Giảm số lần báo cáo thuế: Mỗi năm tiết kiệm 650 tỷ đồng
Theo tính toán, việc giảm tần suất báo cáo thuế từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm sẽ tiết kiệm cho cộng đồng doanh nghiệp 650 tỉ đồng mỗi năm.
Lần đầu tiên, những chi phí mà xã hội phải gánh chịu do thủ tục hành chính (TTHC) sẽ được "lượng hóa", trên cơ sở đó có thể tính toán được một cách cụ thể những lợi ích do Đề án 30 về cải cách TTHC mang lại.
Một trong những động lực chống suy giảm kinh tế
Sáng 9/12/2009, Tổ Công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác Đề án 30) đã tổ chức tập huấn về “Cách thức tính toán chi phí tuân thủ TTHC” cho cán bộ chuyên trách cải cách TTHC của các Bộ, ngành Trung ương.
Các chuyên gia tư vấn đến từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC - thuộc Ngân hàng Thế giới) đã giúp các cán bộ chuyên trách CCHC tiếp cận với công thức tính của quốc tế bằng mô hình chi phí chuẩn. Đây là mô hình được xây dựng nhằm đo lường, tính toán quy thành tiền chi phí tuân thủ TTHC đối với doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay..
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại một lần nữa rằng, TTHC là một trong những rào cản lớn, gây tốn kém, khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Với tư cách là Tổ trưởng Tổ Công tác Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định việc xây dựng mô hình chi phí chuẩn tuân thủ TTHC sẽ đo lường được chi phí của xã hội cho TTHC và "chi tiết hóa đời sống thực tế" của một TTHC (thủ tục đó tồn tại nhằm mục đích gì, vận hành như thế nào, chi phí cho nó ra sao trong đời sống xã hội - PV), từ đó có biện pháp phù hợp để cắt bỏ hoặc đơn giản hóa TTHC đó.
"Đây sẽ là một trong những động lực chống suy giảm kinh tế và cũng là bước đi quan trọng tiến tới mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các TTHC, gắn với việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.
Thước đo đánh giá cải cách hành chính từng Bộ, ngành
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐTCP, ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương nhận định, từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ nói đến TTHC gây phiền hà cho dân chứ chưa đưa ra được con số cụ thể về những tốn kém cho xã hội mà các TTHC tạo ra. Và nay thì vấn đề này đã có hướng giải quyết.
"Việc đơn giản hóa TTHC sẽ dẫn tới cắt giảm chi phí một cách rõ ràng cho xã hội. Như vậy, đây sẽ là một thước đo rất rõ để đánh giá quá trình cải cách hành chính của từng bộ ngành, địa phương”, ông Hiếu nói.
Những ví dụ cụ thể và thuyết phục cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong khóa tập huấn. Chẳng hạn, với thủ tục báo cáo thuế, theo tính toán, việc giảm tần suất báo cáo từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm sẽ tiết kiệm cho cộng đồng doanh nghiệp 650 tỉ đồng mỗi năm.
Tương tự, việc bãi bỏ thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp xã hội tiết kiệm được 31 tỉ đồng hàng năm.
Phương pháp mô hình chuẩn chia TTHC thành nhiều cấu phần nhỏ có thể đo lường và tính toán được. Trên cơ sở đó, cắt bỏ thủ tục nếu không cần thiết và chi phí quá lớn so với lợi ích đạt được, hoặc giảm bớt một số bước trong thủ tục, hoặc giảm tần suất thực hiện nhằm giảm chi phí tuân thủ.
Trước đó, cho ý kiến chỉ đạo về việc triển khai giai đoạn 2 (giai đoạn rà soát) của Đề án 30, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải gắn việc thực hiện chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC với việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC của cá nhân, tổ chức.
Ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác của Thủ tướng cho biết, "đây là chỉ đạo mang tính chất cốt lõi của Thủ tướng Chính phủ, quyết định chất lượng và hiệu quả của việc rà soát TTHC”.
Lê Sơn
Chính phủ
|