Thứ Sáu, 18/12/2009 06:33

Phía sau nghề môi giới chứng khoán: Con dao 2 lưỡi

Được tin tưởng, các môi giới chứng khoán (broker) lao vào đầu tư thay cho khách hàng để ăn chia lợi nhuận. Nhưng khi thua lỗ, họ cũng không nề hà trong việc “đốt” tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) để tránh liên đới trách nhiệm.

>>Phía sau nghề môi giới chứng khoán - Quyền lực ngầm.

>>Phía sau nghề môi giới chứng khoán

Những NĐT từng rơi vào tình trạng này đều cho rằng các broker không khác gì con dao 2 lưỡi...

Giao tài khoản cho môi giới

Vào thời điểm thị trường đang xu hướng lên, khả năng đánh đâu thắng đó lớn, NĐT không còn thời gian xem xét “thắng lợi” của mình là nhờ tư vấn của các broker hay là do “cả làng đều thắng” như thường xảy ra trên thị trường chứng khoán VN. Lúc đó, uy tín của các broker cũng tăng đáng kể. Nhiều broker được NĐT tin tưởng giao cho tài khoản để giao dịch thoải mái. Trúc - một broker tại công ty chứng khoán D. ở TP.HCM kể, một số NĐT không có thời gian theo dõi thị trường hằng ngày đã nhờ cô giao dịch giùm. Thậm chí đó là những khách hàng “VIP”, có nhiều tiền để mua CP nhưng không chuyên sâu thường tin vào broker. Tỷ lệ ăn chia sẽ được thỏa thuận miệng, thông thường là 4:6 (môi giới hưởng 40% và khách hàng hưởng 60% tiền lời) hoặc 3:7. Cứ sau 1 tháng hoặc 3 tháng, các khách hàng này mới xem xét đến tài khoản lời hay lỗ. Tất nhiên, lời thì ăn chia theo tỷ lệ đã thỏa thuận, hai bên đều hỉ hả. Nhưng khi lỗ thì khách hàng phải gánh chịu hoàn toàn. Đó là lý do, nhiều broker nhận một lúc nhiều tài khoản của nhiều khách hàng để có thể kiếm thật nhiều tiền.

“Một môi giới thận trọng không thể nhận quá nhiều tài khoản để đánh giùm vì khó theo dõi chi tiết. Vả lại, nếu sau một thời gian mà khách hàng thấy lỗ thì môi giới đó sẽ mất hết uy tín và khách hàng sẽ lấy lại tài khoản, thậm chí chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán khác hay chọn broker khác”, Trúc nói.

“Làm thịt” thân chủ

Thắng thì ăn chia, nhưng khi thua, các broker cũng “thẳng tay” cắt lỗ với các thân chủ không nể thân, sơ bởi họ là người phải chịu trách nhiệm với các khoản vay của NĐT mà họ bảo lãnh.  Anh Tú - NĐT tại công ty chứng khoán T., cho biết sau một thời gian từ số vốn 500 triệu đồng, tài khoản của anh đã lên đến gần 2 tỉ đồng vào giữa tháng 10.2009. Với mức đòn bẩy tài chính anh được vay để mua tiếp thì tổng danh mục cổ phiếu (CP) của anh có trị giá đến 9 tỉ đồng vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, đến các phiên cuối tháng 11, khi VN-Index rơi khỏi mốc 500 điểm thì ngay lập tức, CP trong danh mục của anh đã bị môi giới đem bán hết để thu hồi lại vốn vay vì mức giảm giá đã hơn 28% (là tỷ lệ giảm giá được quy định trong hợp đồng với công ty) mà không cần thông báo. Kết quả là anh không còn CP mà số tiền vốn còn lại trong  tài khoản cũng chỉ là một con số nhỏ nhoi. Xem như anh đã mất hết “cả chì lẫn chài”.

Bi đát hơn, một NĐT khác tên Nam tại công ty chứng khoán S. kể, sau khi bán hết CP của anh thì số tiền nợ công ty vẫn chưa trả đủ và tính ra anh còn nợ gần 300 triệu đồng. Sau đó người môi giới cứ thúc hối anh nộp tiền vì môi giới này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền cho vay trước công ty. Dù anh Nam có năn nỉ môi giới CK là để vài ngày nữa xoay thêm tiền nộp vô và chờ giá CP lên lại mới bán ra để bớt lỗ nhưng không được chấp nhận. Lúc này, bất kể thân, sơ, các broker sẽ nhanh chóng “cắt lỗ” với lý do “chính sách công ty không đồng ý gia hạn vì phải theo nguyên tắc tài chính”. Tiền vốn đã mất hết mà còn mang nợ, anh Nam rơi vào tình cảnh khá tồi tệ vì không còn gì để hy vọng gỡ lại được số tiền vốn cũng như trả nợ cho công ty. Một cái giá phải trả khá đắt cho những NĐT lao vào cơn say kiếm tiền trên thị trường chứng khoán.

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   HEV thành lập chi nhánh tại TPHCM (17/12/2009)

>   DIG động thổ dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (17/12/2009)

>   Cho vay kinh doanh cổ phiếu: Mở hay đóng? (17/12/2009)

>   KMR chốt DS phát hành hơn 14 triệu cp chuyển đổi (17/12/2009)

>   Đến lượt Trung tâm Lưu ký nhắc nhở các thành viên lưu ký (17/12/2009)

>   “Giám sát, thanh tra TTCK là công tác trọng tâm của UBCK”  (17/12/2009)

>   Quý I/2010: Kỳ vọng một Uptrend (17/12/2009)

>   Minh bạch dòng tiền, tại sao không? (17/12/2009)

>   Phí môi giới: Có nên khống chế mức sàn? (17/12/2009)

>   Khó xảy ra suy giảm sâu (17/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật