Thứ Ba, 01/12/2009 05:58

Hiểm họa từ vàng - Sàn vàng xài ngoại tệ

Cũng như đầu cơ vàng miếng, hoạt động đầu cơ trên sàn vàng sử dụng vốn vay ngân hàng nhưng “máu lửa” hơn nhờ được vay gấp nhiều lần vốn tự có. Ngân hàng không chỉ bơm hàng ngàn tỉ đồng mà còn ưu tiên ngoại tệ cho hoạt động đầu cơ vàng.

Quy trình đầu cơ trên sàn vàng bằng vốn vay ngân hàng (theo giá vàng 28 triệu đồng/lượng)

>> Kỳ 1: Bán khống, mua thật, hại tỉ giá

Hiện cả nước có hơn 20 sàn vàng. Chỉ riêng năm sàn vàng lớn nhất hiện nay, doanh số mua bán mỗi ngày lên đến 2 triệu lượng (75 tấn vàng), trị giá khoảng 3 tỉ USD (56.000 tỉ đồng).

Tiền tỉ cho đầu cơ vàng

Chẳng ai có nhiều tiền để có thể mua/bán số vàng này. Từ đó, các chủ sàn vàng đã áp dụng nghiệp vụ kinh doanh ký quỹ. Người đầu cơ chỉ cần ký quỹ số tiền 5-7%, còn lại ngân hàng cho vay. Tiền ít nhưng cho vay nhiều, vì thế ngân hàng rất chặt chẽ và luôn nắm đằng cán để thu nợ. Do vậy với nhà đầu cơ vàng, khả năng mất tiền ký quỹ là rất lớn.

Trước đây, tỉ lệ ký quỹ là 10% nhưng do cạnh tranh nên nhiều sàn đã giảm xuống, hiện phổ biến là 5% và khối lượng giao dịch tối thiểu là 5 lượng. Như vậy một người chỉ cần có chưa tới 10 triệu đồng là đã trở thành nhà đầu cơ vàng.

Giám đốc một sàn giao dịch vàng cho biết do tỉ lệ ký quỹ thấp, đầu cơ chủ yếu bằng tiền ngân hàng nên nhiều người đầu cơ vàng miếng đã chuyển sang đầu cơ trên sàn vàng. Với 100 tỉ đồng, chưa đủ để mua 4.000 lượng vàng miếng nhưng vào sàn nhà đầu cơ có thể mua/bán đến 80.000 lượng vàng. Với lực mua này, nhà đầu cơ có thể chi phối giá để kiếm lợi.

Ưu tiên ngoại tệ cho đầu cơ vàng

Sàn vàng trong nước được liên thông với sàn vàng trên thế giới. Khi các lệnh mua/bán ở sàn vàng trong nước chênh nhau thì chủ sàn phải đặt lệnh mua/bán vàng ở nước ngoài để cân bằng cung - cầu. Chẳng hạn cuối ngày có 1.000 người mua 100.000 lượng vàng nhưng chỉ có 900 người bán 90.000 lượng vàng, chủ sàn phải đặt lệnh mua từ nước ngoài 10.000 lượng để cân bằng cung cầu. Theo một số sàn vàng, thông thường dư mua/bán mỗi ngày khoảng 10.000 lượng/sàn. Chỉ cần năm sàn cần phải đặt lệnh mua ở nước ngoài mỗi sàn 10.000 lượng, cả thảy là 50.000 lượng (gần 1,9 tấn vàng), trị giá 76 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ sàn vàng ở nước ngoài cũng áp dụng giao dịch ký quỹ nên số ngoại tệ mà ngân hàng chi ra có ít đi nhưng cũng lên đến 5 triệu USD, chưa kể ngân hàng còn phải trả lãi suất bằng ngoại tệ cho số tiền vay để mua vàng.

Trong trường hợp giá vàng thế giới tăng hoặc giảm đúng như dự đoán của nhà đầu cơ thì ngân hàng sẽ thu thêm ngoại tệ. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều nhà đầu cơ vàng trong nước đã đoán sai hướng đi của giá vàng dẫn đến thua lỗ. Chỉ tính riêng trong năm tháng trở lại đây, giá vàng thế giới đã liên tục tăng, từ mức 900 USD/ounce lên gần 1.200 USD/ounce. Trong khi đó, giới đầu cơ tại VN lại luôn đầu cơ giá xuống, vì thế số ngoại tệ bị mất do đầu cơ vàng là không ít.

Cũng có ngân hàng nói rằng ở một số trường hợp, họ có lời và mang ngoại tệ về. Thế nhưng, theo chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần thì sàn vàng chẳng đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế, dù có đem lại lợi nhuận cho ngân hàng và cơ hội phiêu lưu khi kiếm tiền cho một số đối tượng.

Điều đáng nói là trong khi nhập vàng thì các công ty và ngân hàng luôn dùng USD giá cao để quy đổi ra giá bán. Còn với nhà đầu cơ vàng, tỉ giá để quy đổi ra giá vàng lại là tỉ giá chính thức. Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đỏ mắt, thậm chí phải trả giá cao để mua ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa, đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng thêm ít nhất 10% thì sàn vàng cần bao nhiêu ngoại tệ để mua vàng cũng được đáp ứng theo giá chính thức.

Siết sàn vàng, không khó

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước nói rằng sẽ quản lý lại sàn vàng bằng cách rà soát cơ sở pháp lý và buộc các đơn vị phải thực hiện đúng quy định, như ngân hàng không được trực tiếp tổ chức sàn mà phải lập công ty để thực hiện hoạt động này.

Tuy nhiên, những người am hiểu nghiệp vụ phái sinh tiền tệ thì nói rằng nếu cứ loay hoay với câu chuyện pháp lý thì còn lâu mới quản lý được sàn vàng. Quản sàn vàng không khó, chỉ cần quy định tăng tỉ lệ ký quỹ lên cao. Nếu tỉ lệ ký quỹ là 75% thay cho 5-7%, khi chỉ được vay 25% thì tự khắc nhà đầu cơ sẽ bỏ sàn vì không còn cơ hội “máu lửa” như tỉ lệ ký quỹ hiện nay. Ngân hàng là người cho vay vì thế việc này nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Nhà đầu cơ lãnh đủ

Từ khi có sàn vàng đã xảy ra rất nhiều cuộc cãi vã giữa chủ sàn vàng và người kinh doanh, kể cả ở các sàn lớn như ACB, SBJ đến các sàn nhỏ. Mới đây nhất vào ngày 25-11, nhiều người kinh doanh cho rằng chủ sàn đã tự ý áp dụng tỉ giá mới, từ 17.886 lên 18.500 đồng/USD trước thời hạn, đẩy giá vàng trên sàn tăng cao nhưng lại chậm thông báo điều chỉnh tỉ giá đến người kinh doanh. To chuyện nhất là tại sàn vàng Thế Giới (79 Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM). Chủ sàn đã... tắt luôn giao dịch báo giá (giao dịch mà chủ sàn làm trung gian tạm mua, tạm bán) khi có tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá. Người lỡ mua vàng trước đó như ngồi trên lửa vì giá vàng tăng mà không thể cứu tài khoản. Buổi chiều, sàn mở lại giao dịch báo giá nhưng lần này đến lượt người tranh thủ mua vàng khi có tin tỉ giá tăng lại rơi vào cảnh lời hụt vì chủ sàn lại sử dụng mức tỉ giá cũ. Thế nhưng, ông Lâm Minh Chánh, tổng giám đốc sàn vàng Thế Giới, lại nói chủ sàn không vi phạm hợp đồng vì đây chỉ là giao dịch cộng thêm nên trong hợp đồng ký kết với người kinh doanh chủ sàn không đề cập!? Để giải quyết những trường hợp lời... hụt, sàn vàng đang xem xét cơ chế hỗ trợ nếu người kinh doanh chứng minh được đã lỗ trong thời điểm này?!, đồng thời nâng dần tỉ giá trong... ba tháng tới để bằng với tỉ giá quy đổi mà các sàn vàng khác đã áp dụng kể từ ngày 26-11.

T.Tu - A.Hồng

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhật Bản "bơm" 31 tỷ USD ngăn đồng yen lên giá (30/11/2009)

>   Giá vàng sẽ còn tăng cao mới chỉ là dự báo (30/11/2009)

>   Giá vàng xoay quanh 28,30 triệu đồng một lượng (30/11/2009)

>   Vẫn lo giá USD tăng (30/11/2009)

>   Phải có chiến lược giữ tiền cho dân (30/11/2009)

>   Giá vàng tiếp tục biến động khó lường (30/11/2009)

>   Các chuyên gia nói gì về tỷ giá? (30/11/2009)

>   Hiểm họa từ vàng - Bán khống, mua thật, hại tỉ giá (30/11/2009)

>   Lên sàn vàng ôm chắc rủi ro! (29/11/2009)

>   Giá vàng “nhảy” liên tục (29/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật