Thứ Tư, 25/11/2009 18:31

Bán chứng khoán đang về tài khoản: Khống hay không? 

Nếu như bán chứng khoán, NĐT có thể được ứng tiền ngay sau 1 phút và sử dụng tùy ý thì với giao dịch mua, hiện có 2 cách hiểu khác nhau về quyền sở hữu chứng khoán sau giao dịch. Một cách thì cho rằng, phải chờ ngày T+3, còn cách khác thì cho rằng không nhất thiết phải chờ T+3 và thực tế đã có CTCK cho NĐT được bán chứng khoán ngay từ T+1. Trong khi đó, khái niệm bán khống lại không được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật.

Quy định của pháp luật

Điều 54 Luật Chứng khoán quy định việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán như sau: "Trường hợp chứng khoán đã được lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán có hiệu lực vào ngày thực hiện bút toán ghi sổ trên tài khoản lưu ký chứng khoán tại VSD" (Điểm a Khoản 2). Quy định này được một số CTCK hiểu rằng, NĐT bên mua được coi là đã sở hữu chứng khoán tại thời điểm VSD thực hiện bút toán chuyển chứng khoán từ tài khoản bên bán sang, chứ không phải là thời điểm chứng khoán đó được chuyển về tài khoản của bên mua mở tại CTCK. Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện không có CTCK nào cho NĐT bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán (bán khống).

Hoạt động "bán khống" được nhắc đến nhiều gần đây chính là việc CTCK cho NĐT bán chứng khoán trước điểm chứng khoán được chuyển về tài khoản theo quy chế giao dịch hiện hành. Ví dụ: NĐT A có đủ tiền trong tài khoản và thực hiện lệnh mua 10.000 cổ phiếu ACB vào ngày T+0. Sau khi thực hiện bù trừ đa phương, đến ngày T+3 chứng khoán sẽ về tài khoản của NĐT. Tuy nhiên, trong quá trình chờ số chứng khoán đó về tài khoản thì CTCK (có nghiệp vụ tự doanh và có mã chứng khoán đó trong tài khoản) đã cho phép NĐT thực hiện lệnh bán 10.000 cổ phiếu ACB vào ngày T+1 hoặc T+2. Trên thực tế, cổ phiếu ACB chưa về tài khoản, nhưng NĐT đã bỏ ra số tiền tương ứng để mua số cổ phiếu đó. Việc đặt lệnh, thông báo khớp lệnh cùng với việc trừ tiền trong tài khoản của NĐT đồng nghĩa với một hợp đồng mua bán chứng khoán  giữa hai bên (CTCK và NĐT) đã được thực hiện. Câu hỏi đặt ra là: NĐT bán số chứng khoán đang trên đường về tài khoản có phải là bán khống hay không?

Luật Chứng khoán quy định nghĩa vụ của CTCK tại Điều 79, trong đó CTCK có nghĩa vụ "thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính" (Khoản 9). Hiện nay, chưa có quy định của Bộ Tài chính về vấn đề này nên các CTCK không được triển khai. Vậy nhưng, khái niệm "không sở hữu chứng khoán" chưa được quy định rõ nên một số CTCK cho phép NĐT thực hiện bán số chứng khoán đang trên đường về tài khoản.

Nên cho phép thực hiện

Theo ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký lưu ký chứng khoán VSD, việc bán chứng khoán đang về tài khoản cũng như là bán khống, vì ở thời điểm đó, CTCK chưa ghi nhận có chứng khoán của NĐT trong tài khoản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam cho rằng, bán chứng khoán đang trên đường về tài khoản không hẳn là bán khống và hoạt động này là lành mạnh, vì bản chất nó không phải là nợ. Ông Hải cho biết, thông lệ quốc tế cũng là thanh toán T+3, nhưng cho phép CTCK hỗ trợ tiền và chứng khoán nên NĐT được bán T+1.

"Mua không có đủ tiền hoặc thực hiện bán chứng khoán nhưng không thực sự sở hữu chứng khoán mới là rủi ro. Mua 1.000 chứng khoán, sau đó bán 1.000 chứng khoán, bản chất không phải là nợ, nên cho phép áp dụng", ông Hải nhấn mạnh và nhận định, cho phép thực hiện giao dịch này sẽ giúp NĐT chủ động trong việc đầu tư, giảm thiểu rủi ro. Nếu không, một số CTCK cứ cho khách hàng thực hiện bán T+1, T+2, trong khi nhiều CTCK khác không dám làm sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường.

Một lãnh đạo của Sở GDCK Hà Nội cũng cho rằng, bán chứng khoán đang về tài khoản không phải là bán khống, vì đằng nào chứng khoán cũng về tài khoản của NĐT. Chỉ khi nào không có chứng khoán nhưng NĐT vẫn thực hiện bán mới gọi là bán khống. Hiện chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này nên UBCK khó có thể "bắt bẻ" CTCK, còn CTCK cũng khó có căn cứ để công khai hoạt động này. Việc cho phép thực hiện bán T+ sẽ tạo điều kiện cho thanh khoản tốt hơn cũng như sự công bằng giữa công ty thực hiện và công ty không thực hiện. Một bên là tiền, một bên là chứng khoán. Chứng khoán chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác nên không có vấn đề gì. Vấn đề là ở chỗ, tiền phải chuyển sang ngân hàng thanh toán. Nếu cho bán chứng khoán chưa về tài khoản thì có thể dẫn đến câu chuyện tiền và chứng khoán không "đi" với nhau. Khi đó, rủi ro ở chỗ: tiền không đủ thanh toán nhưng chứng khoán vẫn trả cho người mua thì xử lý ra sao? Giải quyết được vấn đề này thì có thể cho NĐT được bán chứng khoán sớm hơn ngày T+4 như hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam: "Việc bán chứng khoán đang trên đường về tài khoản là không có rủi ro"

Việc cho phép NĐT bán chứng khoán đang về tài khoản hiện có nhiều ý kiến cho rằng đó là bán khống. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy, bởi NĐT đã bỏ tiền ra mua chứng khoán thì đó chính là tài sản của họ. Việc cho phép bán chứng khoán đang về tài khoản sẽ tạo thanh khoản tốt cho thị trường và nhiều thị trường trên thế giới đã cho phép thực hiện. Hiện một số CTCK cho phép bán chứng khoán đó là do họ có nguồn chứng khoán tự doanh hoặc thỏa thuận với các NĐT tổ chức hoặc NĐT lớn đầu tư dài hạn vay lại để cho vay chứng khoán. Cũng giống như hoạt động cho ứng trước tiền bán chứng khoán, tôi cho rằng, việc bán chứng khoán đang trên đường về tài khoản là không có rủi ro.

Trong cuộc họp do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam chủ trì mới đây, nhiều thành viên thị trường cùng thống nhất kiến nghị cơ quan quản lý nên cho phép bán chứng khoán đang về tài khoản để các công ty cùng thực hiện. Với gần 100 CTCK hiện nay, mỗi công ty có một hệ thống quản trị rủi ro khác nhau, tiềm lực tài chính và thế mạnh riêng nên có công ty triển khai, có công ty chưa dám làm. Điều đó cũng có phần tạo ra sự không bình đẳng. Vì thế, việc chính thức hóa hoạt động bán chứng khoán đang về tài khoản là cần thiết. Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị chính thức nhiều nội dung, trong đó có nội dung kể trên lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính để được chấp thuận chính thức. Được biết, UBCK đang lấy ý kiến trước khi trình Bộ Tài chính, nhưng về chủ trương là ủng hộ các kiến nghị này.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tin giao dịch cổ phiếu ngày 25/11 trên HOSE (25/11/2009)

>   Tin giao dịch cổ đông nội bộ ngày 25/11 trên HNX (25/11/2009)

>   Khởi công Trung tâm thương mại-khách sạn PTSC (25/11/2009)

>   MHL: Bản cáo bạch niêm yết lần đầu (25/11/2009)

>   PVF đăng ký bán tiếp 200,000 cp PVS từ 24/11 (25/11/2009)

>   KBC hủy niêm yết cổ phiếu tại HNX từ 09/12 (25/11/2009)

>   MCG thay đổi ngày trả cổ tức đợt 1/2009 (25/11/2009)

>   DHC phát hành 2 triệu cp để thưởng và trả cổ tức (26/11/2009)

>   Cùng Vietstock tối ưu hóa chiến lược đầu tư (25/11/2009)

>   GDT lấy ý kiến cổ đông để chia thêm cổ tức 2009 (25/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật