Lilama đã thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán
Đặc thù các công trình Lilama thi công trải dài trên khắp mọi miền của đất nước... | Về các khoản thuế phải nộp ngân sách 59,2 tỷ đồng, Lilama cho biết là khoản phải nộp được tổng hợp từ công ty mẹ và 23 đơn vị thành viên phát sinh năm 2007, không phải là thuế nợ đọng. Sau khi quyết toán thuế năm 2007, Lilama đã nộp vào ngân sách và đã có văn bản báo cáo Kiểm toán Nhà nước.
Ngày 10/12, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho biết, Lilama đã thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, sau khi có thông tin về việc Lilama đã xác định thiếu doanh thu hơn 98,7 tỷ đồng, quản lý thiếu chi phí gần 118 tỷ đồng theo như kết luận của Kiểm toán Nhà nước sau khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2007.
Bà Thoa cho biết, trong năm 2008, đặc thù các công trình Lilama thi công trải dài trên khắp mọi miền của đất nước, do đó khâu tập hợp và luân chuyển chứng từ để hạch toán không thể kịp tiến độ lập báo cáo tài chính nên LILAMA chưa kịp hạch toán doanh thu và trích trước chi phí tương ứng. Đến thời điểm kiểm toán mới có đủ chứng từ để xác định doanh thu và chi phí. So với tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng, việc thiếu 98,7 tỷ đồng là tỷ lệ nhỏ. Về các khoản thuế phải nộp ngân sách 59,2 tỷ đồng, Lilama cho biết là khoản phải nộp được tổng hợp từ công ty mẹ và 23 đơn vị thành viên phát sinh năm 2007, không phải là thuế nợ đọng. Sau khi quyết toán thuế năm 2007, Lilama đã nộp vào ngân sách và đã có văn bản báo cáo Kiểm toán Nhà nước.
Về thông tin một số đơn vị thuộc Lilama kinh doanh thua lỗ, có những công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp như Công ty cổ phần tôn mạ màu Việt Pháp, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội, đại diễn lãnh đạo Lilama xác nhận Công ty cổ phần tôn mạ màu Việt Pháp đang làm ăn thua lỗ và mất cân đối về mặt tài chính mà Lilama phải tiếp nhận từ Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng theo quyết định của Bộ Xây dựng.
Năm 2007, khi tiếp nhận, Công ty cổ phần tôn mạ màu Việt Pháp đã lỗ 2 năm liên tiếp. Sau khi tiếp nhận, Lilama đã tích cực hỗ trợ công ty cả về vốn và con người để công ty ổn định sản xuất. Tuy nhiên, để phục hồi lại 1 công ty đang thua lỗ cần có thời gian cũng như điều kiện thị trường. “Đây hoàn toàn không phải là hậu quả do Lilama gây ra” - bà Thoa nhấn mạnh.
Về tình trạng thua lỗ của Công ty cổ phần Lilama Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu là do công ty đầu tư và đưa vào sản xuất Nhà máy tôn mạ màu Quang Minh (công suất 80.000 tấn/năm) vào năm 2007, trong khi thị trường sắt thép thế giới và Việt Nam rơi vào khủng hoảng, sau đó là khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên nếu cổ phần hoá nhà máy sản xuất tôn mạ màu này hoặc chuyển nhượng một phần nhà máy này cho các nhà đầu tư khác, theo đánh giá của các công ty định giá, kiểm toán, cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu mua lại cổ phần thì hoàn toàn có đủ khả năng trang trải các khoản nợ trên từ khoản thặng dư sinh ra.
Nguyễn Duyên
Công Thương
|