Thứ Năm, 03/12/2009 11:09

TTCK năm 2010: Rộng cửa cho NĐT

Chưa xảy ra tình trạng bong bóng, xét về trung dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn là một trong những địa chỉ hấp dẫn đối với các NĐT, cơ quan quản lý đang xem xét một số giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Đó là thông điệp được đưa ra và thảo luận tại Hội thảo thị trường vốn và tài chính Việt Nam do Euromoney tổ chức ngày 30/11.

Chỉ trong thời gian ngắn, TTCK Việt Nam đã có mức tăng trưởng chóng mặt và thời kỳ đỉnh điểm VN-Index đã tăng lên hơn 1.173 điểm (đầu năm 2007). Nhưng cũng trong một thời gian ngắn, VN-Index lại giảm mạnh xuống mức 235 điểm (cuối tháng 2/2009). Theo đánh giá của nhiều NĐT, TTCK Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, nhưng cũng là một thị trường có sự trượt dốc mạnh nhất nhì trên thế giới.

Không còn lo ngại hiện tượng bong bóng

Ông Andy Ho, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết, TTCK đã phát triển rất mạnh mẽ trong một thời gian ngắn và NĐT đã rút được nhiều kinh nghiệm từ giai đoạn thị trường phát triển bùng phát từ cuối năm 2006, đầu năm 2007. Theo đó, sẽ không phải quan ngại hiện tượng bong bóng trên TTCK trong thời gian tới. Thêm nữa, chắc chắn Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc CPH các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn lớn…, nhằm tạo ra những hàng hoá có chất lượng cho thị trường. Bên cạnh đó, nếu phân tích kỹ thì rất nhiều DN ở Việt Nam có tiềm năng, chỉ số cơ bản rất tốt và chỉ số P/E vẫn ở mức trung bình. "Thực tế, trong thời gian qua, VinaCapital đã đầu tư vào khoảng 10 DN ở Việt Nam và giá trị đầu tư đã tăng lên đáng kể", ông Andy Ho cho hay.

Đáy khủng hoảng đã qua, TTCK đang thu hút mối quan tâm trở lại của một bộ phận NĐT nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VietNam Asset Management Limited (VAM) cho biết, vừa qua, Quỹ nhận được khá nhiều mối quan tâm của NĐT và một số NĐT đang có những động thái thương thuyết với Quỹ để đổ vốn vào TTCK Việt Nam. Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Saigon Asset Management (SAM) cho hay, hiện công ty này đang quản lý 2 quỹ niêm yết trên TTCK Đức, SAM đang triển khai lập quỹ mới và nhắm đến việc đầu tư vào các công ty tư nhân chuẩn bị CPH, các công ty nhà nước đang có kế hoạch IPO.

Với đặc thù thị trường mới nổi, các chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế của TTCK Việt Nam là NĐT quá nhạy cảm và đôi khi có phản ứng thái quá với chính sách của Nhà nước, đơn cử như động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ vừa qua.

Khá lạc quan về triển vọng của TTCK song bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc phân tích CTCK Sài Gòn (SSI) tỏ ra thận trọng về lợi nhuận của DN năm 2010. Một số DN trong thời gian vừa qua thực hiện đánh giá lại tài sản, hoặc được hưởng lợi từ biến động giá nguyên nhiên vật liệu giúp lợi nhuận đột biến, dẫn đến giá cổ phiếu cũng tăng mạnh. Đối với cổ phiếu của những DN này, NĐT cần xem xét mức độ rủi ro trong dài hạn. Thông tin về dòng tiền chứng khoán trong thời gian qua cũng không hẳn đã chính xác, vì cạnh tranh khốc liệt nên nhiều CTCK cho NĐT sử dụng các đòn bẩy tài chính, vì thế rất khó để lượng hóa dòng tiền đã đổ vào TTCK Việt Nam. "Rất khó để quan sát đâu là dòng tiền thật và đâu là dòng tiền ảo", bà Hằng nói.

Kỳ vọng từ chính sách

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại Hội thảo, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK nêu ra một loạt giải pháp đang và sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại các công ty đại chúng lên 49%; các quỹ thành viên sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài; cho phép NĐT nước ngoài được nắm tới 49% vốn điều lệ tại tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước. Từ năm 2012, đối tượng này sẽ được sở hữu 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Cũng trong động thái thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp, ông Hùng cho biết, Chính phủ dự kiến sẽ bỏ thuế chuyển lợi nhuận về nước và cho phép các DN liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài được chuyển đổi thành CTCP, phát hành tăng vốn và niêm yết trên TTCK. TTCK sẽ được tái cấu trúc theo hướng tăng cường tính công khai minh bạch của các công ty trên thị trường… Việc sửa đổi các thông tư trong đó cho phép NĐT mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK hay kéo dài thời gian giao dịch, cho phép một NĐT mua bán cùng loại cổ phiếu trong cùng phiên giao dịch đang được tiến hành. Việc CPH và tạo nguồn cung cho TTCK sẽ đẩy nhanh trong thời gian tới khi Chính phủ cho phép các công ty nhà nước tìm đối tác chiến lược trước khi CPH, thay vì phải chờ đến khi DN đẫ CPH và được định giá như hiện nay.

Hiện TTCK Việt Nam có mức vốn hóa 38 tỷ USD, chiếm khoảng 40% GDP, tổng giá trị danh mục của khối NĐT nước ngoài hiện đạt 7,6 tỷ USD và trong 6 tháng gần đây, vốn gián tiếp đổ vào TTCK Việt Nam đạt 628 triệu USD. Còn nhiều khó khăn, thách thức song chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành kênh đầu tư ngày càng đại chúng cùng với đà phát triển của nền kinh tế.                      

Hải Vân - Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nỗ lực làm “sạch” giao dịch ngày T (03/12/2009)

>   Kết nối cơ hội với NĐT chuyên nghiệp (03/12/2009)

>   "Tạo luật chơi tốt nhất cho NĐT và phù hợp với thông lệ quốc tế" (03/12/2009)

>   Ngày 08/12, CTC giao dịch bổ sung gần 2.5 triệu cp trên HNX (03/12/2009)

>   DIG nộp hồ sơ xin tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng (03/12/2009)

>   Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 4: Cần một “bàn tay sắt”! (03/12/2009)

>   APSI được phép giao dịch trực tuyến trở lại (02/12/2009)

>   PVSC vi phạm quy định giao dịch (02/12/2009)

>   Red River Holding vừa mua thêm 326,900 cp DBC (02/12/2009)

>   Kết quả giao dịch cổ phiếu nội bộ trên HNX ngày 02/12 (02/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật