Thứ Năm, 03/12/2009 06:04

Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 4: Cần một “bàn tay sắt”!

Với các ưu đãi đặc biệt, “cá mập” chứng khoán đã dùng “quyền lực đen” để thao túng giá cổ phiếu. Gây bức xúc cho hầu hết mọi người. Thị trường đang cần một “bàn tay sắt” để dẹp nạn này.

Thế giới "cá mập" chứng khoán

Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 2: "Quyền lực đen"

Thế giới "cá mập" chứng khoán: Bài 3: Bị "xẻ thịt"

Sân chơi thiếu bình đẳng

Theo tiết lộ của một CTCK, phí môi giới của một “cá mập” cao ngất ngưởng. Có những “cá mập” mang lại 500 triệu đồng phí/tháng, cá biệt có người lên tới cả tỉ đồng. Nhờ có họ, các CTCK mới lãi to. Đó là lý do, các CTCK này luôn dành cho “cá mập” những ưu đãi đặc biệt.

Chủ tịch HĐQT một CTCK tại Hà Nội nhận xét, do thị trường thiếu các công cụ để bán khống nên có những thời điểm bị các đại gia chứng khoán lũng đoạn, làm cho thị trường phát triển không lành mạnh. Các đặc quyền mà CTCK dành cho nhà đầu tư (NĐT) lớn đã tạo nên một sân chơi bất bình đẳng. Lãnh đạo cấp cao của CTCK Bảo Việt nói thẳng: "Khi cho đặt lệnh thiếu tiền, CTCK đã cho NĐT lớn "mượn" tiền của các NĐT nhỏ hơn. Khi cho bán T+1, T+2, T+3, CTCK đã giúp "cá lớn nuốt cá bé" vì đại gia thì chạy được sớm hơn tiểu gia". Ông này bình luận: "Thị trường đang bị các "cá mập" chứng khoán làm loạn khiến cho CTCK làm đúng quy định bị mất thị phần, NĐT nhỏ bị chèn ép. Nếu thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không mạnh tay thì thị trường sẽ không thể phát triển lành mạnh được".

"Cá mập bọc thép": Họ giữ vị trí quan trọng trong các công ty niêm yết, liên kết với các môi giới của CTCK để làm giá cổ phiếu. "Cá mập bọc thép" có lợi thế về thông tin nội bộ mà những NĐT khác không thể có. Thêm vào đó, tên của họ không bao giờ xuất hiện trong các giao dịch mua bán cổ phiếu tại các thời điểm nhạy cảm trên thị trường. Và điều quan trọng nhất, "cá mập bọc thép" luôn là người chiến thắng: "xả hàng" kịp thời trước khi giá tụt dốc.

Đại diện CTCK Bản Việt thì nói: "Ưu đãi với các khách VIP ở mức vừa phải thì được, nhưng ưu đãi quá mức như cách một số CTCK đang làm sẽ tạo rủi ro lớn cho thị trường chứng khoán. Nếu các hành vi "ưu đãi quá mức" không được cơ quan quản lý chấn chỉnh, nó sẽ lan tràn như một "dịch bệnh" tới khắp các CTCK còn lại. "Vào lúc thị trường khủng hoảng những cái gọi là "ưu đãi dành cho khách VIP" chính là những liều thuốc độc đối với thị trường", ông này bình luận.

Nhưng bức xúc nhất chính là các NĐT bình thường. Anh Nguyễn Hoàng Long, một NĐT tại Hà Nội kể, lúc thị trường lên, anh đặt lệnh mua liên tục nhưng không khớp, còn khi thị trường xuống mạnh thì bán mãi không được. Chỉ có khách VIP là chạy được nhanh do được bán T+1, T+2, T+3. Điều này thật quá bất công đối với các NĐT bình thường.

Rất giận dữ, chị Lê Thị Hương, một NĐT khác nói: "TTCK lẽ ra phải là một nơi minh bạch và đem lại cơ hội công bằng cho những người tham gia nhưng hiện nay bị "cá mập" thao túng. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì các NĐT chứng khoán nhỏ, đặc biệt là các NĐT mới sẽ bị nhụt chí".

Khó xử lý?

Trao đổi với Thanh Niên , một lãnh đạo có trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tâm sự: "Chúng tôi không phải là không biết có hiện tượng làm giá, thao túng đối với một số loại cổ phiếu và hiện tượng một số nơi có thông tin nội gián. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể thanh tra và đưa ra kết luận một cách hợp lý và có chứng cứ theo quy định một cách rõ ràng, để xử lý, phạt tiền, công khai lên báo, đài để răn đe lại không phải là chuyện dễ dàng". Ông này phân tích, việc chứng minh một nhóm người thao túng giá cổ phiếu là cực khó bởi họ đều lấy lý do là thấy cổ phiếu đó tốt nên cứ đặt lệnh mua liên tục chứ không làm sai quy định...

Một chuyên viên giám sát thị trường thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng cho rằng, về mặt hiện tượng thì có thể đưa ra nhận định là một số tài khoản đang làm giá một loại cổ phiếu nào đó nhưng về mặt chứng cứ luật pháp thì “không thể kết luận như vậy được”.

Tuy nhiên, một vị lãnh đạo cấp cao thuộc bộ phận Thanh tra của UBCKNN đưa ra quan điểm khác. Ông nói: "Thực chất thì vẫn có thể làm điểm một vài vụ để làm gương, răn đe các trường hợp thao túng giá. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ rất mất công và phải vạch kế hoạch kỹ, nếu không cả NĐT lẫn CTCK đều chối được thì sẽ chẳng ra làm sao".

Ông này tiết lộ: trước đây, vụ một NĐT cỡ bự tại CTCK Sài Gòn thao túng giá của VF1 bị Thanh tra UBCKNN phát hiện. Thanh tra đã phạt tới 160 triệu đồng rồi công khai lên báo. Động thái này đã góp phần làm giảm bớt việc thao túng giá của các loại chứng khoán khác.

Hoàng Ly

Thanh niên

Các tin tức khác

>   APSI được phép giao dịch trực tuyến trở lại (02/12/2009)

>   PVSC vi phạm quy định giao dịch (02/12/2009)

>   Red River Holding vừa mua thêm 326,900 cp DBC (02/12/2009)

>   Kết quả giao dịch cổ phiếu nội bộ trên HNX ngày 02/12 (02/12/2009)

>   Tin giao dịch cổ phiếu nội bộ trên HOSE ngày 02/12 (02/12/2009)

>   TIX trả cổ tức 2009 bằng tiền mặt tỷ lệ 24% (02/12/2009)

>   VHC trả cổ tức đợt 1/ 2009 bằng tiền, tỷ lệ 15% (02/12/2009)

>   10/12, LIX giao dịch 9 triệu cp trên HOSE giá 72,000 đồng/cp (03/12/2009)

>   FPT tạm ứng cổ tức đợt 2/2009 bằng tiền, tỷ lệ 15% (02/12/2009)

>   Chứng khoán Biển Việt đổi tên công ty thành Woori CBV (02/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật