Thứ Tư, 09/12/2009 13:46

Khi vốn ngoại ngược dòng

Liên tiếp từ đầu tháng 11 trở lại đây, dòng vốn ngoại chảy ròng vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Dù quy mô vốn không ồ ạt như thời kỳ tháng 7 và tháng 8.2009 nhưng tổng lượng vốn vào cũng cỡ 1.800 tỉ đồng, một con số không nhỏ.

Vốn ngoại tiếp tục chảy vào thị trường cho thấy đánh giá về triển vọng trung và dài hạn vẫn sáng sủa.

Thống kê cho thấy, khoảng 85,2% giá trị mua ròng của NĐTNN (1.538 tỉ đồng) được thực hiện trên sàn HoSE qua cả khớp lệnh và thỏa thuận trong 23 phiên gần đây. Trong giai đoạn tăng trưởng tháng 6 đến tháng 8 vừa qua, mức mua ròng đạt 2.950 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy lượng vốn ngoại tham gia thị trường đã có sự suy giảm nhất định.

Tuy nhiên, điểm khác biệt trong năm 2009 là sự “lệch pha” giữa xu hướng giao dịch của NĐTTN và NĐTNN. Khối ngoại thường được mệnh danh là những “chuyên gia ngược dòng” trong quá khứ vì thường mua đúng đỉnh và thoát ra đúng đáy. Lịch sử thị trường trong các năm từ 2008 trở về trước đã phần nào chứng minh điều này.

Tuy nhiên, năm 2009 khối ngoại tỏ ra “khôn ngoan” và nhiều kinh nghiệm hơn. Điển hình là hai đợt tăng trưởng của thị trường hồi tháng 5.2009 và tháng 7-8.2009, mỗi khi thị trường suy giảm khối ngoại đều tăng mua rất mạnh.

Chiến lược này sau đó đã được chứng minh là hợp lý. Từ đầu tháng 11 đến nay, cường độ mua ròng của NĐTNN đã lặp lại trong khi VN-Index rơi rất mạnh. Liệu hành động khôn ngoan của khối ngoại có lặp lại khi hiện tại phần đông thị trường đang “run sợ” trước mức thanh khoản sụt giảm và mối lo thắt chặt tín dụng và những mốc điểm như 450-420 đang được đặt ra?

Đại diện tại Hà Nội của một quỹ nước ngoài (xin được giấu tên) cho biết, trong thời gian này quỹ vẫn mua vào: “Chúng tôi không tranh mua nhưng sẵn sàng chọn giá tốt. Các quỹ khác với NĐT cá nhân ở chỗ không phải cứ mua là mong giá CP sẽ tăng từng ngày hay kịch trần liên tục. Nếu kiếm tiền dễ như vậy thì không biết ai sẽ là người thua lỗ trên thị trường!”. Chiến lược mua này có thể lý giải hiện tượng khối lượng giao dịch thường tăng lên trong những phiên thị trường giảm điểm.

Đại diện một CTCP đầu tư thì cho rằng, vốn ngoại thực chất không còn vai trò dẫn dắt thị trường nếu nhìn từ góc độ quy mô giao dịch vì tỉ trọng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, nếu đánh giá từ góc độ vĩ mô và dài hạn thì quan điểm họ có thể tham khảo vì với chiến lược đầu tư dài hạn, tương lai quan trọng hơn hiện tại. Dòng vốn nóng lướt sóng thời gian qua đã giảm đáng kể sau đợt bán ròng ồ ạt tháng 9, tháng 10 – thời điểm mà NĐTTN “mơ” về mốc 700 điểm của VN-Index.

“Đã có lúc vĩ mô bất ổn, nhưng không được NĐTTN chú ý như căng thẳng tín dụng, giá USD chợ đen tăng cao. Những động thái điều chỉnh chính sách gần đây đã hạ nhiệt những mối lo ngại này. Sự điều chỉnh chính sách được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt và khá khách quan”.

Theo ý kiến này, thực tế vĩ mô không có nhiều vấn đề đáng quan ngại lớn. Hai vấn đề được các tổ chức lo ngại nhiều là bất ổn tỉ giá và thâm hụt thương mại. “Có vẻ như đến lúc này mọi chuyện đã êm đẹp hơn. Cam kết của các nhà tài trợ vừa qua thực sự đáng chú ý, thể hiện nhiều tin tưởng cũng như sẽ là nguồn bù đắp ngoại tệ đáng kể nếu Việt Nam vẫn tiếp tục giải ngân tốt như thời gian qua”, vị đại diện này nhận xét.

Ông Ayumi Konishi - GĐ quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, nếu phải chọn một chỉ số tiêu biểu cho triển vọng của Việt Nam thì sẽ chọn chỉ số giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: “Số lượng vốn thực sự giải ngân sẽ cho biết các DN nước ngoài chi bao biều tiền. Lượng vốn giải ngân tăng lên là biểu hiện rõ ràng nhất của niềm tin, vì có tin thì NĐT mới dám bỏ thêm tiền vào hoạt động kinh doanh. Lo lắng lớn của chúng tôi vừa qua là rủi ro trên thị trường ngoại hối. Việc điều chỉnh chính sách của NHNN vừa qua góp phần ổn định thị trường này và tăng niềm tin của NĐTNN, vốn từ bên ngoài sẽ vào nhiều hơn”.

Phân tích của chuyên gia này cũng nhìn nhận vấn đề thâm hụt thương mại không “đáng sợ” vì các DN trong nước phải nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị. Đây là đầu vào của sản xuất và vòng quay sẽ bù đắp trở lại.

Trong các báo cáo mới đây, nhiều tổ chức quốc tế như Golman Sachs cũng cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát, thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã ý thức được chuyện đó và đang có những bước đi linh hoạt. Tăng trưởng GDP năm 2010 được dự đoán lên tới 8,2% và lạm phát ở mức 10,8%.

Ngân hàng Standard Chartered thì cho rằng năm 2010, dòng vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Theo ngân hàng này, NĐTNN thực sự rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Dự báo năm 2010, lượng FDI và kiều hối vào Việt Nam sẽ đạt mức 12 tỉ USD và 7,5 tỉ USD, bằng mức của năm 2008.

Đã soạn thảo xong phương án hỗ trợ lãi suất 2010

Theo thông tin từ NHNN, phương án hỗ trợ lãi suất cho năm 2010 đã được soạn thảo xong, đang chờ Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo nghị quyết của Chính phủ cuối tháng 11 vừa qua, NHNN, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương thức hỗ trợ lãi suất năm 2010 đối với các khoản vay trung và dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam theo Quyết định số 443/QĐ-TTg và các khoản vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg để thực hiện từ ngày 1.1.2010.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   Nỗi lo thanh khoản (09/12/2009)

>   OTC: Không ai mua bán (09/12/2009)

>   UPCoM “thích” đi một đường riêng (08/12/2009)

>   Chứng khoán sẽ còn lình xình (08/12/2009)

>   10/12, DIC-Đồng Tiến giao dịch hơn 2.43 triệu cp trên HNX (07/12/2009)

>   UPCoM: Giá trị giao dịch không đến 1 tỷ đồng (07/12/2009)

>   VN-Index: Khả năng đi lên trong tháng 12 là rất thấp (07/12/2009)

>   OTC: Một vài dấu hiệu đánh lên (07/12/2009)

>   UPCoM đón 2 cổ phiếu mới (04/12/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng khó bứt phá (04/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật