Thứ Hai, 16/11/2009 18:46

Kiểm soát sự độc quyền, thao túng của các tổ chức tín dụng

Chiều nay 16/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết cần sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng để phù hợp với các yêu cầu mới của sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như yêu cầu nâng cao khả năng quản lý an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Dự án Luật được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá, tính năng động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại; đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật các tổ chức tín dung và các Luật khác.

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng gồm 10 chương, 164 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc mở, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài và của tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng.

Góp ý vào dự Luật, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, Dự luật có nhiều điểm mới, sát với yêu cầu thực tế, tiến dần với yêu cầu hội nhập. Những tiến bộ được thể hiện trong Dự luật tạo cơ sở thông thoáng hơn cho hoạt động thương mại, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, các quy định của Dự luật vẫn còn hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng, tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, Luật cần được xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết hơn nữa, giảm thiểu nhiều quy định phải chờ hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng hành nước (NHNN). Đại biểu Cao Sĩ Kiêm tán thành với quan điểm Luật các tổ chức tín dụng chỉ điều chỉnh những định chế hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, các NH, còn các các định chế hoạt động phi ngân hàng dùng Luật khác điều chỉnh.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần làm rõ, nêu hướng giải quyết những định chế tài chính phi ngân hàng, các tổ chức có hoạt động ngân hàng tín dụng do Luật khác điều chỉnh, đảm bảo không sót, lọt. Việc công khai thông tin của hoạt động NH, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo hoạt động ổn định của NH, không gây tác động xấu cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật ( Kiên Giang) có ý kiến đề nghị Dự luật cần có những quy định chặt chẽ trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm soát đặc biệt, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định công khai thông tin. Các điều khoản quy định về lãi suất cần được xây dựng cụ thể, hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động các Tòa án trong hoạt động xét xử các tranh chấp dân sự liên quan đến lãi suất.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định danh sách những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi bầu là thể hiện sự can thiệp sâu của NHNN vào hoạt động các tổ chức tín dụng.

Vì thế, đề nghị nên quy định tổ chức tín dụng gửi danh sách nhân sự trên xin NHNN phê chuẩn trước khi bầu, việc bầu ai do Hội đồng cổ đông lựa chọn theo các quy định của pháp luật. Tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng giới hạn của cá nhân là 5%, của tổ chức là 10% so với số vốn điều lệ là quá thấp so với thực tiễn ở các tổ chức tín dụng quốc tế (20% đối với cá nhân và 30% với tổ chức).

Cùng chung ý kiến này, đại biểu Phạm Thị Loan đề nghị cần mở rộng giới hạn sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức trong các tổ chức tín dụng. Nên giữ ở mức hiện hành là 10% đối với cá nhân và 20% đối với tổ chức, thậm chí có thể nới rộng biên độ giới hạn đối với tổ chức lên 30%, nhằm khuyến khích huy động vốn của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư chiến lược.

Không nhất trí với đại biểu Cao Sĩ Kiêm về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật tới tất cả các tổ chức có hoạt động ngân hàng như công ty chứng khoán, các tiệm vàng thu đổi ngoại tệ...

Bên cạnh đó cũng cần xem xét lại các quy định về giới hạn của Chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam đối với việc cấp tín dụng cho khách hàng hay quy định về việc cho phép tổ chức tín dụng được quyền bán cổ phần cho NH, tổ chức tín dụng khác. Cũng theo đại biểu Loan, cần mở rộng quy định chi nhánh NH nước ngòai cho vay đầu tư chứng khoán dài hạn, thay vì cho phép vay đầu tư chứng khoán ngắn hạn như Dự thảo Luật.

Quan tâm đến hoạt động của các hợp tác xã (HTX) tín dụng, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho rằng nội dung liên quan đến tín dụng HTX còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Hiện nay, cả nước có hàng chục triệu cá nhân đang hoạt động tại các tổ chức kinh tế HTX, các hộ sản xuất nhỏ.

Thực tế cho thấy, bà con nông dân, hoạt động tại các HTX làng nghề có nhu cầu vốn lớn, nhưng chưa được đáp ứng phù hợp. Trong khi đó, các quy định của Dự thảo lại chưa mở rộng quyền hoạt động của các tổ chức tín dụng HTX. Cần xây dựng Dự luật theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng HTX đủ quyền hoạt động bình đẳng với các loại hình hoạt động tín dụng khác, góp phần phát triển mô hình kinh tế HTX.

Tổng kết ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Hoạt động của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực NH là lĩnh vực họat động kinh doanh có điều kiện, có tác động lớn đến xã hội nhưng mang tính rủi ro cao, vì thế Luật phải thể hiện tính quản lý của Nhà nước trong việc quy định rõ về quy trình thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu nhất trí với quan điểm cần có quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ trong Luật; cần nghiên cứu về giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức, cá nhân đầu tư vào tổ chức tín dụng để vừa kiểm soát hoạt động thao túng của các cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, nhưng vẫn khuyến khích được những nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo hoạt động an toàn, phát triển bền vững.

Vietnam +

Các tin tức khác

>   Xăng dự kiến áp thuế môi trường từ 1.000-6.000 đồng/lít (16/11/2009)

>   Ôtô 6- 9 chỗ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế (15/11/2009)

>   Tập dượt đánh thuế nhà để hạn chế đầu cơ (14/11/2009)

>   Chậm trả tiền bù lỗ xăng dầu phải chịu lãi suất cao (13/11/2009)

>   Mới cấp được 80% mã số thuế thu nhập (13/11/2009)

>   Giảm chi cho tập đoàn, tăng chi cho hải đảo (13/11/2009)

>   Thu thuế XNK qua Ngân hàng: DN lợi nhiều bề (13/11/2009)

>   Chưa đồng thuận với việc đánh thuế nhà (12/11/2009)

>   Chấm dứt ưu đãi thuế và phí với ôtô (12/11/2009)

>   Thuế và đầu cơ địa ốc (12/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật