Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á
Quan tâm đến việc đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng và đến việc tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á, Trung Quốc đã tiến được một bước quan trọng hôm 14.12.2009, qua lễ khánh thành một đường ống dài 1.833km dẫn khí đốt từ Turkmenistan đến Tân Cương, rồi kết nối vào mạng lưới của Trung Quốc đến tận Thượng Hải cách đó hơn 4.000km về phía đông.
Trung Quốc bắt đầu nhận khí đốt tự nhiên từ Trung Á
Buổi lễ có sự tham dự của các nguyên thủ Trung Quốc, Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan. Khởi công vào tháng 7.2008 và được hoàn thành rất nhanh, đường ống dẫn khí đốt xuyên Trung Á này, nối Turkmenistan với một thị trường khác ngoài Nga, thể hiện sự thắng lợi của chiến lược thâm nhập kinh tế của Bắc Kinh ở vùng Trung Á. Cho đến gần đây, Nga gần như chiếm độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Trung Á nhờ hệ thống đường ống được xây từ thời Liên Xô. Riêng Turkmenistan xuất khẩu mỗi năm đến 50 tỉ m3 khí đốt sang Nga. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Turkmenistan được thực hiện trong khi có sự tranh cãi giữa Turkmenistan và công ty dầu khí Nga Gazprom sau khi chủ tịch của Turkmenistan tố cáo Gazprom gây ra vụ nổ đường ống của Nga vào tháng 4.2009 để không phải mua khí đốt của Turkmenistan đúng theo cam kết.
Vẫn là con bài tín dụng
Nhờ sự hiện diện năng động ở Kazakhstan, Trung Quốc đã cấp nguồn tín dụng dồi dào cho các nước Trung Á đang bị khó khăn do thời giá của các nguyên liệu suy giảm, để đổi lấy các dự án khai thác năng lượng và xây dựng các cơ sở hạ tầng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã biến Trung Á thành một vùng chủ chốt cho sự bành trướng của Bắc Kinh. Ở Kazakhstan, tập đoàn dầu khí Trung Quốc China National Petroleum Corporation (CNPC) hiện chiếm được đến 67% vốn của công ty PetroKazakhstan, và vừa kiểm soát được MangistauMunaiGaz, công ty lớn thứ tư về dầu khí của Kazakhstan, nhờ đã cung cấp 10 tỉ USD tín dụng cho nước này.
Turkmenistan sẽ xuất sang Trung Quốc 6 tỉ m3 khí đốt vào năm 2010 và sẽ dần đạt đến 40 tỉ m3 vào năm 2015, tức chiếm một nửa lượng khí đốt mà Trung Quốc tiêu thụ hiện nay. Song hành với đường ống vừa xây xong, một đường ống khác đang được xây. Cả hai đường ống đều do CNPC thực hiện để dẫn khí đốt họ đang khai thác ở vùng Bagtyyarlyk.
Từ năm 2011, một đường ống sẽ vận chuyển mỗi năm 20 triệu tấn dầu từ các mỏ ở biển Caspian về Tân Cương. Trung Quốc cũng đang thương lượng về việc khai thác uranium ở Kazakhstan. Còn Turkmenistan thì được Trung Quốc cho vay 3 tỉ USD để thăm dò khí đốt ở vùng Nam Yolotan - Osman, gần biên giới Afghanistan, nơi Trung Quốc đang dòm ngó. Trung Quốc cũng rất năng động ở Kirghizistan, với nhiều dự án về cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ.
Đối với Trung Quốc, sự phát triển kinh tế sẽ bảo đảm tốt nhất cho sự ổn định ở Trung Á và điều đó sẽ rất thuận lợi cho sự bảo vệ Tân Cương đã bị rối loạn do các cuộc đụng độ Hán - Hồi vào tháng bảy vừa rồi. Trung Quốc cũng muốn biến Tân Cương thành trung tâm thương mại và công nghiệp của Trung Á bởi vì đây là nơi quá cảnh của các hàng hoá mà Trung Quốc xuất sang vùng này.
Nga bị qua mặt
Năm 2001, Matxcơva và Bắc Kinh đã lập ra tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), cơ quan liên chính phủ, một phần nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây và NATO ở Trung Á.
Tại hội nghị thượng đỉnh Bishkek năm 2007 của OCS, đương nhiệm Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã cố sức lập ra một câu lạc bộ về năng lượng – theo kiểu OPEC – ở Trung Á nhằm giữ độc quyền xuất khẩu dầu khí của vùng này sang phương Tây. Sự bành trướng quá nhanh của Trung Quốc ở Trung Á dường như đang trở thành một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Nga trong vùng này. Chẳng hạn trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Georgia năm 2008, Trung Quốc đã thuyết phục được các nước thuộc OCS có lập trường trung lập và điều đó đã gây ra bất hoà giữa họ với Nga.
Theo phân tích của Chris Weafer, thuộc ngân hàng Nga Uralsib, nếu mức cầu về dầu khí của châu Âu lại tăng nhanh trong thời gian tới, Gazprom sẽ không thể dùng các trữ lượng của Trung Á. Chính vì thế Nga đang phải cấp tốc thực hiện các dự án lớn như khai thác trữ lượng khí đốt khổng lồ ở bán đảo Yamal (Siberia).
Nguyên Thanh
Sài Gòn Tiếp thị
|