Nouriel Roubini: Thế giới có khả năng tránh suy thoái lần 2
(Vietstock) – Nouriel Roubini, một trong số ít những nhà kinh tế dự đoán chính xác quy mô cuộc khủng hoảng tài chính, hôm Thứ Năm 12/11 cho biết chúng ta có thể ngăn chặn được cuộc suy thoái kép nếu các biện pháp kích cầu được thu hồi đúng lúc.
Roubini phát biểu trong hội nghị tại thành phố Tel Aviv (Israel): “Hy vọng rằng, chúng ta có thể ngăn chặn được một cuộc suy thoái khác nếu các nhà hoạch định chính sách tránh được những sai lầm lớn bằng cách rút lui vào đúng thời điểm.”
Vốn được biết đến với cái tên “Tiến sĩ bi quan”, Roubini đã dự đoán rằng đà hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu ớt trước tình hình Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác phải qua giai đoạn tăng trưởng dưới tiềm năng của mình trong nhiều năm.
Khi đề cập đến việc thu hồi lượng tiền khổng lồ từ các biệc pháp kích thích tài chính và tiền tệ, ông cho biết nếu thực hiện quá sớm có thể gây ra suy thoái và giảm phát lần hai.
Còn nếu được duy trì quá lâu sẽ tăng thêm sức ép lên thâm hụt ngân sách, từ đó khiến lợi tức trái phiếu gia tăng, lãi suất vay thế chấp và các loại hình vay mượn khác tăng cao.
Vị giáo sư Đại học Kinh doanh Stern (thuộc Đại học New York) này nhấn mạnh thêm rằng: “Suy thoái và lạm phát có thể xảy ra cùng lúc, hiện tượng này được gọi là lạm phát đình đốn (stagflation)”. Theo ông, các biện pháp kích cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho đến giữa năm 2010.
Roubini bày tỏ sự bi quan rằng kinh tế của Mỹ sẽ hồi phục theo “hình chữ U” (phục hồi chậm) do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ cắt giảm chi tiêu tiêu dùng. Hơn nữa, một phần sức mạnh của đợt phục hồi từ trước đến nay là nhờ vào các yếu tố tạm thời như số tiền kích thích, gia tăng hàng lưu kho và chuơng trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt.”
Đồng thời, chi phí đầu tư tại Mỹ và Châu Âu vẫn duy trì tại mức thấp bởi công suất thâm dụng chỉ ở vào khoảng 70%. Roubini thắc mắc: “Tại sao 1/3 chi phí đầu tư lại không được tận dụng.”
Ông dự đoán rằng quá trình phục hồi kinh tế Eurozone và Nhật sẽ diễn ra chậm hơn các nơi khác bởi khu vực và quốc gia này không thể tiếp tục áp dụng các chính sách bất thường trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và các khoản nợ công tăng cao.
Ngoài ra, lạm phát toàn cầu sẽ trở thành một vấn nạn trong năm tới dưới tác động của khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ. Trong khi đó, đồng USD suy yếu sẽ tiếp tục khiến cho giá dầu và giá cả các loại hàng hóa khác gia tăng.
Roubini bày tỏ sự thận trọng khi cho rằng sự phục hồi giá tài sản sẽ tiếp tục bởi “bong bóng” được tạo ra từ hoạt động carry trade đồng USD, trong đó các nhà đầu tư vay với lãi suất 0% của Mỹ để mua lại cổ phiếu và hàng hóa, dẫn đền tình trạng thiếu hụt đồng USD.
Roubini nhận xét: “Đến một lúc nào đó, đồng USD sẽ ổn định, nên mọi người sẽ đóng vị thế bán đồng USD. Tiếp theo, các nhà đầu tư sẽ bán vị thế mua trong các tài sản rủi ro (như cổ phiếu). Roubini nói: "Các nhà đầu tư đang cố thoát ra khỏi cửa cùng một lúc."
Uy Danh (Theo Reuters)
|