Thứ Sáu, 15/01/2010 06:04

Cẩn trọng đua theo cổ phiếu “hot”

Thời gian qua, có những cổ phiếu (CP) tăng mạnh bất chấp xu hướng thị trường và trở thành tâm điểm trên sàn khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) đua theo.

Tăng chóng mặt

Đứng đầu trong số này phải kể đến mã chứng khoán SQC của CTCP khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn. SQC chào sàn Hà Nội vào ngày 17.12.2009 với giá 81.000 đồng/CP. Sau phiên chào sàn, SQC đã có 12 phiên tăng trần liên tục và đến phiên giao dịch hôm qua, CP này đóng cửa ở 149.500 đồng/CP. So với thời điểm chào sàn, mức tăng đã lên tới gần 100% giá trị chỉ trong chưa đầy một tháng.

Trong cùng thời gian từ ngày 17.12.2009 đến nay, VIS - CTCP thép Việt Ý đã tăng từ 58.000 đồng/CP lên mức 103.000 đồng/CP. Đây không phải là lần đầu tiên VIS tăng liên tục kéo dài hơn 2 tuần lễ, vượt qua cả những “quy luật” tăng giảm thông thường của hàng loạt CP khác trên sàn. Tất nhiên, tăng bất thường thì giảm cũng khốc liệt. Trước đó, VIS đã lao dốc từ 144.000 đồng/CP vào giữa tháng 10.2009 xuống mức 58.000 đồng/CP như nói trên. Với các thành tích này, VIS được mệnh danh “siêu hot” trên sàn TP.HCM.

Ngoài ra, có thể kể đến S96 của CTCP Sông Đà 9.06 đang giao dịch trên sàn Hà Nội. S96 đã có 12 phiên tăng trần liên tục, đưa giá CP này từ mức 43.500 đồng/CP lên đến 92.200 đồng/CP trong chưa đầy một tháng từ ngày 17.12.2009 đến ngày 5.1.2010. Chưa hết "trớn", sau khi chia cổ tức và phát hành thêm CP để tăng vốn, giá CP của S96 lại tiếp tục 7 phiên tăng trần liên tiếp tính đến phiên giao dịch hôm qua. Hay như ITC - CTCP đầu tư và kinh doanh nhà trên sàn TP.HCM cũng đã tăng khá mạnh từ giá 61.000 đồng/CP lên mức 95.500 đồng/CP từ giữa tháng 12 đến ngày 7.1 (sau đó giảm đến hôm qua ngày 14.1 còn giá 92.000 đồng/CP).

Nhưng “cơn sóng” khủng khiếp nhất phải kể đến là KSH của CTCP Tập đoàn khoáng sản Hamico. Trong vòng chưa đầy 2 tháng từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10.2009, KSH tăng từ 18.000 đồng/CP đến 93.000 đồng/CP, tăng gần 500% giá trị. Nhưng sau đó hàng loạt NĐT đã gặp "ác mộng" khi KSH lao dốc không phanh về giá 29.500 đồng/CP cũng trong vòng chưa đầy 2 tháng sau đó. Khi thị trường chứng khoán hồi phục thì KSH lại quay đầu và tăng một mạch 14 phiên tăng trần lên  đến 56.500 đồng/CP đến phiên giao dịch ngày 14.1.

Có yếu tố làm giá

Tăng mạnh, các CP này là nhóm "tạo sóng" trên thị trường trong thời gian vừa qua và lôi kéo rất nhiều NĐT vào cuộc đua lệnh. Chị Thu An - một NĐT trên sàn ACBS cho rằng, cứ có "sóng" thì phải mua "ăn theo", lý do "tính sau". Do đó chị cũng đã "đua lệnh" để mua vào SQC dù chỉ khớp được ở số lượng nhỏ khi giá sát mức 110.000 đồng/CP. Đến giá gần 140.000 đồng/CP, chị bán ra và đợt lướt sóng ngắn này cũng mang về cho chị lợi nhuận đến 30%. Theo phân tích của NĐT này, nguyên nhân đầu tiên có thể khiến SQC tăng giá như vũ bão chính là lượng cung CP những ngày đầu tiên rất hiếm. Trong 4 phiên giao dịch kể từ ngày chào sàn, lượng bán CP chỉ ở mức nhỏ giọt, chưa tới 10.000 CP trong khi lượng cầu ồ ạt đưa vào.

Nghịch lý là trong khi giá CP trên sàn tăng như vũ bão thì kết quả kinh doanh và lợi nhuận của SQC lại khá nhỏ bé so với vốn điều lệ cũng như so với mức giá CP đang giao dịch hiện nay. Theo bản cáo bạch chào sàn của SQC, 9 tháng đầu năm 2009 công ty đạt doanh thu 108,11 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 22,22 tỉ đồng. Dự kiến cổ tức năm 2009 là 7,5%/vốn điều lệ và 20% trong năm 2010. Tương tự là trường hợp của KSH. Với vốn điều lệ 116,9 tỉ đồng nhưng doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 39,7 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 13,1 tỉ đồng. Những con số thực sự không hề ấn tượng so với sự tăng trưởng vượt bậc của giá CP KSH trên sàn.

Tăng chóng mặt, tạo ra mức lợi nhuận quá cao chỉ trong một thời gian ngắn của những CP “hot” nói trên khiến cho không ít NĐT chấp nhận rủi ro để mua vào và bỏ qua hết những chỉ số cơ bản của CP đó. Ví dụ, ITC có P/E ở mức gần 22 lần, P/E của KSH hơn 30 lần, P/E của LBM gần 23 lần... Tất nhiên không ít trường hợp NĐT bị "sóng đè" khi "ôm hàng" ở giá cao vì khi giảm giá, các CP trên cũng sẽ có mức giảm sâu nhất trong thời gian ngắn nhất. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng dù biết giá CP đó đã tăng quá phi lý nhưng nhiều NĐT vẫn sẵn sàng mua theo với hy vọng “mua cao bán được cao hơn”. Vì hầu hết các CP tăng liên tục như trên có thể đều do những bàn tay nào đó đạo diễn để làm giá. Do đó tự bản thân NĐT phải biết kiềm chế lòng tham để khỏi bị “tiền mất tật mang”.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Chuyên gia chứng khoán đánh giá cao cổ phiếu bất động sản (14/01/2010)

>   Năm 2010: VN Index có thể đạt mức 700 điểm (14/01/2010)

>   Nhìn lại một năm giao dịch trực tuyến (14/01/2010)

>   VIT chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2010 (14/01/2010)

>   PET sắp khởi công dự án Petrosetco Tower  (14/01/2010)

>   CTG tài trợ 250 tỷ đồng vào dự án Savico Plaza Hanoi (14/01/2010)

>   Thị trường đang trong… "phần thân cá" (14/01/2010)

>   VE1 chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2010 (14/01/2010)

>   Thêm một quỹ gọi vốn vào chứng khoán Việt Nam (14/01/2010)

>   Công ty chứng khoán giành thị phần (14/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật