Thứ Năm, 10/12/2009 09:38

Xử lý thao túng giá: Vẫn chưa đủ sức răn đe 

Thẳng tay "phang" giá sàn đánh xuống, ép giá thấp để gom hàng sau đó đẩy cổ phiếu tăng giá bán ra, có những mã chứng khoán "đến hẹn lại lên" và đôi khi thấy rõ dấu hiệu làm giá trên thị trường.

Cũng chưa năm nào tin đồn lại phát tác như năm 2009 và oái ăm ở chỗ, nhiều tin trước là đồn sau thành thật nên NĐT cứ bán tin bán nghi. Trong khi quy trình điều tra những hành vi trên đã có, thì việc xử lý những vụ việc dạng này vẫn chỉ như… "bắt cóc bỏ đĩa".

Hai NĐT vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phạt mỗi người 50 triệu đồng vì sử dụng thông tin nội bộ để mua bán cổ phiếu của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH). Trong thời gian từ ngày 21/9 đến ngày 1/10, ông Trần Công Phước và ông Phạm Quốc Thắng (cùng làm tại TDH) đã sử dụng thông tin về việc phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1 của công ty này để mua bán cổ phiếu TDH. Vụ này phát hiện được, theo như lời những người trong cuộc, do đây là những NĐT không chuyên, ngù ngờ trong thương vụ này, vì giao dịch thỏa thuận giá sàn đúng phiên cổ phiếu TDH tăng trần theo phương thức khớp lệnh.

Một trường hợp từng có nhiều NĐT bị phạt vì giao dịch nội gián có liên quan đến cổ phiếu FBT của CTCP Lâm thủy sản Bến Tre. Biết trước FBT được hoàn nhập khoản tiền lớn từ thặng dư bán cổ phần, một số cá nhân trong Công ty đã trục lợi mua vào cổ phiếu. Vụ này không phải do thanh tra phát hiện được mà do có đơn tố cáo trong nội bộ Công ty. Cơ quan công an vào cuộc trước, NĐT vi phạm thừa nhận lỗi, trên cơ sở đó, thanh tra chứng khoán tiếp tục điều tra và ra quyết định xử phạt.

Giao dịch nội gián không dễ phát hiện, điều tra thao túng giá còn khó và phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không làm được, vì trên thị trường, trên các diễn đàn, thông tin về đầu cơ, thao túng giá cổ phiếu không hiếm. Muốn phát hiện được nhóm đầu cơ nào đó, cơ quan quản lý phải xác định bắt đầu kiểm tra từ đâu?. Địa chỉ đầu tiên chính là từ các Sở giao dịch, nơi có đầy đủ thông tin về giao dịch từng mã chứng khoán trong từng phiên. Dựa trên các chương trình và hệ thống giám sát tự động, toàn bộ giao dịch (ấn định trong khoảng thời gian 1, 2 hay 3 tháng trở lại) được sàng lọc để phát hiện những tài khoản có dấu hiệu vi phạm. Trong vụ đại gia Trương Đình Khởi thao túng giá cổ phiếu STB (năm 2008), từ 50 tài khoản có dấu hiệu nghi vấn, thanh tra phân tích chọn ra 10, rồi khoanh vùng lại  4 - 5 tài khoản, tập trung mua bán nhiều một vài mã chứng khoán trong thời gian ngắn nhất, chứng khoán có trọng số ảnh hưởng lớn đến VN-Index. Có phiên, từ tài khoản mở tại CTCK ACB của đại gia này, lệnh bán STB được chặt thành vài chục lệnh, đặt liên tục tung ra thị trường, gây choáng cho không ít NĐT.

Trường hợp thao túng giá chứng chỉ quỹ VF1 của hai NĐT Thành - Minh (năm 2007), phân tích số liệu cho thấy, NĐT Thành mở tài khoản tại CTCK SSI, NĐT Minh mở tài khoản tại CTCK Thăng Long. Tài khoản bên này đặt lệnh bán, thì tài khoản bên kia đặt mua (dìm giá chứng khoán xuống thấp để gom) sao kê giao dịch hai tài khoản này đặt cạnh nhau, số liệu rất khớp, ngoài phân tích giao dịch, cơ quan thanh tra còn theo dõi việc chuyển tiền giữa hai tài khoản này và phát hiện thấy có mối liên hệ rất chặt.

Trong mỗi vụ thao túng giá, không phải lúc nào NĐT cũng thu lợi nhuận kếch sù. Người tính không bằng… thị trường tính, cả ba vụ việc kể trên sau thời điểm NĐT gom hàng, thị trường đều điều chỉnh giảm khiến những người này thua lỗ. Tuy nhiên, khi thị trường tăng, rất nhiều cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá thì không biết những nhóm đầu cơ đã kiếm lợi nhuận bộn tiền ra sao(!).

Để điều tra những vụ thao túng này, theo một cán bộ có kinh nghiệm trong ngành chứng khoán, chỉ cần khoanh vùng xem bao nhiêu tài khoản tham gia giao dịch cổ phiếu đó, trong cùng khoảng thời gian giá cùng lên, cùng xuống, "ốp" các tài khoản đó lại xem thử có liên hệ với nhau không, đồng thời theo dõi việc chuyển tiền giữa các chủ tài khoản... Trong 400 - 500 mã chứng khoán, chọn thanh kiểm tra một số mã giá trị vốn hóa lớn và cả một vài trường hợp có giá trị vốn hóa nhỏ, xử lý nghiêm một số vụ thì sẽ có tác dụng răn đe trên thị trường.

TTCK ra đời và phát triển với vai trò là kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, trong quá trình vận hành, rõ ràng những người sáng lập và xây dựng nó không hướng đến việc tạo ra một sân chơi chỉ dành cho các NĐT lớn. Tuy nhiên, khi thị trường chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tin đồn, làm giá, thì mới có quá ít vụ việc được phát hiện. Mặc dù cơ sở pháp lý đã có (Quyết định số 241/QĐ-UBCK ban hành ngày 10/9/2007 về Quy trình điều tra thao túng, đầu cơ; Quyết định 734/QĐ-UBCK ban hành ngày 10/11/2008 về Kiểm tra nguyên tắc công bố thông tin), nhưng việc áp dụng trên thực tế vẫn cần những hành động mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý thị trường.

Anh Việt

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm 2,3 điểm xuống 56,36 điểm (09/12/2009)

>   Khi vốn ngoại ngược dòng (09/12/2009)

>   Nỗi lo thanh khoản (09/12/2009)

>   OTC: Không ai mua bán (09/12/2009)

>   UPCoM “thích” đi một đường riêng (08/12/2009)

>   Chứng khoán sẽ còn lình xình (08/12/2009)

>   10/12, DIC-Đồng Tiến giao dịch hơn 2.43 triệu cp trên HNX (07/12/2009)

>   UPCoM: Giá trị giao dịch không đến 1 tỷ đồng (07/12/2009)

>   VN-Index: Khả năng đi lên trong tháng 12 là rất thấp (07/12/2009)

>   OTC: Một vài dấu hiệu đánh lên (07/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật