Kinh tế toàn cầu vẫn bị đe dọa bởi “bóng ma” khủng hoảng
(Vietstock) – Nền kinh tế toàn cầu từng đối mặt với vực thẳm vào đầu năm 2009 dường như đang phục hồi, nhưng vẫn còn khá yếu ớt và mang trên mình những vết sẹo của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Được biết vào đầu năm nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới đứng bên bờ vực đổ vỡ, từ đó rơi vào cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng, để rồi tăng trưởng trở lại với tốc độ khiêm tốn vào nửa cuối năm.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2009 sụt giảm tới 6.4% so với cùng kỳ năm 2008 do sự sụp đổ của thị trường nhà đất, kéo theo đó là những tác động lên ngành tài chính và các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế. Ngoài ra, trong quý này các nhà tuyển dụng còn cắt giảm tới 700,000 việc làm/tháng.
Nền kinh tế khu vực Euro trong giai đoạn này cũng trượt dài 2.5% so với quý 4/2008 và lao dốc tới 10% so với quý I/2008, ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, kinh tế Nhật cũng lao dốc với tốc độ 14.2%.
Theo lời cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong Tháng 1/2009 thì nền kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với cuộc suy thoái trầm trọng.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà kinh tế tại Đại học California và Đại học Trinity (Dublin) cho thấy ngành thương mại và thị trường chứng khoán thế giới trong năm đầu tiên nổ ra khủng hoảng suy giảm nhanh hơn so với cuộc khủng hoảng năm 1929-1930. Bên cạnh đó, sự sụt giảm trong ngành sản xuất cũng nghiêm trọng không kém so với thời điểm bắt đầu của cuộc Đại khủng hoảng.
Các nhà kinh tế nhận định: “Đồng thời các chính sách tiền tệ và tài khóa không chỉ riêng ở Mỹ mà trên toàn cầu trong thời gian này đã phát huy tác dụng nhanh và mạnh mẽ hơn.”
Được biết, chính phủ các nước đã tung ra một loạt gói kích cầu trị giá hàng trăm tỷ USD, các ngân hàng trung ương đồng loạt cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục – gần 0% tại Mỹ và Nhật – ngoài ra, còn tiếp tục bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để giúp khơi thông dòng chảy tín dụng.
Dần dần, những nỗ lực này dường như cũng bắt đầu cho thấy tín hiệu lạc quan. Những nền kinh tế chủ lực đang hồi sinh trở lại dù tốc độ tăng trưởng có phần chậm hơn so với kỳ vọng thị trường.
C.Fred Bergsten, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson tại Washington, cho biết trong một bài phát biểu gần đây: “Các kết quả đến nay đều phát đi các tín hiệu đan xen. Các biện pháp can thiệp dường như đã ngăn chặn được tình trạng xuống dốc và hầu hết các lĩnh vực đều cho thấy đà phục hồi hết sức tích cực.”
Nariman Behravesh, nhà kinh tế cấp cao của Viện nghiên cứu HIS Global Insight, cho rằng các ngân hàng trung ương mà dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có công trong việc áp dụng “chính sách tiền tệ bất thường”, bao gồm chính sách nới lỏng tín dụng hay bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Behravesh nhấn mạnh: “Sự khác biệt giữa cuộc suy thoái hiện tại và cuộc “Đại khủng hoảng” là FED cho phép nguồn cung tiền sụt giảm nhưng chưa đến mức gây tranh cãi.”
Được biết, nền kinh tế Mỹ lấy lại tăng trưởng trong quý 3 với tốc độ 2.8% sau bốn quý sụt giảm liên tiếp. Trong khi đó, theo số liệu điều chỉnh mới nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng quý của Nhật chỉ đạt tốc độ khiêm tốn 1.3%.
16 quốc gia thuộc khu vực Euro cũng trở lại tăng trưởng 0.4% trong quý 3 sau năm quý chìm ngập trong suy thoái, nhưng vẫn còn kém khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, nền kinh tế Trung Quốc có lúc chứng kiến sự đình trệ nhưng đã tránh được suy thoái và đạt mức tăng trưởng mạnh 8.9% trong quý 3 nhờ vào các biện pháp kích cầu và hoạt động tín dụng ngân hàng.
Theo dự đoán hồi Tháng 10 của IMF, GDP toàn cầu năm 2010 sẽ tăng trưởng 3.1% sau khi suy giảm 1.1% trong năm 2009, con số kém khả quan nhất từ sau Thế chiến thứ 2.
Còn theo dự đoán của chuyên gia Joachim Fels cùng các cộng sự tại Ngân hàng Morgan Stanley thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2010 đạt 4%. Tuy nhiên, các nền kinh tế tiên tiến thuộc nhóm G10 chỉ đạt mức 2%.
Fels cho rằng, các nền kinh tế sẽ chứng kiến “sự phục hồi phi tín dụng” do các ngân hàng lưỡng lự trong việc cho vay. Đồng thời, ông cũng dự đoán “kinh tế nhóm G10 sẽ phục hồi trong bối cảnh thất nghiệp vẫn còn leo thang” đặc biệt là tại Mỹ, Châu Âu và Nhật. Ngoài ra, theo nhận xét của Behravesh thì các nền kinh tế vẫn còn có nguy cơ đối mặt với một loạt các bong bóng.
Fels giải thích: “Đó không chỉ là bong bóng nhà ở. Mà còn xuất hiện các bong bóng cổ phiếu và hàng hóa. Nhiều bong bóng đã bị thổi phồng quá mức và khi bùng nổ sẽ để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chẳng hạn như vấn đề nợ của Dubai là một điển hình của bong bóng dầu thô.
Một số khác tranh luận rằng, những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu đáng lý ra phải được giải quyết nhưng lại thay vào đó là các biện pháp cứu nguy của chính phủ, trong khi chiến lược giải thoát cho tới nay vẫn chưa rõ ràng.
David Rosenberg, nhà kinh tế cấp cao của Gluskin Sheff & Associates tại Toronto nói rằng: “Các loại tài sản xấu về cơ bản đã bị dấu biệt.”
“Đa số các tài sản xấu sau khi được giải quyết ổn thỏa đều nằm trong sổ sách của chính phủ và ngân hàng trung ương. Và giờ tới lượt họ lại gánh chịu những rủi ro của riêng như chúng ta đã từng chứng kiến gần gây tại các quốc gia như Dubai, Mexico, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Anh, bang Baltic. Đó là chưa đề cập đến cấp tiểu bang và chính quyền đại phương tại Mỹ.”
Uy Danh – Khánh Hà (Theo AFP)
|