Ba năm thử nghiệm một mô hình
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ra đời khi chỉ vài tháng nữa là Việt Nam chính thức gia nhập WTO với những lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. “Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước rất thấp và có xu hướng giảm dần. Theo Bộ Tài chính, trong tổng số doanh nghiệp nhà nước có 19,5% làm ăn thua lỗ”, Phó tổng giám đốc SCIC, Lê Song Lai nhớ lại.
Gom vốn
Do nhiều bộ, ngành, địa phương buông lỏng quản lý doanh nghiệp trong nhiều năm nên không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước được chuyển giao về SCIC trong tình trạng hiệu quả kinh doanh kém, nội bộ lãnh đạo không đoàn kết gây khiếu kiện kéo dài. Nhiều doanh nghiệp sau khi SCIC nhận bàn giao vốn đã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc bên bờ vực phá sản.
Tổng công ty đã thực hiện cơ cấu lại vốn đầu tư, tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũ vì lợi ích cá nhân đã gây khó khăn cho tổng công ty thực hiện cơ cấu lại vốn.
Do các quy định về việc bàn giao phần vốn nhà nước cho SCIC khi đó chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bộ và địa phương nên các bên phải mất nhiều thời gian để làm các thủ tục hành chính và SCIC mất cơ hội đầu tư.
Tính đến ngày 25-9-2009, theo báo cáo của SCIC, tổng công ty đã tiếp nhận tổng cộng 901 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước là 6.933 tỉ đồng (giá trị thị trường hiện nay khoảng 25.000 tỉ đồng), trong đó đã tái cơ cấu bán hết phần vốn nhà nước tại 192 doanh nghiệp, danh mục còn lại 709 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp này có vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 8.502 tỉ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 24.634 tỉ đồng (trung bình chiếm khoảng 34,5% vốn điều lệ).
Tại các doanh nghiệp đại diện cho 80% giá trị vốn do SCIC nắm giữ, doanh thu trung bình của các doanh nghiệp này đã tăng 44%, lợi nhuận tăng 105% so với thời điểm chuyển về SCIC. Hầu hết các doanh nghiệp đều tăng trưởng khá trên cả ba khía cạnh: vốn, quy mô và hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, SCIC còn thu hồi được trên 18.000 tỉ đồng công nợ, nợ tồn đọng về cổ phần hóa và thu cổ tức.
Theo ông Trần Văn Tá, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SCIC, đến năm 2020 tổng công ty chỉ giữ lại và phát triển dưới 100 doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và có năng lực cạnh tranh quốc tế. Danh mục đầu tư mà SCIC nhắm đến là ưu tiên 25-30% cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, 25% cho cơ sở hạ tầng và xây dựng, 20% cho năng lượng, còn lại là một số ngành công nghiệp then chốt và lĩnh vực khác.
Nhà đầu tư Chính phủ - mới chỉ bắt đầu
Một trong những kỳ vọng khi SCIC ra đời là doanh nghiệp này sẽ có vai trò là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, hoạt động đầu tư của SCIC sẽ tập trung vào các lĩnh vực nhà nước cần chi phối. Kỳ vọng này, trên thực tế, mới được đáp ứng phần nào.
Tổng công ty, với tư cách là nhà đầu tư tài chính, đang kết hợp với các nhà đầu tư chuyên ngành như tập đoàn Điện lực (EVN), tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Tổng công ty Lắp máy... và các nhà đầu tư nước ngoài lập phương án đầu tư mới vào một số dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ vốn thời gian qua.
Cụ thể, SCIC đã mua 45 triệu cổ phần, tương đương 9% trên tổng vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng. Trước đó, SCIC đã đầu tư xấp xỉ 2.000 tỉ đồng dưới hình thức góp vốn cổ phần tại các nhà máy điện khác.
Ngoài ra, SCIC cũng đang tập trung vào ba dự án lớn: tái cơ cấu Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), tái cơ cấu Công ty cổ phần Sứ Hải Dương và tái cơ cấu ngành dược trên phạm vi toàn quốc.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, SCIC đã tham gia cùng tổ hợp các nhà đầu tư thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án Viện đào tạo quản trị cao cấp Việt Nam, dự án tháp Tài chính...
Đối với các ngành công nghiệp then chốt và công nghệ cao (hóa chất, khai khoáng, hóa dược, vật liệu mới, công nghệ thông tin...), SCIC đã hợp tác với tập đoàn Công nghệ CMC thành lập Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông nhằm cung cấp các dịch vụ hạ tầng viễn thông cho các doanh nghiệp; đang nghiên cứu khả năng hợp tác với tập đoàn Dầu khí (PVN) trong một số dự án đạm, giàn khoan...
Tổng công ty cũng đang nhắm đến việc trở thành đầu mối hợp tác, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nhà nước của các quốc gia khác như: thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam-Oman; thỏa thuận việc thành lập Quỹ đầu tư chung với cơ quan đầu tư của Chính phủ Qatar, Kuwait... SCIC cũng đã ký biên bản ghi nhớ với UEM (công ty về đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ Malaysia) về hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
SCIC đặt kế hoạch phát triển tăng trưởng giá trị vốn và tài sản của Nhà nước do tổng công ty sở hữu tính chung tăng gấp hơn năm lần so với giá trị thị trường của vốn và tài sản lúc tổng công ty nhận bàn giao; thoái đầu tư đại bộ phận các doanh nghiệp không cần Nhà nước sở hữu vốn với tỷ lệ khoảng 21%; đưa các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán theo lộ trình là 40% (trong tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư của tổng công ty) vào năm 2010, 60% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020.
Nhìn lại
SCIC là mô hình mới ở Việt Nam mặc dù trên thế giới đã có nhiều mô hình tương tự. Thực tế cho thấy những trường hợp thành công như Khanzanah của Malaysia hay Temasek của Singapore, song cũng đã có những trường hợp không suôn sẻ như Treuhandanstalt của Đức, IRI của Ý...
Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận xu thế quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thông qua các tổ chức đầu tư tài chính và kinh doanh vốn chuyên nghiệp đang ngày càng được khẳng định. Theo số liệu của SWF Institute (Tổ chức về các quỹ đầu tư nhà nước) hiện có khoảng 49 quỹ đầu tư nhà nước với tổng số vốn 3.582 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu.
Song, so với các mô hình đã thành công, môi trường hoạt động của SCIC có khác, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, các chuẩn mực quản trị cũng khác và kinh nghiệm phát triển một mô hình tương tự cũng không nhiều.Tại cuộc hội thảo về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp hồi tháng 4-2009 ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong điều kiện Việt Nam, việc thực hiện hoàn toàn theo quan hệ thị trường là điều không đơn giản do các lực cản về tâm lý và lợi ích. Bản thân SCIC cũng chưa được chủ động hoàn toàn trong việc thực hiện đầu tư và thoái đầu tư vốn nhà nước do còn thủ tục rườm rà, nhiều điểm bất cập.
Mặc dù vậy, “nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến việc mua cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc danh mục của SCIC. Nếu giải quyết được một số vấn đề về cơ chế, tôi tin là SCIC sẽ thực hiện được kế hoạch thoái vốn của mình. Khi trong danh mục chỉ còn vài chục doanh nghiệp lớn, tôi tin rằng lúc đó SCIC sẽ tập trung vào chức năng đầu tư mới vào các ngành, lĩnh vực then chốt, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”, ông Trần Văn Tá chia sẻ với TBKTSG.
Tuy nhiên theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các công ty có 100% vốn nhà nước phải hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên sau bốn năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (1-7-2006). Một trong những kịch bản được đặt ra là SCIC sẽ được chuyển đổi sang mô hình tập đoàn với công ty mẹ hoạt động dưới dạng công ty TNHH một thành viên. Thế nhưng, đặc thù của tổng công ty là tiếp nhận phần vốn tại các doanh nghiệp chứ không tham gia thành lập các công ty thành viên ngay từ đầu. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình của SCIC sẽ như thế nào vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải.
Hồng Phúc
TBKTSG
|