Xóa nợ treo: Vẫn còn lúng túng
Việc xóa nợ theo quy định của Chính phủ trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, chuyển đổi, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước ngày 1/7/2007 được hy vọng sẽ thúc đẩy tiến trình này. Tuy nhiên, quá trình giải quyết nợ thuế cho thấy vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về thực hiện xử lý tài chính, nợ thuế đối với các doanh nghiệp khó khăn, lỗ không có khả năng nộp các khoản nợ thuế và thu ngân sách nhà nước, trong 3 năm (từ 2005 đến 2007) đã có 235 doanh nghiệp được xóa nợ với tổng số tiền được xóa nợ là 613,127 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho dù đã thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp chuyển đổi trước 1/7/2007 vẫn còn treo một số khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước chưa được xử lý xóa nợ thuế.
Nhiều nguyên nhân “treo nợ”
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, sắp xếp chuyển đổi nhưng vẫn còn nợ treo.
Đơn cử trường hợp doanh nghiệp đã cổ phần hóa (trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp và vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần đã loại trừ số nợ thuế trong số nợ phải trả và đề nghị xóa nợ), nhưng do thủ tục quá lâu nên Bộ Tài chính chỉ mới nhận được hồ sơ, hoặc có một số bộ hồ sơ gửi đến Bộ Tài chính sau ngày 1-7-2007 nên Bộ chưa xem xét xử lý.
Một số DNNN nợ thuế chuyển đổi theo hình thức giao bán trước 1/7/2007 thuộc trường hợp được xóa nợ thuế nhưng không lập và gửi hồ sơ kịp thời nên Bộ Tài chính cũng chưa xem xét xử lý. Bên cạnh đó, một số DNNN sau khi chuyển đổi theo hình thức cổ phần hóa, công ty cổ phần đã hoạt động, cơ quan thuế mới kiểm tra về thuế của thời gian DNNN còn tồn tại trước khi cổ phần hóa và tính truy thu một số khoản thuế, nhưng khi đó đã không còn DNNN để thu! Một số DNNN có khoản nợ đọng thuế nhưng khai xác định giá trị doanh nghiệp lại không tính số nợ thuế trong nợ phải trả nên khi bàn giao cho công ty cổ phần không có khoản nợ thuế này.
Nguyên nhân phát sinh trường hợp này là do theo quy định về trình tự, thủ tục khi xác định giá trị doanh nghiệp, để thực hiện cổ phần hóa DNNN, hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan thuế xác định số nợ thuế, doanh nghiệp phải quyết toán thuế với cơ quan thuế, nhưng trong quá trình thực hiện xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp đã không thực hiện quyết toán thuế, cơ quan thuế cũng không kiểm tra xác định số nợ thuế làm cơ sở xem xét xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp. Hội đồng cổ phần hóa đã xử lý căn cứ vào báo cáo tài chính, bảng tổng kết tài sản của doanh nghiệp để xác định giá trị của doanh nghiệp và xử lý về thuế, quyết định cho chuyển đổi cổ phần hóa sau đó cơ quan thuế mới kiểm tra quyết toán thuế.
Ngoài các trường hợp vướng mắc nêu trên, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ và cũng nợ thuế đã được Nhà nước quyết định cho sáp nhập vào DNNN khác trước 1/7/2007, nhưng đơn vị nhận sáp nhập không có khả năng thanh toán các khoản nợ thuế của doanh nghiệp bị sáp nhập, nên doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị xử lý xóa nợ theo quy định tại Khoản 3, Điều 11, Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ.
Xử lý như thế nào?
Để xử lý các khoản nợ đối với các DNNN đã thực hiện sắp xếp, chuyển đổi trước 1/7/2007, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ như sau:
Đối với DNNN hạch toán độc lập đã thực hiện cổ phần hóa và đăng ký kinh doanh trước ngày 1/7/2007 còn tồn tại các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp NSNN nếu các khoản nợ thuế này đã được tính giảm trừ vào vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp thì cho xử lý xóa nợ theo Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ và Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg ngày 5/11/2001 Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những doanh nghiệp do cổ phần hóa sớm, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn và có lỗ lũy kế mà UBND tỉnh chưa có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp song vẫn thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa DNNN thành công ty cổ phần trước 1/7/2007 nên số nợ thuế chưa được xử lý, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xử lý theo nguyên tắc trên.
Đối với các DNNN thực hiện giao, bán đã hoàn tất việc giao bán trước 1/7/2007 đề nghị cho xử lý xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, nếu đảm bảo điều kiện các khoản phải trả lớn hơn giá trị tài sản của doanh nghiệp hoặc lớn hơn số tiền thu từ bán doanh nghiệp.
Đối với DNNN đã chuyển đổi theo hình thức cổ phần hóa trước 1/7/2007 nhưng sau đó cơ quan thuế, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra phát hiện giai đoạn DNNN hoạt động trước 1/7/2007 phát sinh một số khoản thuế cần truy thu hoặc các khoản nợ thuế, nợ phạt vi phạm pháp luật thuế của DNNN để truy thu, để không phải xử lý giảm phần vốn nhà nước giao cho doanh nghiệp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xóa nợ thuế, nợ phạt không được bàn giao nói trên. Riêng đối với các DNNN chuyển đổi có nợ thuế xuất nhập khẩu bàn giao cho công ty cổ phần thì chỉ tính phạt chậm nộp từ thời điểm bàn giao đến thời điểm công ty cổ phần nộp thuế hoặc thực tế xuất khẩu sản phẩm đối với hàng sản xuất xuất khẩu.
Đối với DNNN sản xuất kinh doanh bị lỗ, có nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước có quyết định sáp nhập vào DNNN khác trước 1/7/2007 đến hết năm 2008, số nợ thuế này chưa được xử lý, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp sát nhập theo quy định tại Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ.
Các trường hợp xóa nợ nêu trên khi được xem xét cho xóa nợ gốc thì cũng đồng thời xóa nợ phạt chậm nộp tương ứng với số nợ gốc được xóa. Dự tính số thuế xử lý xóa nợ đối với các trường hợp nêu trên theo các hồ sơ đã báo cáo về Bộ Tài chính khoảng gần 80 tỷ đồng.
Thí điểm nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet
Theo Tổng cục Thuế Hà Nội, từ tháng 11-2009, sẽ có 255 doanh nghiệp đầu tiên tại Hà Nội thí điểm nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet. Hà Nội là địa phương thứ hai sau TPHCM thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc nộp hồ sơ khai thuế. Với việc tham gia kê khai thuế điện tử, doanh nghiệp có thể nộp tờ khai 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày/tuần và ở bất cứ đâu có kết nối mạng Internet. Trường hợp không có mặt ở trụ sở, đại diện doanh nghiệp vẫn có thể tự ký và nộp tờ khai thông qua việc kê khai thuế qua mạng hoặc có thể giao lại việc quản lý chữ ký điện tử cho người được ủy nhiệm để ký và nộp tờ khai. Cách thức doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng cũng hết sức đơn giản, chỉ cần lập và nộp bộ hồ sơ kê khai thuế qua mạng Internet và trước khi thực hiện nộp hồ sơ khai thuế doanh nghiệp đăng nhập vào cổng thông tin tiếp nhận tờ khai điện tử của ngành thuế để khai báo. Sau khi nhận được các thông tin, hệ thống iHTKK sẽ tự động gửi thông báo xác nhận khai báo thông tin đăng ký nộp hồ sơ khai thuế qua Internet trên hệ thống thư điện tử cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bắt đầu thực hiện nộp hồ sơ khai thuế qua mạng đối với các mẫu tờ khai đã đăng ký theo kỳ kê khai thuế trên thông báo của cơ quan thuế, bao gồm nộp lần đầu và thay thế, bổ sung nếu có sai sót. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế và doanh nghiệp sẽ sử dụng phần mềm này để nộp tờ khai.
Nguyễn Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|