SCIC thế nào phụ thuộc vào quyết tâm đổi mới
Theo Quyết định 151/2005 của Chính phủ, vai trò và sứ mệnh của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một tập đoàn đầu tư tài chính của Chính phủ hoạt động đầu tư vốn nhà nước có hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập. Để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân SCIC mà còn phải có sự chỉ đạo đổi mới quyết liệt của các ngành, các cấp. Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQT SCIC, với TBKTSG.
TBKTSG: Thưa bà, bà là người đã đi cùng mô hình SCIC từ khi tổng công ty còn là ý tưởng, điều gì làm bà hài lòng về mô hình này?
- Bà Lê Thị Băng Tâm: Việc nghiên cứu về mô hình SCIC của Việt Nam là một chủ trương lớn của Chính phủ trong tiến trình đổi mới và cải cách phương thức quản lý vốn và quản trị doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Với tư cách là những người được giao trọng trách xây dựng và tổ chức thành lập tổng công ty chúng tôi đã cố gắng để vận dụng kinh nghiệm thành công và không thành công của một số nước để tổ chức SCIC cho phù hợp thực tế Việt Nam.
Quyết định 151/2005 của Thủ tướng đã tạo ra hành lang pháp lý bước đầu cho SCIC. Tuy nhiên quá trình này không đơn giản bởi đây là mô hình rất mới chưa có tại Việt Nam. Tất cả mọi việc đều phải xây dựng từ đầu và phải vượt qua nhiều thách thức trong bối cảnh có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò sở hữu vốn nhà nước, cũng như những xung đột lợi ích khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lúc nóng lúc lạnh. Vì vậy, tôi thấy có được kết quả như hiện nay cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và SCIC.
TBKTSG: Theo bà, một tập đoàn đầu tư nhà nước cần những tiêu chuẩn cốt yếu gì?
- Là một tập đoàn tài chính mang tính đặc thù, vừa làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vừa là nhà đầu tư, phải kinh doanh vốn nhà nước hiệu quả theo cơ chế thị trường nên để mô hình SCIC thành công cần những điều kiện thiết yếu như:
- Thứ nhất, hệ thống pháp lý phải đủ mạnh, đủ rõ ràng, đảm bảo cho SCIC quyền chủ động, độc lập trong việc quyết định đầu tư và kinh doanh vốn trên cơ sở kế hoạch và chiến lược dài hạn đã được Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt bởi thị trường tài chính biến động hàng ngày, hàng giờ. Nắm bắt cơ hội và thời điểm là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả đầu tư của các tổ chức tài chính và cả SCIC.
SCIC cần được đánh giá trên cơ sở hiệu quả tăng trưởng và phát triển vốn tổng thể, không nên dựa vào những vụ việc cụ thể vì đầu tư tài chính luôn chứa đựng rủi ro không dự đoán hết.
- Thứ hai, bản thân SCIC cần xác định rõ ràng mục tiêu định hướng ngắn hạn và dài hạn để chủ động trong việc đầu tư vốn, khắc phục tình trạng bị động theo xu thế biến động ngắn hạn trên thị trường; cần xây dựng ngay từ đầu bộ quy trình, quy chuẩn quản trị cho mình và cho các công ty có sở hữu vốn đầu tư chi phối phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế. Trong khi ta còn ít kinh nghiệm thì nên học hỏi các mô hình tương tự và hợp tác với các tổ chức tư vấn có năng lực.
- Thứ ba, con người luôn là yếu tố quyết định mang lại hiệu quả thành công của một tập đoàn đầu tư tài chính. Bởi vậy, cần chú trọng trình độ năng lực và đạo đức kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên hơn để không chạy theo số lượng gây kém hiệu quả. Chúng ta hiện thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực đầu tư tài chính, vì vậy cần đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ của SCIC và những lãnh đạo doanh nghiệp đang làm đại diện vốn cho SCIC tại các doanh nghiệp. Cũng nên có hệ thống lương thưởng đặc thù để khuyến khích sử dụng và thu hút nhân tài đang làm việc cho các tổ chức tài chính nước ngoài về làm cho SCIC.
TBKTSG: Dáng dấp SCIC bây giờ có giống với ý định của những người gầy dựng ban đầu không?
- Ba năm qua SCIC đã đạt được những kết quả bước đầu để khẳng định vị trí và vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động của SCIC hiện nay nhiều người đặt câu hỏi liệu trong tương lai SCIC có tiếp tục phát triển theo hướng là nhà đầu tư tài chính và người đại diện duy nhất của Chính phủ đối với vốn nhà nước không. Điều này còn phụ thuộc vào chủ trương của Nhà nước và nỗ lực tự khẳng định mình của SCIC.Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi và cho SCIC vị thế pháp lý đủ mạnh đi cùng với sự ủng hộ quyết liệt của các ngành, các cấp thì trong tương lai SCIC sẽ trở thành tập đoàn tài chính mạnh ngang hàng với các nước trong khu vực.
TBKTSG: Những thách thức trước mắt của SCIC?
- Nền kinh tế và thị trường tài chính hiện đang diễn biến rất phức tạp. Hệ thống pháp lý còn nhiều bất cập. Là một tổ chức tài chính SCIC khó tránh khỏi sự tác động của xu hướng này. Vì vậy, tôi cho rằng với quy mô hoạt động hiện nay SCIC cần nhanh chóng xây dựng định hướng đầu tư và kinh doanh vốn phù hợp với thực tế bám sát mục tiêu chiến lược để giảm bớt danh mục đầu tư hiện hành, phát triển danh mục đầu tư mới có tiềm năng phát triển lâu dài, xác định mức độ và phạm vi kinh doanh vốn ngắn hạn để tranh thủ cơ hội thị trường, hạn chế rủi ro nhưng không xa rời mục tiêu dài hạn của tổng công ty.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện mô hình quản trị của bản thân SCIC để thực sự hoạt động như một doanh nghiệp đầu tư tài chính năng động theo sự thay đổi tư duy quản lý theo kiểu hành chính nhà nước.
TBKTSG: Cũng có ý kiến lo ngại rằng SCIC có thể giúp các tập đoàn nhà nước che giấu tài sản xấu?
- Điều này còn phụ thuộc vào mô hình hoạt động và chất lượng quản trị của SCIC trong thời gian tới.
Hồng Phúc
TBKTSG
|