Hiểm họa từ vàng - Bán khống, mua thật, hại tỉ giá
Người dân không mua vàng như trước nhưng thị trường vẫn sốt giá vàng do đầu cơ. Những cơn sốt này không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội nhưng là mầm mống tạo ra cơn sốt tỉ giá VND/USD, từ đó tác động đến các ngõ ngách của đời sống kinh tế.
Mặc dù cho vay để đầu cơ vàng là “nồi cơm” của nhiều ngân hàng, nhưng lãnh đạo hội đồng quản trị của một ngân hàng cổ phần bức xúc nói nếu không chấn chỉnh hoạt động cho vay đầu cơ vàng thì khó kéo tỉ giá giảm, vì mầm mống đẩy tỉ giá tăng cao vẫn còn đó.
Bán khống, mua thật “Bán khống, sau đó mua thật, tạo ra lực cầu khổng lồ về vàng - mà thời gian qua nhiều người tưởng rằng do người dân mua vàng để cất giữ - dẫn đến những cơn sốt giá vàng, gây sức ép đẩy tỉ giá VND/USD tăng”, vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần này khái quát hoạt động đầu cơ vàng từ tiền vay ngân hàng. Ông mô tả quy trình bán khống, mua thật như sau:
Khách hàng X nộp vào ngân hàng 22 tỉ đồng tiền mặt, sau đó cầm sổ tiền gửi vay lại 1.000 lượng vàng và bán luôn cho ngân hàng với giá 20 triệu đồng/lượng. Không có vàng nhưng ông X vẫn bán cả ngàn lượng vàng với nhận định giá vàng sẽ giảm, tranh thủ bán trước, giá giảm sẽ mua lại để trả nợ ngân hàng. Nếu vàng giảm 1 triệu đồng/lượng, ông X bỏ túi gần 1 tỉ đồng sau khi trừ lãi vay. Số lãi này sẽ tăng thêm nếu giá vàng giảm sâu. Nhưng sau đó giá vàng không giảm mà lại tăng. Ông X đã đoán sai hướng đi của giá vàng. Rơi vào trường hợp này, nhà đầu cơ phải quyết định cắt lỗ. Với 1.000 lượng vàng vay đã bán, nhà đầu cơ sẽ lỗ thêm 1 tỉ đồng nếu giá vàng tăng thêm 1 triệu đồng/lượng.
Ngày 11-11, giá vàng vẫn tăng, giới đầu cơ đã mệt mỏi do liên tục phải châm thêm tiền cho tài sản thế chấp. Ngân hàng đưa ra tối hậu thư sẽ xử lý hợp đồng vay nếu giá tăng lên 29 triệu đồng. Giới đầu cơ buộc phải mua vàng bằng mọi giá để trả nợ, cắt lỗ. Lệnh mua vàng được tung ra. Thị trường giá 27 triệu thì người đầu cơ ra giá mua 27,5 triệu đồng, thị trường lên 27,5 triệu đồng thì họ đẩy lên 27,7 triệu đồng/lượng. Cứ thế, cuộc đuổi bắt giá chỉ chấm dứt khi bên mua có đủ vàng để trả nợ hoặc... hết tiền.
Các lệnh mua cắt lỗ là cực lớn vì không rải ra mà tập trung vào một thời điểm. Lý do là giới đầu cơ vàng thường theo một hướng, thời gian qua chủ yếu là đầu cơ giá xuống. Cơn sốt giá vàng ngày 11-11 là đỉnh điểm của hoạt động cắt lỗ khi hàng trăm nhà đầu cơ buộc phải mua vàng. Người ít thì một vài ngàn lượng, người nhiều cả chục ngàn lượng...
Hại tỉ giá
Hoạt động đầu cơ vàng không chỉ tạo ra lực cầu khổng lồ về vàng, đẩy giá tăng cao mà còn dẫn đến một hoạt động đầu cơ khác, đó là đầu cơ làm giá USD. Vì sao đầu cơ vàng ảnh hưởng đến tỉ giá VND/USD?
Thời gian qua Chính phủ hạn chế, có lúc dừng nhập khẩu vàng. Trong khi đó, các lệnh mua vàng để trả nợ, cắt lỗ cứ liên tục được tung ra, từ đó làm cho thị trường vàng luôn căng thẳng, dù không thiếu vàng nhưng giá vàng trong nước bị đẩy lên cao hơn so với giá thế giới cả triệu đồng/lượng. Từ đây đã tạo ra mảnh đất béo bở cho hoạt động đầu cơ USD. Mỗi khi thị trường có nhu cầu gom USD tiền mặt để nhập lậu vàng, giới buôn USD lại găm hàng đẩy giá.
Giá USD bị đẩy theo nhu cầu nhập lậu vàng, đồng thời giá vàng cũng bị đẩy lên để đảm bảo người nhập lậu vàng bằng USD giá cao luôn có lãi.
Khi giá VND/USD tại thị trường tăng cao thì giá USD tại ngân hàng cũng chộn rộn. Có một thực tế là thời gian qua trong hoạt động mua bán USD tại hệ thống ngân hàng, tỉ giá trên thị trường tự do luôn được các doanh nghiệp có ngoại tệ dùng làm thước đo để định giá bán USD cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Nếu bên mua ngoại tệ không chấp nhận giá theo thị trường tự do thì bên bán găm giữ. Nhà nhập khẩu đến một thời điểm nào đó đành phải chấp nhận USD giá cao, có lúc lên đến gần 20.000 đồng/USD. Khi nhà nhập khẩu phải mua USD giá cao, người tiêu dùng lãnh đủ.
Cắt đầu cơ giá vàng, không khó
Sau cơn sốt giá ngày 11-11, hoạt động đầu cơ vàng vẫn tiếp tục dù có thận trọng hơn. Vì vậy, áp lực lên giá vàng và giá USD vẫn còn đó. Một người điều hành ngân hàng nói rằng giấy phép nhập khẩu vàng mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp trong giữa tháng 11-2009 chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu cắt lỗ của giới đầu cơ, nếu lại xảy ra một cơn sốt giá vàng. Nếu vốn vàng từ ngân hàng vẫn tiếp tục được dùng cho hoạt động đầu cơ thì thị trường sẽ còn phải chịu nhiều cơn sóng dữ.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng này, cắt cơn sốt vàng do đầu cơ không khó. Chỉ cần quy định như Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng với hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Theo đó, chỉ những người có hợp đồng mua nhà, đất phải trả bằng vàng thì mới được vay. Ngân hàng không cho vay nếu không có mục đích thanh toán rõ ràng, hoặc dùng số vàng đó để đầu cơ.
Các ngân hàng có cho vay vàng để đầu cơ thì phân bua rằng do Ngân hàng Nhà nước không cấm vì vậy nếu họ không làm thì ngân hàng khác cũng sẽ làm. Giải thích này cũng dễ hiểu vì cho vay đầu cơ vàng là một nguồn thu của ngân hàng, dù có chứa đựng rủi ro cho xã hội. Điều đáng nói là Ngân hàng Nhà nước lại chưa để mắt để chấn chỉnh hoạt động này.
Cần đánh giá quy mô đầu cơ vàng
Những người làm ngân hàng bức xúc trước nạn đầu cơ vàng nói rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải thống kê lại toàn bộ dư nợ vàng mà ngân hàng đã cho vay để đầu cơ, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý trước khi đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn để hạn chế hoạt động đầu cơ vàng từ vốn vay.
Vốn vàng phục vụ đầu cơ
Trước đây, các ngân hàng huy động vàng và cho người dân vay để mua nhà, một số doanh nghiệp vay bán lấy VND để kinh doanh. Khi đó, giá vàng ổn định trên dưới 5 triệu đồng/lượng, lãi suất vay vàng rất thấp. Từ năm 2001 giá vàng tăng liên tục, lãi suất vay vàng tăng, những người vay vàng cho mục đích trên giảm hẳn. Từ đó, các ngân hàng đã chuyển sang cho vay để đầu cơ vàng.
T.Tu
Tuổi trẻ
|