ở các nền kinh tế mới nổi trả lời “có” nhiều hơn ở các nước giàu. Tỷ lệ những người được hỏi cho rằng trong năm 2009 họ đang có cuộc sống tốt hơn đã giảm 4% ở Đức, 10% ở Tây Ban Nha. Tại hầu hết các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ này thậm chí còn tăng (ở Ấn Độ và Trung Quốc) hoặc được duy trì (Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ). Không có dấu hiệu nào của sự phản ứng chống lại chủ nghĩa tư bản ở những nước này.
Sự kết hợp giữa ổn định chính trị và thái độ bình tĩnh của dân chúng đã đem tới cho các thị trường mới nổi cái có thể gọi là “không gian chính sách” để hành động. Giới chức các nước này đã sử dụng hết công suất không gian đó và hầu hết đều vì cái tốt đẹp hơn. Điều này đã càng nâng cao danh tiếng của họ trong cách quản lý kinh tế.
Quốc Thái (theo Economist)
tuần việt nam
|