Thứ Sáu, 15/01/2010 09:16

Gọi vốn cho quỹ lướt sóng sử dụng mô hình Quant:

Hào hứng nhưng vẫn băn khoăn

Ngày 14.1, Cty quản lý quỹ đầu tư VN (VFM) đã tổ chức lễ ra mắt Quỹ đầu tư năng động (VFA) tại Hà Nội nhằm kêu gọi vốn. Trong tổng số vốn dự kiến 300 tỉ đồng thì các tổ chức đã cam kết 200 tỉ đồng.

Thêm một quỹ gọi vốn vào chứng khoán Việt Nam

Với NĐT cá nhân, việc mua chứng chỉ quỹ có thể là một lựa chọn, nhưng mức độ hiệu quả của quỹ đến đâu thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

Hấp dẫn nhờ cách chia lợi nhuận

Rất đông NĐT đã tham gia buổi giới thiệu quỹ VFA mà một phần là sự hào hứng tìm hiểu về mô hình đầu tư phân tích định lượng (Quant) đang được quảng bá như một kỹ thuật đầu tư hiệu quả, tiên tiến trên thế giới.

Mặt khác, đây là lần đầu tiên trên TTCKVN xuất hiện chính thức một quỹ đầu tư theo xu hướng mà nói nôm na là lướt sóng, dù thực tế tần suất lướt sóng ít hơn nhiều lối chơi của NĐT cá nhân.

Theo thông tin từ VFM thì hệ thống giao dịch được thiết kế dự kiến sẽ tạo ra 3-4 tín hiệu mua bán trong một năm theo chỉ số VN-Index. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự cẩn trọng trong việc thiết kế các chỉ báo.

Trên TTCK VN hiện có 4 quỹ đã niêm yết chứng chỉ nhưng cả 4 loại chứng chỉ này đều ít nhận được sự chú ý của NĐT mà biểu hiện rõ nhất là giá được xác định thấp hơn nhiều giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ. Với ngay hai quỹ đang niêm yết của VFM trên HoSE là VF1 và VF4, thị giá hằng ngày cũng thấp hơn nhiều NAV.

Một trong những nguyên nhân là do đây là các quỹ đầu tư dài hạn, NAV thường thay đổi theo thị trường do chưa hiện thực hóa lợi nhuận. Để hấp dẫn NĐT cũng như tạo thanh khoản tốt cho VFA (vì cũng sẽ niêm yết sau khi đóng quỹ), quỹ này áp dụng chính sách chia lợi nhuận ngay. Theo cam kết của VFM, trong trường hợp có lãi, quỹ sẽ chia tối thiểu 50% lợi nhuận đã chuyển thành tiền mặt cho cổ đông.

“Chẳng hạn chúng ta có 10.000đ đầu năm, cuối năm thành 13.000đ thì NĐT có thể chắc chắn sẽ được chia tối thiểu 1.500đ. Khi đã kết nối được quyền lợi trực tiếp của NĐT với sản phẩm quỹ thì khi đó NĐT sẽ không thờ ơ với con số NAV nữa”, ông Phạm Khánh Lynh, Phó TGĐ VMF cho biết.

Theo ý kiến của một số NĐT tham dự, điều thú vị với quỹ này là lối chơi lướt sóng, hiện thực hóa lợi nhuận theo “phi vụ”. Các quỹ khác quá dài hạn khiến NĐT không cảm thấy hấp dẫn dù tính theo năm thì vẫn có tăng trưởng. Với một thị trường nhiều sóng như ở VN, việc bỏ qua các cơ hội chốt lời ngắn hạn sẽ làm cho NĐT “mất hứng”. Mặt khác, chứng chỉ quỹ cũng niêm yết tạo cơ hội thanh khoản tốt.

Quant có hữu dụng?

Môt hình Quant thực tế không có gì mới và cũng được sử dụng phổ biến trên thế giới. Chỉ có ở VN mô hình này mới đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm. Theo ông Tân, VFM là Cty quản lý quỹ đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng mô hình này và đội ngũ nhân sự được xem là ưu tú nhất. Tại buổi ra mắt, đại diện VFM đưa ra một kết quả thử nghiệm (back-testing) rất thuyết phục với tỉ suất lợi nhuận bình quân tới gần 100%/năm và tỉ lệ phán đoán đúng là 70% cho số liệu 4 năm trở lại đây. Kết quả này đại diện VFM cho biết, phải “rất đắn đo mới công bố”.

Dù vậy, hiệu quả của ứng dụng mô hình này đến đâu cũng chính là điều mà NĐT băn khoăn. Quant là sự phối hợp rất phức tạp các kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên, liệu chiến thuật này có phát huy tác dụng được ở một thị trường như VN hay không?

Theo ý kiến từ đội ngũ phát triển của VFM, mô hình này đã được “Việt hóa” theo những đặc trưng của thị trường mới nổi và có bổ sung kinh nghiệm thực tế. Quant cũng có hiệu quả ở nhiều thị trường mới nổi khác tương tự VN.

Theo ý kiến của chuyên viên phân tích một CTCK, vẫn khó có thể thuyết phục rằng mô hình dành cho những thị trường đã phát triển lại có thể xử lý được những thông tin kiểu nội gián hay làm giá. Rất nhiều quỹ nước ngoài được trang bị đầy mình công cụ và kinh nghiệm cũng vẫn “thương vong” như thường ở VN. Hệ thống đưa ra tín hiệu mua bán về cơ bản vẫn theo các phân tích kỹ thuật mà không ít đồ thị giá CP có thể được “vẽ” rất đẹp.

Ngoài ra, khả năng mất thanh khoản là điều đáng sợ nhất, vì những khi lên xuống “cả giàn” thì NĐT muốn chạy cũng không được. Đó là chưa kể đến mô hình này cần thử nghiệm để chỉnh sửa liên tục trên chuỗi số liệu đủ dài, trong khi thị trường VN chỉ thực sự sôi động và thanh khoản tốt một vài năm gần đây.

Giải đáp những thắc mắc của NĐT, đại diện VMF khẳng định những rủi ro đó đã được tính đến và hệ thống giao dịch chỉ đưa ra tín hiệu mua khi xu hướng được xác định và bán khi chắc chắn đảo chiều. Quy mô của quỹ cũng chỉ có 300 tỉ đồng, thậm chí nhỏ hơn cả một số NĐT cá nhân lớn nên thanh khoản không đáng ngại. Ngoài ra, cũng có cơ chế cắt lỗ hoặc tái đầu tư khi tín hiệu sai.

Điểm khá thú vị là mặc dù sử dụng hệ thống tự động đưa ra tín hiệu mua bán để tránh yếu tố cảm tính, nhưng đại diện VMF cho biết “máy móc chỉ là hỗ trợ, con người là quyết định”: “Hằng ngày vẫn có bộ phận đầu tư, ban GĐ xem xét các quyết định đầu tư. Ví dụ một chỉ báo đưa ra nên đầu tư, nhưng tới thời điểm đó nếu nhận thấy thông tin nhiễu có thể ảnh hưởng đến quá trình đầu tư thì chúng ta vẫn điều chỉnh”.

Hoàng Nguyên

Lao động

Các tin tức khác

>   Cẩn trọng đua theo cổ phiếu “hot” (15/01/2010)

>   Chuyên gia chứng khoán đánh giá cao cổ phiếu bất động sản (14/01/2010)

>   Năm 2010: VN Index có thể đạt mức 700 điểm (14/01/2010)

>   Nhìn lại một năm giao dịch trực tuyến (14/01/2010)

>   VIT chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2010 (14/01/2010)

>   PET sắp khởi công dự án Petrosetco Tower  (14/01/2010)

>   CTG tài trợ 250 tỷ đồng vào dự án Savico Plaza Hanoi (14/01/2010)

>   Thị trường đang trong… "phần thân cá" (14/01/2010)

>   VE1 chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2010 (14/01/2010)

>   Thêm một quỹ gọi vốn vào chứng khoán Việt Nam (14/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật