Năm 2010, phấn đấu tăng thu ngân sách từ 5-10%
Để đạt được mục tiêu này, ngành Tài chính, đặc biệt là Thuế, Hải quan phải đẩy mạnh hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nộp thuế, tránh thất thu.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đánh giá công tác năm 2009, Mục tiêu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2010, diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo như vậy.
Nỗ lực tăng thu, đảm bảo chi
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2009 đạt 390.650 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ đồng), đạt tỷ lệ động viên 23,3% GDP, trong đó từ thuế và phí đạt 21,5%GDP.
Thu nội địa ước đạt 239.650 tỷ đồng, bằng 102,9 % dự toán (vượt 6.650 tỷ đồng), tăng 4,3% so với thực hiện năm 2008; không kể thu tiền sử dụng đất (ước thực hiện đạt 23.000 tỷ đồng), thì bằng 102,2% dự toán (vượt 4.650 tỷ đồng), tăng 8,9% so với thực hiện năm 2008.
Tổng thu nội địa vượt dự toán, nhưng kết quả thu ngân sách giữa các địa phương là không đồng đều. Trong khi phần lớn các địa phương thu đạt và vượt dự toán, vẫn còn có một số địa phương không hoàn thành dự toán được giao.
Để khuyến khích các địa phương đã phấn đấu tăng thu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội cho xử lý theo hướng: NS Trung ương hỗ trợ chung cho các địa phương một phần (khoảng 25%) số giảm thu do thực hiện miễn, giảm thuế. Riêng đối với các địa phương sau khi đã được hỗ trợ chung như trên, mà vẫn còn hụt thu, thì yêu cầu địa phương sử dụng một phần các nguồn tài chính hợp pháp (quỹ dự trữ tài chính, nguồn tiền lương còn dư), trường hợp còn tiếp tục hụt thu sẽ được bù đủ để đảm bảo dự toán chi. Theo đó, số dự kiến bù giảm thu cho các địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tổng chi NSNN năm 2009 tăng 8,5% so với dự toán. Trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 135.500 tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, chiếm 25,4% tổng chi NSNN và bằng 8,1% GDP, xấp xỉ mức thực hiện năm 2008. Trong đó, ước chi đầu tư xây dựng cơ bản cả năm đạt 128.008 tỷ đồng, tăng 20.468 tỷ đồng (19%) so với dự toán. Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã cải cách quy trình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư, chuyển từ thẩm tra trước sang kiểm tra sau để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện...
Bên cạnh đó, qua chính sách kích cầu đầu tư, nhất là giải pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng ngân hàng, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng đảm bảo được vốn trong quá trình thực hiện các dự án, do đó việc triển khai các dự án nhìn chung có tiến bộ hơn so với các năm trước. Đến hết ngày 15/11/2009, ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt trên 83,3% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2008; tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đến hết tháng 10/2009 ước đạt 68% kế hoạch đầu năm.
Theo đánh giá, trong điều kiện khó khăn, ngành Tài chính đã điều hành đảm bảo dự toán chi NSNN, tập trung nguồn lực để tăng chi đầu tư phát triển, tăng kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2010.
Tất cả các địa phương phải hoàn thành thu NS
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2010 là 461.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ động viên 23,9% GDP, trong đó từ thuế và phí là 22,5% GDP (năm 2009 tương ứng đạt 23,3%GDP và 21,5% GDP).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những thành tích mà ngành Tài chính đã đạt được trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trong tháng 12 này, ngành Tài chính cần phải nỗ lực quyết liệt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2009, tạo tiền đề cho năm 2010 phục hồi nền kinh tế. Năm 2010 là năm rất quan trọng (trước thềm ĐH Đảng, 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội…). Đây là năm bản lề, cần phải có sự nỗ lực cao để bước vào kế hoạch 5 năm (2011 – 2015_ và chiến lược 10 năm (2011 -2020). “Tiêu chí số 1 là chuẩn bị lấy lại đà tăng trưởng kinh tế 7% đến 8%. Năm 2010, phấn đấu tất cả các tỉnh, thành phải hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngành Tài chính phải tăng cường các biện pháp để có thể tăng thu ngân sách từ 5-10%. Đặc biệt, đối với hải quan và thuế cần đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp thuế, tránh thất thu...
Năm 2010, các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, Nhật, EU… vẫn có khả năng tăng trưởng âm, tình hình giá cả, tài chính, tiền tệ, vật tư nguyên liệu trên thế giới còn khó khăn, nên theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nhiệm vụ trở lại đà tăng trưởng của chúng ta không đơn giản. Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô và triển khai liên tục các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội như một ưu thế để thu hút đầu tư nước ngoài. “Trong năm 2008, 2009, Việt Nam vẫn là một điểm đến trong khủng hoảng là nhờ ổn định chính trị, ổn định xã hội” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Năm 2010, tạm ứng cho chi tiêu ngân sách ít đi, chính vì thế Phó Thủ tướng cho rằng, tổng đầu tư toàn xã hội phải tăng lên để bù đắp nguồn này (đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, đưa ra nhiều dự án tốt thu hút đầu tư, chấn chỉnh thị trường chứng khoán, bất động sản để trở thành kênh huy động vốn chủ lực…).
Thay mặt ngành Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, trong năm 2010, trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn, ngành sẽ phấn đấu tăng thu ngân sách 5%./.
Vũ Hạnh
VOV
|